Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn, Hội LHPN huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 8 Chương trình MTQG 1719, trong đó, đã đẩy mạnh thành lập, nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình tổ Truyền thông cộng đồng (TTCĐ).
Nỗ lực ngăn chặn tảo hôn, HNCHT
Triển khai Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), Hội LHPN huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh thành lập, nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình tổ Truyền thông cộng đồng (TTCĐ).
Làng Plei Hlốp-một trong những ngôi làng đặc biệt khó khăn, thuộc xã vùng III Chư Don, với hơn 90% là đồng bào DTTS, trước đây, trung bình mỗi năm, làng có từ 3 - 5 cặp tảo hôn. Tình trạng tảo hôn khiến cho đói, nghèo luôn đeo bám người dân, trẻ con thiếu cái ăn, suy dinh dưỡng...
Tháng 3/2023, Tổ TTCĐ làng Plei Hlốp được thành lập với 8 thành viên là những Người có uy tín trong cộng đồng, có kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng. Tổ TTCĐ đã tích cực phối hợp với công an huyện, phòng Tư pháp huyện truyền thông một số nội dung về phòng cháy chữa cháy, chấp hành luật giao thông, phòng - chống tảo hôn và HNCHT.
Chị Rơ Mah H’Nhân (làng Plei Hlốp, xã Chư Don) cho hay: “Tổ TTCĐ đã lan tỏa đến chị em hội viên, tuổi vị thành niên thêm những kiến thức pháp luật, hệ luỵ của tảo hôn và HNCHT. Từ đó, chị em tự tin thể hiện bản thân, đứng lên chống lại những hủ tục để xây dựng gia đình, cuộc sống hạnh phúc hơn”.
Đặc biệt nhằm phát huy hiệu quả trong vận động bà con chấp hành pháp luật, phòng, chống tảo hôn, già làng, Người có uy tín Nay Yong cũng tích cực tham gia các buổi truyền thông, sinh hoạt của Tổ TTCĐ. Từ đó, già Yong có thêm kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng về phòng - chống tảo hôn và HNCHT.
Già Nay Yong kể: “Trước kia, vì nể nhau người làng vẫn đi dự đám cưới dù biết đó là tảo hôn. Tôi nói rõ những tác hại của tảo hôn, là vi phạm pháp luật nên kiên quyết không đi dự cưới. Đồng thời, trong cuộc họp làng, tôi nêu rõ tên những gia đình có ý định tổ chức cho con em tảo hôn để kịp thời cùng với hệ thống chính trị thôn làng, các thành viên trong Tổ TTCĐ kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Hai năm nay, dân làng không đi nữa và cũng ko có trường hợp nào tảo hôn. Vì mọi người biết tảo hôn là vi phạm pháp luật, cổ vũ cho hủ tục tồn tại khiến cho cuộc dân làng càng thêm nghèo đói”.
Tương tự, tại làng Phung, xã Ia Le, các thành viên trong Tổ TTCĐ làng Phung thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em gái để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Qua đó, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại.
Ông Ksor Khoan (làng Phung, xã Ia le) cho biết: “Nếu như những năm trước, trong làng có ít nhất 2 vụ tảo hôn thì đến nay, tảo hôn đã không còn trường hợp nào. Để duy trì kết quả này, tôi cùng các thành viên trong Tổ TTCĐ thường xuyên bám sát từng gia đình, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân cùng ngăn chặn và đẩy lùi tảo hôn, HNCHT.
Nâng cao năng lực Tổ truyền thông cộng đồng
Hơn 3 năm qua, Hội LHPN huyện đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 8 tại 14 làng đặc biệt khó khăn của 7 xã, thị trấn. Đến nay, huyện Chư Pưh đã thành lập 12 Tổ TTCĐ với 103 thành viên. Đồng thời, tổ chức 24 buổi tuyên truyền, truyền thông về các quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn, giáo dục nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình chăm sóc sức khỏe trẻ em và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế...
Bà Nguyễn Thị Thùy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cho biết: Tổ TTCĐ hoạt động dựa vào cộng đồng, dân chủ, bám sát các hướng dẫn của Hội LHPN các cấp và tình hình thực tế tại địa bàn. Mỗi tháng, các tổ đều sinh hoạt định kỳ, có ít nhất một hoạt động truyền thông; lồng ghép hoạt động truyền thông với các cuộc họp thôn, họp chi bộ và truyền thông trên nền tảng số và mạng xã hội…
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã tập huấn kỹ năng điều hành cho Tổ TTCĐ để nâng cao năng lực truyền thông, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, những tập tục văn hóa có hại… tại địa phương.
Theo số liệu thống kê, nếu như trong năm 2020, có 153 trường hợp tảo hôn, 11 trường hợp HNCHT thì đến năm 2024, số cặp tảo hôn đã giảm còn 27 trường hợp; tình trạng HNCHT đã được xóa bỏ.
Kết quả đó là động lực giúp các thành viên trong Tổ TTCĐ ở các thôn, làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, vận động người dân xoá bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, văn minh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội ở Chư Pưh nói riêng, toàn tỉnh Gia Lai nói chung.