Sign In

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2023

08:22 25/08/2023
Ngày 24/8/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam năm 2023 (VCSF) với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban thay mặt Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương tham dự và phát biểu tại Phiên toàn thể về “Định hướng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh”.

Trong bài phát biểu, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đã nhấn mạnh phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam trong những năm qua. Việt Nam đã có những định hướng chiến lược về phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cácbon thấp như đã nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 10 năm 2021-2030. Trước đó, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó xác định mục tiêu hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, Đảng cũng có những định hướng như: (i) Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải cácbon thấp như trong Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (ii) Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh trong Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (iii) Phát triển nhanh và bền vững dựa trên KH&CN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đã nêu trong Nghị quyết 52 về chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (iv) khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng như đã nêu trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (v) Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, BCH Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ quan điểm “khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn”.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển phát biểu tham luận tại Diễn đàn

Bên cạnh đó, để đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, tiếp đó tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Ngay sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã cụ thể hóa thành Nghị quyết số 98-NQ/CP ngày 03/10/2017 và Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 10, trong đó Chính phủ khẳng định phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó khẳng định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 – 2030.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Đồng chí cũng khẳng định những kết quả của khu vực kinh tế tư nhân tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong thời gian qua là hết sức to lớn. Tuy vậy, để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, đưa các nghị quyết đúng đắn đi vào cuộc sống.

Đồng chí cũng lưu ý các nhiệm vụ và giải pháp trong tâm trong thời gian tới như: (i) các bộ, ngành liên quan cần đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ, sản xuất và thị trường. (ii) tạo mọi điều kiện để khu vực tư nhân đi tiên phong trong chủ động, tích cực tham gia các FTA thế hệ mới. (iii) tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. (iv) thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng thành quả khoa học và công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh.

Trong phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Đức Hiển cũng nêu Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 10; Nghị quyết 06; Nghị quyết 55, Nghị quyết 52,… trình Bộ Chính trị vào cuối Quý IV năm 2023. Đồng chí đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban Tổ chức Diễn đàn, các cơ quan phối hợp ngay sau Diễn đàn xây dựng Báo cáo ngắn tổng hợp các kiến nghị gửi về Ban Kinh tế Trung ương để trực tiếp phục vụ công tác tham mưu đề xuất báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế

Tag:

File đính kèm