Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh; các đồng chí trong đoàn công tác là thành viên tổ biên tập các đề án đến từ một số ban, bộ, ngành liên quan; cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Mở đầu cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Hiển cho biết, hiện nay Ban Kinh tế Trung ương đang triển khai sơ kết một số nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về "Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Trong quá trình hoàn thiện các báo cáo Đề án Sơ kết Nghị quyết số 52 và 23 trình Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương và đoàn công tác tổ chức khảo sát và làm việc với một số cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh để làm rõ hơn thực tiễn triển khai thực hiện các Nghị quyết nêu trên và hiện nay Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được các báo cáo của tỉnh.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc
Nhấn mạnh Quảng Ninh là địa phương chủ động trong cơ chế, chính sách và đạt kết qủa tốt trong thực hiện các nghị quyết, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị tỉnh Quảng Ninh báo cáo thêm về một số nội dung trọng tâm từ thực tiễn địa phương; tập trung nêu ý kiến của tỉnh về thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế chính sách pháp luật để triển khai hai nghị quyết 52 và 23. Về nghị quyết 23, đoàn công tác mong muốn lắng nghe về vấn đề phát triển công nghiệp của tỉnh theo định hướng của nghị quyết, phát triển khu công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp; những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên; những vấn đề về phát triển nhân lực công nghệ, phát triển khoa học công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu phát triển… Về nghị quyết 52, đề nghị tỉnh báo cáo về các cơ chế chính sách, kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong chuyển đổi số; phát triển kinh tế số; thu hút doanh nghiệp về công nghiệp thông tin, công nghệ số… Đồng thời mong muốn tỉnh chia sẻ về một số mô hình điển hình, kinh nghiệm triển khai các cơ chế, chính sách trong thực hiện hai nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tham gia ý kiến
Báo cáo đoàn công tác, đồng chí Cao Tường Huy cho biết, tỉnh đã nhận thức tầm quan trọng của nghị quyết 52-NQ/TW và 23-NQ/TW. Sau khi nhận được yêu cầu của đoàn công tác, tỉnh đã có báo cáo về tình hình thực hiện các nghị quyết, tồn tại, khó khăn và những kiến nghị, đề xuất cụ thể của tỉnh. Đồng chí nêu kiến nghị của tỉnh về một số vấn đề như: công tác quy hoạch; nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là phát triển khu công nghiệp, hạ tầng giao thông; chính sách hỗ trợ cho một số ngành công nghiệp ưu tiên; chính sách cho khu kinh tế; cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số, công nghệ thông tin; cơ chế tạo động lực phát triển cho tỉnh… Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cũng bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Trung ương và nhấn mạnh, sau buổi làm việc hôm nay, tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn chỉnh các báo cáo gửi đoàn công tác.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương tham gia ý kiến
Báo cáo của tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện nghị quyết 52 và 23 cho biết: trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Quảng Ninh đã vượt lên, trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, là trung tâm năng lượng của đất nước, giữ vững vị trí là cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Tỉnh đã đạt được những thành tựu phát triển nổi bật, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng phát triển bền vững. Tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt trên 11%, là năm thứ 9 liên tiếp đạt mức hai con số. Ước tính đến hết năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 315.839 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt khoảng 9.500 USD, gấp đôi mức bình quân chung của cả nước. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. An sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm. Trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, được bảo đảm; giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia.
Đồng chí Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến
Về tình hình thực hiện các nghị quyết 52 và 23, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết 52 và 23; nghiêm túc, kịp thời triển khai công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các Nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia ý kiến
Về kết quả thực hiện nghị quyết 23, các mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 23-NQ/TW đã được được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhất quán và xuyên suốt trong các định hướng, mục tiêu về phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Công nghiệp tiếp tục là ngành có tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của tỉnh, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng dần theo từng năm, từ 42,8% năm 2018, đạt 46,6% năm 2023, quý I năm 2024 đạt 48,3% (đạt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động số 23-NQ/TU là trên 45%).
Đồng chí Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến
Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp bình quân trên 10%/năm trong giai đoạn 2018 – 2023. Giai đoạn 2018 – 2023, chứng kiến sự bứt phá trong tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh với tốc độ bình quân trên 15%/năm, trong đó năm 2021 tăng 30,73%, năm 2022 tăng 16,54%, năm 2023 tăng 21,13%. Năng suất lao động ngành công nghiệp đạt 450,5 triệu đồng/người năm 2018, tăng lên 661,1 triệu đồng/người năm 2023. Về năng lực cạnh tranh của tỉnh, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay 02 lần dẫn đầu đồng thời 04 chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR Index (năm 2020, 2022); 7 năm liên tiếp (2017 - 2023) giữ vị trí Quán quân PCI; duy trì 05 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS (2019 - 2023); 05 năm dẫn đầu chỉ số PAR Index (2018 - 2020 và 2022, 2023).
Đại diện Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh báo cáo đoàn công tác
Trong nhiều năm, tỉnh Quảng Ninh đều là một trong những tỉnh có kết quả thu hút đầu tư cao so với trung bình cả nước; năm 2023, Quảng Ninh đứng vị trí trong thứ 3 các địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước với 3,1 tỷ USD. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ của tỉnh tăng từ 67,25% năm 2018, đạt 77,07% năm 2022 và đạt 77,9% năm 2023. Tỉnh đã xác định xây dựng một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước của có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế của tỉnh. Tổng thu hút vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đạt 175.825 tỷ đồng, trong đó FDI đạt trên 5,245 tỷ USD tương đương 125.890 tỷ đồng. Quảng Ninh là một trong các tỉnh thu hút đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhất cả nước. Với những kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện các chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, khả năng hoàn thành mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 23-NQ/TW và mục tiêu tổng quát của địa phương vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh báo cáo đoàn công tác
Về kết quả thực hiện nghị quyết 52, Đến nay, ngoài 09/12 mục tiêu đang tiếp tục triển khai; đã có 03/12 mục tiêu hoàn thành, đạt 25%, cụ thể: (1) 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức 3, mức 4; 73% hồ sơ thủ tục hành chính của cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) được giải quyết trực tuyến trên cổng dịch vụ công và các phần mềm chuyên ngành. (2) Cơ bản đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng; Chỉ số DTI Quảng Ninh đạt 0,7024 đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022, Quảng Ninh đứng đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tiếp 6 năm; Chỉ số cải cách hành chính (Par index) 5 năm đứng đầu cả nước. (3) Kết nối Internet băng rộng, chất lượng cao đến 100% các xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyên sâu về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số cho 100% lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và toàn thể CBCCVC.Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. Phát triển hạ tầng viễn thông cơ bản đáp ứng yêu cầu cho việc triển khai chuyển đổi số toàn diện.
Quang cảnh buổi làm việc
Tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư FDI thế hệ mới gắn với xu thế chuyển dịch chuyển dịch chuỗi sản xuất linh kiện bán dẫn toàn cầu, xu thế chuyển đổi năng lượng, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua thời gian thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Quảng Ninh, việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như cải cách, hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hành chính điện tử, chất lượng cuộc sống và cung cấp cho người dân nhiều tiện ích, cải thiện chất lượng dịch vụ công; nhiều nền tảng trực tuyến và ứng dụng giáo dục giúp cải thiện công tác quản lý, nâng cao chất lượng học tập; thương mại điện tử phát triển.
Đoàn công tác khảo sát tại Dự án Công nghệ Tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Đoàn công tác về tình hình thực hiện các nghị quyết 52 và 23; trình bày một số kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt; công tác thể chế hóa các nghị quyết; kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện các nghị quyết; trình bày hạn chế và nguyên nhân, đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị của Quảng Ninh đối với từng nghị quyết.
Đoàn công tác tham quan dây chuyền sản xuất của công ty Jinko Solar Việt Nam
Các thành viên Tổ Biên tập là đại diện các ban, bộ, ngành đã trao đổi với Tỉnh về các vấn đề quan tâm như: cơ chế, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh; chính sách phát triển các khu, cụm công nghiệp; thu hút các nguồn lực đầu tư; Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; các vấn đề về hạ tầng, phát triển giao thông; việc quản lý, tiếp cận nguồn lực đất đai; phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; phát triển khoa học công nghệ; phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số, sản xuất thông minh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo; thúc đẩy liên kết vùng; các vấn đề về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… Nhiều ý kiến trao đổi về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong triển khai các nghị quyết và đề xuất giải pháp để tiếp tục triển khai các nghị quyết.
Đoàn nghe giới thiệu các công đoạn sản xuất
Phát biểu tổng kết buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Đoàn công tác cảm ơn các ý kiến đề xuất của tỉnh Quảng Ninh tại buổi làm việc hôm nay cũng như sự tham gia, phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; ghi nhận việc triển khai các nghị quyết 52-NQ/TW và 23-NQ/TW tại tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị Tỉnh Quảng Ninh cung cấp, bổ sung thêm một số thông tin về thực hiện các nghị quyết; đề nghị Đoàn công tác tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến tại buổi làm việc để phục vụ cho việc xây dựng Đề án sơ kết thực hiện các nghị quyết 52-NQ/TW và 23-NQ/TW; đồng thời có các báo cáo tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những quan điểm, chủ trương, định hướng, cũng như các cơ chế, chính sách hiệu lực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng và đất nước nói chung trong bối cảnh mới.
Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo công ty Jinko Solar Việt Nam
Cùng ngày, Đoàn công tác đã khảo sát, nắm tình hình thực tế tại Tỉnh Quảng Ninh, thăm một số mô hình trên địa bàn Tỉnh như: Dự án Công nghệ Tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam; Trang trại nuôi biển đa canh, đa giá trị của Công ty cổ phần STP. Đoàn đã nghe đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp báo cáo về một số kết quả sản xuất kinh doanh nổi bật; các bài học kinh nghiệm, cách làm hay trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh và đề xuất, kiến nghị để doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong thời gian tới. Các thành viên đoàn công tác đã trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp về một số vấn đề quan tâm như: chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp; sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản trên biển; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường…
Đoàn công tác khảo sát Trang trại nuôi biển đa canh, đa giá trị của Công ty cổ phần STP
Đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển, Trưởng đoàn công tác ghi nhận kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp cũng như nỗ lực của doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo cho người lao động. Đoàn công tác đã tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để có thêm thông tin phục vụ cho hoàn thiện báo cáo của các đề án./.
Đoàn công tác tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản
Đoàn nghe giới thiệu về các kỹ thuật sản xuất
Đoàn nghe báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế