Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của Ban Kinh tế Trung ương đối với cuộc đối thoại chính sách quan trọng ngày hôm nay. Đại sứ nhấn mạnh sự tương đồng giữa Việt Nam và Australia trong giải quyết thách thức về năng lượng cũng như có những cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng băng 0 năm 2050. Ông Andrew Goledzinowski cho biết, Australia là nước cũng có khí hậu nóng, khô. ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu và đang theo đuổi mục tiêu giảm phát thải tham vọng là giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030. Australia cũng đang cố gắng đạt được 82% năng lượng tái tạo trong hệ thống điện năng với cam kết đầu tư 20 tỷ USD để nâng cấp lưới điện. Cùng với đó Australia đang có sự phối hợp tốt giữa Chính phủ và các bang để tích hợp được các nguồn năng lượng tái tạo và tạo dựng hệ thống pháp lý mạnh mẽ. Đại sứ Andrew Goledzinowski bày tỏ đánh giá cao các chính sách và hành động của Việt Nam nhằm đối phó với với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như: nỗ lực dể chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, khuyến khích sự tham gia của kinh tế tư nhân và cộng đồng quốc tế; đồng thời bày tỏ mong muốn có sự hợp tác tốt hơn giữa các quốc gia trong khu vực về chuyển đổi năng lượng và đối phó biến đổi khí hậu.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao sáng kiến của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Đề án “Tương lai Ngành điện Việt Nam (FE-V)”; cho rằng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện lực của Autralia, Đề án này sẽ góp phần tích cực trong việc nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn về phát triển của ngành điện Việt Nam thời gian qua, đồng thời sẽ khuyến nghị, đề xuất một số cơ chế, chính sách liên quan để phát triển điện lực Việt Nam trong thời gian tới. Đề án có ý nghĩa đặc biệt nhân dịp Việt Nam và Australia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và trong bối cảnh Ban Kinh tế Trung ương đang triển khai nhiệm vụ đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII vừa được ban hành.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski phát biểu khai mạc hội thảo
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết với quốc tế; trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện khi tham gia là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải hướng đến mục tiêu thực hiện khử carbon trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các FTA thế hệ mới cũng đặt ra các yêu cầu phải thúc đẩy chuyển dịch năng lượng. Nhấn mạnh nội dung và mục tiêu quan trọng của các Nghị quyết 55-NQ/TW; 29-NQ/TW và Quy hoạch điện VIII, đồng chí Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như của các chuyên gia trong ngành để thực hóa được các mục tiêu này; đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ các vấn đề trọng tâm như: phân tích, đánh giá quá trình chuyển dịch năng lượng của Úc thời gian qua và những khó khăn, thách thức trong tương lai; qua đó làm rõ hơn những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện để có những bài học, khuyến nghị cần thiết cho Việt Nam; làm rõ những nội dung tổng quan của Quy hoạch phát triển điện lực VIII gắn với những định hướng chuyển dịch năng lượng Việt Nam phù hợp với Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp quản lý hệ thống điện và quản lý thị trường điện trong quá trình chuyển đổi năng lượng trong quá trình chuyển dịch năng lượng; thảo luận làm rõ vai trò của các chủ thể trong quá trình chuyển dịch năng lượng; đặc biệt là vai trò của khối tư nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI trong quá trình phát triển điện lực nói riêng và năng lượng nói chung. Đặc biệt, đối với Đề án “Tương lai Ngành điện Việt Nam (FE-V)”, đồng chí đề nghị cần thảo luận, phân tích, đánh giá sâu hơn về 5 nhóm nội dung cụ thể là về nguồn phát điện, nhiên liệu cho phát điện, lưới điện, nhu cầu điện và thị trường điện; đồng chí cho rằng đây là những vấn đề trọng tâm trong phát triển điện năng, cần có các phân tích đánh giá khoa học, khách quan, đưa ra các đề xuấ, kiến nghị phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các định hướng, cơ chế, chính sách đã nêu trong Quy hoạch điện VIII cũng như phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới hiện nay.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trên cơ sở kết quả Đối thoại, đồng chí đề nghị Ban Tổ chức xây dựng Báo cáo tổng thuật Đối thoại gửi Ban Kinh tế Trung ương để tham khảo trong quá trình xây dựng Báo cáo chuyên đề phục vụ công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Quang cảnh hội thảo
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế