Tham gia Đoàn công tác có đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và cán bộ, chuyên viên của các Vụ nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành, địa phương.
Đồng chí Đỗ Ngọc An phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương
Bình Dương là điển hình của cả nước trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tập trung. Sau hơn hơn 03 năm triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và Quyết định số 416/QĐ-TTg đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người lao động về nhiệm vụ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Người lao động về cơ bản đã nắm được các chính sách pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân khi tham gia quan hệ lao động. Người sử dụng lao động đã từng bước nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động. Đa số các doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng, ban hành và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, thang bảng lương, ký kết hợp đồng lao động, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động… Công đoàn cơ sở đã làm tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Từ đó tranh chấp lao động, đình công đã giảm, trật tự an ninh trên địa bàn được bảo đảm, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, tình hình quan hệ lao động tại Bình Dương trong những năm gần đây đã và đang nảy sinh một số vấn đề trong quản lý Nhà nước về lao động – việc làm như: Một số doanh nghiệp không chấp hành đúng Pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng... Công tác tuyên truyền vận động thành lập Công đoàn cơ sở, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn. Việc phối hợp tổ chức hội nghị người lao động, xây dựng Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được quan tâm đúng mức, một số chủ doanh nghiệp coi nhẹ thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, hoặc thực hiện mang tính hình thức.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao tỉnh Bình Dương đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và toàn diện đến các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động, đưa Chỉ thị số 37-CT/TW đi vào cuộc sống với nhiều bài học thực tiễn, nhiều nét mới như thành lập đội công nhân xung kích, tự quản về an ninh, trật tự trong doanh nghiệp, xây dựng nhà ở công nhân, quan tâm giải quyết chính sách cho người lao động, kết nối liên tỉnh, chia sẻ hoạt động dạy nghề, v.v… Bước đầu hình thành thị trường lao động. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của địa phương, thì mức thu nhập của người lao động hiện tại còn thấp, do đó đề nghị Bình Dương quan tâm nâng mức thu nhập của người lao động cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Đồng chí đề nghị Bình Dương cần chú trọng xây dựng tổ chức Công đoàn ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Chú trọng phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, phát triển đảng viên trong công nhân, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho người lao động, nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước đó, chiều ngày 23/8/2023, Đoàn công tác khảo sát thực tế về tình hình xây dựng quan hệ lao động tại hai doanh nghiệp tại khu công nghiệp Vsip II của tỉnh Bình Dương./.
Tin,, ảnh: Nguyễn Hữu Tuấn