Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT. Về phía tỉnh Thanh Hóa, tiếp và làm việc với Đoàn có ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành; lãnh đạo huyện Bá Thước.
Theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025. Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, các đơn vị cấp huyện và cấp xã đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã, tạo sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình giữa các cấp, các ngành.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành ban hành các văn bản quản lý điều hành theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ để thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, tiến độ ban hành các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện chương trình thuộc trách nhiệm của tỉnh được thực hiện kịp thời, cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra. Tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 và cho rằng, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, với nhiều cách làm sáng tạo, lồng ghép các nguồn lực thực hiện.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn, dự toán cho chương trình và trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định; trên cơ sở nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao kế hoạch bảo đảm theo quy định.
Về tiến độ giải ngân, Tổng vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2023 là: 1.154.375 triệu đồng, trong đó: Vốn thực hiện năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 giải ngân là 89.406 triệu đồng, đạt 39,88% (vốn đầu tư: 64.233 triệu đồng, đạt 56,47%; vốn sự nghiệp: 25.173 triệu đồng, đạt 22,79%). Vốn thực hiện năm 2023, đã giải ngân 59.509 triệu đồng, đạt 9,36% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết (vốn đầu tư: 55.232 triệu đồng, bằng 20,69%; vốn sự nghiệp: 4.277 triệu đồng, bằng 1,16%).
Thực hiện các mục tiêu, đến nay các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra: Cụ thể mục tiêu giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ tiêu giao giảm 3%/năm, kết quả năm 2022 đạt 5,88%, năm 2023 dự kiến đạt 4,5%. Các mục tiêu khác như: Mục tiêu, chỉ tiêu về hạ tầng giao thông, tỷ lệ số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, mục tiêu, chỉ tiêu về thông tin, truyền thông… đều đạt chỉ tiêu đề ra.
Báo cáo của tỉnh cũng chỉ ra khó khăn, vướng mắc dẫn đến phân bổ kế hoạch vốn của một số dự án của các Chương trình MTQG còn chậm, việc triển khai, giải ngân vốn chậm. Cùng với đó, thủ tục giải ngân, cơ chế hỗ trợ... của một số dự án, tiểu dự án cụ thể còn nhiều vướng mắc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, huyện Bá Thước thăm công trình đường giao thông nông thôn, tại thôn Báng, xã Thành Sơn, được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719
Để bảo đảm tiến độ và phù hợp với điều kiện thực tiễn, tại buổi làm việc, các sở, ngành của tỉnh, huyện Bá Thước đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến từng dự án, tiểu dự án. Tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, UBDT và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ, giao dự toán ngân sách Trung ương hằng năm theo Chương trình MTQG; không giao chi tiết theo dự án thành phần, lĩnh vực sự nghiệp chi. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719, bổ sung đối tượng các DTTS còn gặp nhiều khó khăn được hỗ trợ có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng để chăn nuôi, phát triển sản xuất qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi xuất ưu đãi đặc biệt.
Sửa đổi, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung thực hiện Chương trình MTQG 1719 làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện chương trình bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, dễ thực hiện cho giai đoạn tiếp theo. Có giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng thuộc các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 nay không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, nhằm bảo đảm các chế độ chính sách ann sinh xã hội giúp đồng bào giảm bớt khó khăn...
Tỉnh cũng kiến nghị việc tháo gỡ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất. Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục giải ngân, cơ chế hỗ trợ đối với một số dự án, tiểu dự án cụ thể thuộc Chương trình, ví dụ như: Trồng dược liệu dưới tán rừng; tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS; hỗ trợ đất sản xuất; đầu tư cho nhóm DTTS rất ít người....
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, huyện Bá Thước thăm hỏi, động viện và tặng quà Người có uy tín xã Thành Sơn
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa gửi lời cảm ơn Đoàn công tác UBDT đã chọn tỉnh Thanh Hóa để kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG 1719. Chia sẻ về những khó khăn đặc thù của mình và những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719, ông Tùng cho biết tỉnh sẽ khắc phục khó khăn, triển khai quyết liệt và mong muốn UBDT tiếp tục quan tâm, phối hợp cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, nhằm bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 và cho rằng, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, với nhiều cách làm sáng tạo, lồng ghép các nguồn lực thực hiện.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị, với địa bàn rộng, khó khăn, triển khai trên nhiều lĩnh vực, thủ tục lắt nhắt, vì vậy tỉnh tiếp tục có quyết tâm cao, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương; phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín và sự tham gia của người dân, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người dân; tăng cường phân cấp, giám sát, đôn đốc; huy động thêm các nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh và Đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà gia đình anh Vi Văn Hiểu, dân tộc Mường thôn Pà Van, xã Thành Sơn. Đây là hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà từ Chương trình MTQG 1719
Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn tỉnh có những đề xuất, tham mưu trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn tiếp theo.
Về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã trực tiếp giải đáp theo thẩm quyền và đề nghị các đơn vị chức năng tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại cơ sở.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thăm hỏi, tặng quà gia đình cụ Ngân Văn Quang, 101 tuổi, dân tộc Thái - cụ là bố của liệt sĩ
* Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và các thành viên Đoàn công tác đã kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn một số xã thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Bá Thước là huyện miền núi cao, cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 120 km về phía Tây Bắc. Diện tích tự nhiên của huyện là 77.757,20 ha. Dân số năm 2022 là 103.837 người, gồm có 3 dân tộc chính là Mường, Thái, Kinh cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm 54,12%, dân tộc Thái chiếm 31%, dân tộc Kinh và dân tộc khác chiếm 14,88%. Bá Thước thuộc huyện nghèo (Quyết định số Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022), huyện có 21 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 20 xã và 1 thị trấn, với 205 thôn, phố. Với 15 xã khu vực 1, 5 xã khu vực 2 và 1 xã khu vực 3; 51 thôn đặc biệt khó khăn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thăm hỏi, tặng quà thương binh Ngân Văn Núi, dân tộc Thái, thôn Báng, xã Thành Sơn
Mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi thay tích cực. Nhưng do xuất phát điểm thấp nên đến nay đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào DTTS chưa thực sự bảo đảm và thiếu tính bền vững. Khoảng cách phát triển giữa các dân tộc chưa được rút ngắn. Tỷ lệ hộ nghèo là hộ DTTS chiếm 95,1% trong tổng số hộ nghèo của toàn huyện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh thăm mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Pù Luông, xã Thành Sơn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị người dân và chính quyền đổi mới cách làm, mô hình quản lý, hợp tác để tạo việc làm, chia sẻ lợi ích, hướng đến cộng đồng; trong đó lưu ý công tác xây dựng bản sắc riêng, tập huấn, gây dựng thương hiệu... dựa trên 03 trụ cột chính là cảnh quan, ẩm thực và văn hóa để phát triển mô hình "Thiên đường giữa đại ngàn xứ Thanh".
Đến tháng 10 năm 2023, huyện đạt được 2/8 chỉ tiêu theo kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025, dự kiến đến năm 2025 huyện Bá Thước sẽ đạt được 6/8 chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt gồm: Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 gấp 2 lần trở lên so với năm 2020; 50% xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Tại huyện Bá Thước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và đoàn công tác đã đến thăm một số mô hình phát triển du lịch cộng đồng thôn Pù Luông, xã Thành Sơn; thăm công trình đường giao thông nông thôn thôn Báng, xã Thành Sơn, được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719; thăm, tặng quà Người có uy tín tiêu biểu; thăm, tặng quà 2 hộ gia đình chính sách trên địa bàn xã Thành Sơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng đến thăm hỏi, tặng quà gia đình anh Vi Văn Hiểu, dân tộc Mường thôn Pà Van, xã Thành Sơn. Đây là hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà từ Chương trình MTQG 1719.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh trò chuyện, động viên Nhân dân các dân tộc xã Thành Sơn
Tại các nơi đến, chứng kiến sự đổi thay của bản làng, quê hương; nhân dịp ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã ân cần thăm hỏi, tặng quà, động viên cán bộ, Nhân dân, đội ngũ Người có uy tín… tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt phải nghiên cứu cách làm hay, tạo sự khác biệt trong phát triển du lịch cộng đồng.
Đồng thời, cán bộ và Nhân dân cần phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa bản làng, quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.