Sign In

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển chủ trì Hội thảo chuyên đề 2 trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất

16:13 14/09/2023
Chiều ngày 14/9/2023, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện” đã diễn ra với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Tham dự hội thảo chuyên đề 2 có đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam, một số ban, bộ, ngành liên quan cùng đại diện một số doanh nghiệp, cá chuyên gia trong nước và quốc tế.


Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc tại Hội thảo chuyên đề 2

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lần đầu tiên trong Nghị quyết này và trong chủ trương chung của Việt Nam xác định ngành công nghiệp công nghệ số là ngành công nghiệp nền tảng. Gần đây, trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự thúc đẩy của quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thì phải nhận diện và xác định lại ngành công nghiệp công nghệ số, coi đây là ngành công nghiệp nền tảng bởi vì một số lĩnh vực của ngành công nghiệp công nghệ số đã trở thành đầu vào của các ngành khác.

 Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát biểu tham luận

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực, năm 2022 doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT của Việt Nam đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021; tốc độ tăng trưởng doanh thu ICT giai đoạn 2015-2021 đạt bình quân 15,2%, tương đương gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, trong tổng thể doanh thu này thì khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn, giá trị gia tăng không nhiêu và chúng ta vẫn phụ thuộc phần lớn vào doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy với yêu cầu đặt ra về độc lập tự chủ, tránh tổn thương trong giai đoạn phát triển, chúng ta phải có cách tiếp cận phù hợp trong xây dựng chính sách.

Ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định tham gia thảo luận

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập tự chủ của nền sản xuất Việt Nam như chủ trương, định hướng của Đảng, trong đó có lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị các đại biểu, các chuyên gia và doanh nghiệp tham dự hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận tập trung chia sẻ về thực tiễn triển khai các nội dung liên quan về phát triển các lĩnh vực ngành công nghiệp công nghệ số, những vướng mắc về cơ chế, chính sách; kiến nghị dưới góc độ doanh nghiệp để thúc đẩy ngành này về vấn đề đầu tư, quy hoạch, thuế, nhân lực… đặc biệt là nêu ý tưởng để hướng tới tăng cường tự chủ trong sản xuất công nghiệp công nghệ số, chính sách đầu tư R&D của các doanh nghiệp, những kinh nghiệm hay của các địa phương trong thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ số…

 Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel điều phối thảo luận

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận sôi nổi với các tham luận từ thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt là những trao đổi về triển vọng và thách thức của phát triển thanh toán số tại Việt Nam; Công nghệ phục vụ nền tảng ký kết và xác thực số toàn trình; Giải pháp quản trị sản xuất và nâng cao kỹ năng số; Mô hình chuyển đổi số cho sản xuất công nghiệp giúp tiết kiệm nguồn lực và cải thiện chất lượng đầu ra sản phẩm; Công nghệ thanh toán di dộng và Ví điện tử. Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận chuyên sâu về thực tiễn phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, những thuận lợi, khó khăn, những vướng mắc về cơ chế chính sách, đề xuất, khuyến nghị các giải pháp để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số tại địa phương…

 Ông Lê Thanh Bắc, Đại diện FPT IS phát biểu tham luận 

Phát biểu kết luận hội thảo chuyên đề 2, đồng chí Nguyễn Đức Hiển cảm ơn các đại biểu, các doanh nghiệp đã tham gia hội thảo với những tham luận, trao đổi tâm huyết từ thực tiễn. Đồng chí nhấn mạnh 3 nhóm vấn đề chính được nêu ra tại hội thảo hôm nay. Thứ nhất, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách chung cho phát triển ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam. Để ngành công nghiệp công nghệ số thực sự trở thành ngành công nghiệp nền tảng và đóng góp vào tỷ trọng chung của kinh tế số như mục tiêu năm 2030, phải đưa các chỉ tiêu về phát triển kinh tế số, trong đó có ngành công nghiệp công nghệ số vào chỉ tiêu phát triển của địa phương; vấn đề quy hoạch để phát triển những mô hình mới về công nghiệp công nghệ số; quan tâm đến một số luật hiện nay, sớm thể chế hóa thành nghị định, thông tư, đảm bảo sự thông thoáng; quan tâm đến vấn đề sandbox, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ chế chính sách ưu đãi cho phần mềm…

 Ông Trần Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng Công ty MobiFone  phát biểu tham luận

Thứ hai, các đại biểu thống nhất, để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, trước hết phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Các kiến nghị quan trọng là nâng cao nhận thức và tuyên truyền, cách thức tham gia để thúc đẩy, các hướng dẫn của cơ quan quản lý. Khu vực công phải tiên phong trong chuyển đổi số. Cần phổ cập, đào tạo các kỹ năng số.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông phát biểu tham luận

Thứ ba, các đại biểu nêu đề xuất mang tính định hướng để phát triển ngành công nghiệp dữ liệu; nền tảng số trong lĩnh vực công nghiệp; sản phẩm công nghệ hướng đến thị trường trong nước, hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

 Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp - Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) phát biểu tham luận

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, Ban tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội thảo hôm nay; đồng thời mong muốn nhận được thêm các ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về phát triển công nghiệp công nghệ số để phục vụ công tác tham mưu đề xuất báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.

Quang cảnh hội thảo

Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế

Tag:

File đính kèm