Tham dự Diễn đàn có đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, cùng đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VCCI…; đại diện các cơ quan ngoại giao (đại sứ quán, lãnh sự quán); lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, cùng các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng trong nước và gần 300 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, chủ trương, đường lối của Việt Nam về phát triển nền kinh tế xanh, bền vững đã được nêu trong nhiều văn kiện Đại hội, chiến lược cũng như tại một số Nghị quyết của Đảng, điển hình như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của BCH Trung ương Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó, trong 6 nghị quyết về vùng và nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị về các lĩnh vực như năng lượng (Nghị quyết 55), đô thị (Nghị quyết 06), công nghiệp quốc gia (Nghị quyết 23), cuộc CMCN lần thứ tư (Nghị quyết 52), nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 19).
Trên cơ sở các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ đã ban hành một số chiến lược, kế hoạch về tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu như: Cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC), Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)...
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, chủ trương và định hướng đã rõ, các chiến lược và kế hoạch đã được ban hành tương đối đầy đủ. Vấn đề đặt ra là cần đưa các chủ trương đi vào cuộc sống, triển khai hành động để biến khát vọng thành hiện thực. Thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi xanh, phát triển nền kinh tế xanh. Nhưng để đạt được các mục tiêu đề ra còn rất nhiều việc cần phải làm để biến khát vọng về chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế nhanh, bền vững trở thành hiện thực. Cần nhất quán quan điểm coi chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: (1) Tiếp tục cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, các chiến lược đã có trong lĩnh vực kinh tế - xã hội thành các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để từ đó có thể triển khai đúng, đầy đủ, kịp thời, theo lộ trình các nhiệm vụ đặt ra đối với việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nhanh, bền vững. (2) Rà soát, đánh giá thực chất kết quả triển khai 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể nêu trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. (3) Xác định khoa học và công nghệ và yếu tố nền tảng, then chốt để đạt được các mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong tăng trưởng xanh như: xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi. (4) Định hình tư duy và chiến lược mới về thu hút FDI trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. (5) Cần đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi xanh thông qua việc xây dựng những tiêu chí, quy định và các chương trình hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp. (6) Có cơ chế, chính sách thúc đẩy tài chính xanh, tín dụng xanh.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển cũng nhấn mạnh, với ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, Ban Kinh tế Trung ương mong muốn lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp để phục vụ cho thực hiện các chuyên đề xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng cũng như sơ kết một số nghị quyết quan trọng của Đảng như Nghị quyết 55-NQ/TW về năng lượng; Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, Nghị quyết 23-NQ/TW về chính sách công nghiệp quốc gia, Nghị quyết 50-NQ/TW về FDI…
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế