Trồng từ năm 1992 đến năm 1998 mới bắt đầu cho khai thác, thời điểm đó, những người trồng quế như ông Tuệ phải đi xe đạp chở quế từ xã Đào Thịnh xuống ga Yên Bái để bán quế, đầu ra rất khó khăn, nhiều hôm chở quế đi xong lại phải chở về. Sau giai đoạn đó, thương lái tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái sang kết nối thu mua quế 6-7 năm tuổi để chế biến, đầu ra cho sản phẩm cũng bắt đầu ổn định hơn.
Quế Trấn Yên thực sự đổi thay từ năm 2015, khi những người dân trồng quế nơi đây được cử đi học tập và làm quế hữu cơ, phát triển liên kết 3 nhà (nhà nước - doanh nghiệp - nông dân) và Hợp tác xã quế hồi Việt Nam được thành lập năm 2017. “Trước thời điểm đó, đầu ra rất khó khăn, chúng tôi thường xuyên bị tư thương ép giá. Sau khi Hợp tác xã quế hồi Việt Nam được thành lập và làm quế hữu cơ, đầu ra quế ổn định, tư thương vào tận chân rừng quế để thu mua”, ông Nguyễn Trí Tuệ chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Trí Tuệ, thời điểm chưa làm quế hữu cơ, giá quế cao nhất chỉ bán được khoảng 22.000 đồng/kg, rồi xuống đến 15.000 đồng/kg và liên tục “phập phù”. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, quế được giá, thấp cũng phải 28.000 đồng/kg. Giá quế chỉ cần đạt 20.000 đồng/kg thì người dân đã có thể sống ổn định.
“Ngoài khoản thu nhập từ quế trung bình khoảng 150 triệu đồng/năm, những hộ trồng quế tại xã Đào Thịnh như chúng tôi còn có khoản thu không nhỏ từ những cây trồng dưới tán quế như đỗ tương, gừng, nghệ”, ông Nguyễn Trí Tuệ cho biết,
Còn tại Lào Cai, mấy năm nay, quế bắt đầu tăng giá cao, nhờ đó, các xã ở khu hạ của huyện Bắc Hà như Nậm Đét, Nậm Lúc, Cốc Lầu và Bảo Nhai... có diện tích quế trồng lâu năm đã khá giả lên rất nhanh nhờ cây quế. Tại xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà), bà con chỉ mới trồng quế khoảng chục năm trở lại đây và bắt đầu cho thu hoạch tỉa cây, chủ yếu là thu bán lá cành quế.
Gia đình anh Lý Văn Đản, dân tộc Dao, 40 tuổi, ở thôn Thẩm Phúc (xã Cốc Lý) có khu đồi hơn 5.000 gốc quế đã được 9 năm tuổi. Vì vậy, nhờ giá quế tăng cao, cây quế của gia đình cũng đã lớn nên anh Đản bắt đầu thu tỉa cây quế. Với hơn 500 cây quế thu tỉa, từ bán vỏ quế, cành lá và gỗ, gia đình anh Đản đã thu được hơn 50 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với gia đình anh.
Theo các hộ trồng quế tại Lào Cai, 5 năm trở lại đây, giá quế luôn được giữ ở mức cao, ổn định, tiêu thụ thuận lợi. Đặc biệt, năm 2022 là năm giá quế cao nhất từ trước tới nay nên cả người dân trồng quế và tư thương đều rất phấn khởi.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 57 cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng giống cây lâm nghiệp bao gồm cây quế; có 11 nhà máy chế biến quế, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đang chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến quế tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng. Ngoài tiêu thụ nội địa, quế cũng được xuất khẩu đến rất nhiều thị trường.
Còn theo ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh có trên 80 nghìn ha diện tích trồng quế, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh. Yên Bái cũng là tỉnh có diện tích trồng và sản lượng quế lớn nhất cả nước.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 17 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn sử dụng công nghệ lò hơi để chưng cất tinh dầu với công suất 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Ngoài ra, có hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình chủ yếu hoạt động theo phương thức thủ công, công suất khoảng 200 tấn/năm….
Đến nay, tại các xã, huyện vùng cao trên địa bàn Yên Bái, Lào Cai nói riêng và trung du, miền núi phía Bắc nói chung, quế từ cây xóa đói giảm nghèo đã trở thành cây mang lại thu nhập và đời sống khấm khá hơn thậm chí còn làm giàu cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ riêng tại thị trấn Văn Yên (tỉnh Yên Bái), mỗi năm cây quế mang lại nguồn thu khoảng 700 tỷ đồng thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng, góp phần xây dựng vùng cao ngày một đổi mới, ấm no, giàu mạnh.
Nhận thấy, quế là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, người Dao, người Tày, người H’Mông... ở khắp các xã tại thị trấn Văn Yên và huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đều nhận đất trồng quế. Còn tại xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà, tỉnh Yên Bái), người dân ở đây đã chú trọng chuyển đổi đất đồi hoang hóa, đất trồng ngô, lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây quế, từng bước mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đã đem lại nguồn thu lớn, giúp bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống.
Trên thế giới chỉ có 5 quốc gia có quế đó là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Madagascar và Sri Lanka. Trong khi Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia trồng giống quế Cassia thì tại Sri Lanka, Madagascar trồng giống quế Ceylon.
Hiện nay, cầu lớn hơn cung, thị trường đang có lợi cho sản xuất. Trong câu chuyện nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm phải kể đến sự đồng hành của doanh nghiệp.
Là một trong số những doanh nghiệp tiên phong làm theo chuỗi giá trị và theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ quốc tế, Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) hiện đang liên kết với bà con nông dân tại 4 địa phương gồm Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu đến các thị trường khó tính, sản phẩm sạch, đạt chứng nhận hữu cơ.
Trong đó, thị xã Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) là nơi đầu tiên mà doanh nghiệp đặt nhà máy ngay giữa vùng nguyên liệu. Bởi đây là nơi địa phương cùng tầm nhìn và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân sẵn sàng thay đổi để cùng doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.
Trên thế giới chỉ có 5 quốc gia có quế đó là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Madagascar và Sri Lanka. Trong khi Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia trồng giống quế Cassia thì tại Sri Lanka, Madagascar trồng giống quế Ceylon.
Hiện nay, cầu lớn hơn cung, thị trường đang có lợi cho sản xuất. Trong câu chuyện nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm phải kể đến sự đồng hành của doanh nghiệp.
Là một trong số những doanh nghiệp tiên phong làm theo chuỗi giá trị và theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ quốc tế, Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) hiện đang liên kết với bà con nông dân tại 4 địa phương gồm Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu đến các thị trường khó tính, sản phẩm sạch, đạt chứng nhận hữu cơ.
Trong đó, thị xã Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) là nơi đầu tiên mà doanh nghiệp đặt nhà máy ngay giữa vùng nguyên liệu. Bởi đây là nơi địa phương cùng tầm nhìn và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân sẵn sàng thay đổi để cùng doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng giám đốc Vinasamex cho hay, thời điểm bắt tay vào làm, doanh nghiệp đã khảo sát vùng nguyên liệu, làm việc với chính quyền và nói chuyện với người nông dân và nhận thấy vùng nguyên liệu của Việt Nam hoàn toàn tự nhiên và tốt theo bản chất nó vốn có. Nhưng do điều kiện kinh tế nên Việt Nam không có những công nghệ, máy móc để có thể chế biến và tạo ra được các sản phẩm được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Vì vậy, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của các thị trường cao cấp. Đây là câu hỏi cũng là bài toán cần Vinasamex giải.
Quyết định xây dựng chuỗi giá trị với người nông dân, bắt đầu với 1.000 nông dân và xin chứng nhận hữu cơ cho 1.000 ha, chỉ trong vòng 1 năm, doanh nghiệp đã xin được chứng nhận hữu cơ của 4 thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến nay, doanh nghiệp đã hợp tác với 3.000 hộ nông dân với diện tích 4.200 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế.
“Trong số 3.000 hộ nông dân này có hơn 90% là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khoảng 90% trong số họ là phụ nữ. Bài toán khó nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi đó là thay đổi nhận thức của họ”, bà Huyền chia sẻ và cho hay, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp tình trạng người dân không giữ cam kết. Chúng tôi ký hợp động và mua hàng cho người dân, nhưng khi có đối tác khác đến họ trả giá cao hơn thì người dân sẵn sàng hủy hợp đồng và bán hàng cho đối tác khác.
Để khắc phục việc này, doanh nghiệp tiến hành ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân từ ban đầu. Với thông tin dữ liệu của từng hộ nông dân về diện tích và sản lượng hàng năm, doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản lượng đầu ra đó và đào tạo cho họ về kỹ thuật để có thể đáp ứng được thị trường khó tính.
Sau khi mua toàn bộ sản phẩm cho họ đến cuối vụ, doanh nghiệp trả thêm cho bà con từ 5 - 10% so với giá chung của thị trường. Đây cũng là cách để doanh nghiệp đóng góp để giúp bà con vùng đồng bào dân tộc tăng sinh kế.
Khi làm được việc này và thay đổi được nhận thức của họ về sự phát triển bền vững và tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, tạo niềm tin với người dân. Và khi người ta tin vào mình rồi, nhất là với người dân tộc thiểu số thì họ sẽ mong muốn làm với doanh nghiệp đó. “Hành trình 10 năm qua là hành trình chúng tôi lấy niềm tin của người nông dân. Và khi chúng tôi đã lấy được niềm tin, bây giờ, rất nhiều các hộ dân tộc thiểu số họ mong muốn làm tham gia vào chuỗi của doanh nghiệp”, bà Huyền chia sẻ.
Về kế hoạch đặt ra cho giai đoạn tiếp theo, bà Huyền cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành các nhà máy đang xây dựng và tập trung vào các sản phẩm tinh chất để bán cho các hãng dược phẩm, hóa mỹ phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu từ 4.200 ha lên con số 10.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế và các chứng nhận khác vào năm 2026 - 2027. Chúng tôi mong muốn sẽ giúp cho không chỉ 3.000 hộ nông dân mà con số này sẽ tăng lên 10.000 hộ nông dân vùng đồng bào dân tộc thay đổi cuộc sống, sinh kế, nhận thức khi họ hợp tác với doanh nghiệp”.
Cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp phải kể đến sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương. Để phát triển cho ngành quế địa phương, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây quế trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020 đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển diện tích trồng quế trên địa bàn tỉnh với chính sách hỗ trợ cây giống, từ đó đã hình thành lên nhiều vùng trồng quế với quy mô và diện tích lớn như hiện nay.
Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị đối với các dự án sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị có quy mô từ 1.000 ha trở lên được hỗ trợ 2 tỷ đồng/1 dự án. Đây là cơ hội để phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Ông Nguyễn Thái Bình cho hay, tỉnh cũng đưa ra định hướng cụ thể trong giai đoạn 2021- 2025 là duy trì những diện tích quế hiện có với quy mô trên 80 nghìn ha cũng như tập trung các diện tích có khả năng phát triển trong giai đoạn 2021- 2025, từ đó, tuyên truyền hướng dẫn cho các hộ trồng quế trên địa bàn tham gia thực hiện đúng quy trình quản lý rừng bền vững và tiến tới trồng chăm sóc theo hướng hữu cơ, an toàn nhằm nâng cao chất lượng cây quế.
Ông Tô Mạnh Tiến chia sẻ thêm, trong chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Lào Cai và Nghị quyết 10 của tỉnh ủy Lào Cai đã xác định quế là một trong các ngành hàng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó, mục tiêu phát triển ngành hàng quế có quy mô khoảng 60.000 ha; có khoảng 30.000 - 35.000 ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ; thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến các sản phẩm quế; thành lập các tổ hợp tác, HTX phát triển vùng nguyên liệu và sơ chế, thu mua các sản phẩm quế; tổ chức liên kết sản xuất và hình thành các tổ chức xã hội nghề nghiệp để thúc đẩy ngành hàng quế. “Lào Cai đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng chứng chỉ quế hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến các sản phẩm quế”, ông Tô Mạnh Tiến cho biết thêm.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, quế là cây trồng lâu năm và là nguồn thu chủ lực của bà con vùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao... tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn… Phát triển sản phẩm quế hữu cơ hướng đến thị trường toàn cầu sẽ là giải pháp quan trọng để đưa hương vị núi rừng của Việt Nam đứng vững trên thị trường quốc tế.
Khi sản phẩm quế vươn xa ra thị trường nhiều nước, giá trị được nâng tầm, cây quế sẽ không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, mà còn giúp bà con vùng đồng bào dân tộc giảm bớt khó khăn và làm giàu nhờ cây quế. Trong hành trình này rất cần sự chung tay của các tổ chức phi Chính phủ, Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và bà con vùng trồng.
Theo congthuong.vn