Sign In

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển và Đoàn công tác làm việc và khảo sát tại tỉnh Quảng Nam về sơ kết thực hiện Nghị quyết 23 và Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị khóa XII

22:52 26/06/2024
Ngày 26/6/20224, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban, Tổ trưởng Tổ Biên tập các Đề án làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển phát biểu chỉ đạo

 

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam; đồng chí Trần Xuân Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh; Đồng chí Hồ Quang Bửu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết báo cáo đoàn công tác

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí đại diện lãnh đạo các vụ thuộc Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc các bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Quảng Nam, có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo đoàn công tác

 

Mở đầu cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Hiển cho biết, Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì sơ kết một số nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Để có thêm luận cứ và hoàn thiện các báo cáo Đề án Sơ kết Nghị quyết số 52 và 23 trình Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương và đoàn công tác tổ chức buổi làm việc với một số cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Nam để làm rõ hơn thực tiễn triển khai thực hiện các nghị quyết nêu trên và hiện nay Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được báo cáo của tỉnh.

Đồng chí Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến

Gợi mở các nội dung làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị Tỉnh báo cáo, trao đổi làm rõ thêm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các Nghị quyết 52 và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị tại Tỉnh ủy; qua thực tiễn của địa phương chia sẻ, phân tích, đánh giá làm rõ thêm về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành có liên quan đến nội dung của hai Nghị quyết trong thời gian qua và các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.

Đồng chí Đinh Quang Trung, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia ý kiến

Trong đó, đối với Nghị quyết 23 đề nghị Tỉnh báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan tới quy hoạch không gian công nghiệp; khó khăn trong việc triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch của tỉnh; các cơ chế chính sách cho phát triển không gian công nghiệp, nhất là cụm liên kết ngành công nghiệp; các cơ chế, chính sách cũng như những khó khăn cho phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là tại Khu kinh tế mở Chu Lai; xác định một số ngành công nghiệp ưu tiên; phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp…

Đồng chí Nguyễn Ngọc Trung, Phó vụ trưởng phụ trách vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương tham gia ý kiến

Liên quan tới Nghị quyết 52, đề nghị tỉnh Quảng Nam đánh giá thêm một số khó khăn, vướng mắc về các cơ chế, chính sách tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thực tế xây dựng các hạ tầng thiết yếu của địa phương hiện nay, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng cơ sở dữ liệu; chính sách của địa phương trong đầu tư triển khai chuyển đổi số; việc triển khai xây dựng đô thị thông minh nhất là kinh nghiệm trong triển khai Dự án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Tam Kỳ từ nguồn vốn viện trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc; việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực hiện chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo…; khó khăn trong việc đấu thầu, mua sắm tài sản công cũng như tiếp cận các nguồn lực. Bên cạnh đó, đoàn công tác mong muốn được nghe chia sẻ ý kiến về việc hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo của địa phương, kinh nghiệm chuyển đổi số trong các khu vực công…

Quang cảnh buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Quang Bửu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Đoàn công tác khảo sát tại phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển thử thực hiện dịch vụ công trực tuyến

 

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt nghị quyết đến cán bộ chủ chốt toàn tỉnh và các cấp ủy, tổ chức đảng..., xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Trong việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 16-Ctr/TU; trong thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch sô 312-KH/TU để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Vai trò chủ đạo của ngành công nghiệp ngày càng dược khẳng định, là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 Khu công nghiệp với diện tích 3.676 ha, có 11/14 Khu công nghiệp đã thu hút được 248 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư 81.430 tỷ đồng; 53/59 Cụm công nghiệp được thành lập đã thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 71,22%. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2056 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh tập trung thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn như: công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày ở vùng Đông Nam; đầu tư phát triển các nhà máy chế biến gỗ từ rừng trồng; tiêu thụ và chế biến dược liệu, hỗ trợ phát triển du lịch miền núi; phát triển công nghiệp năng lượng gắn với bảo vệ môi trường ở Vùng Tây… góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Việc phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh đạt một số kết quả bước đầu; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2023 là 8,76%. Mô hình hệ sinh thái Quảng Nam khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được các cơ quan Trung ương, các chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp được hoan nghênh và đánh giá cao. Công tác chuyển đổi số được ưu tiên tập trung vào các ngành lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải…

Đoàn công tác khảo sát thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại phường Tân Thạnh

Tuy nhiên, đồng chí cũng cho biết việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, dịch chuyển công nghiệp theo vùng lãnh thổ còn chậm; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu, cụm công nghiệp chưa hoàn chỉnh và đồng bộ; nguồn nhân lực nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên quan đến phát triển công nghiệp đã ban hành còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trụ cột kinh tế số, xã hội số chưa được quan tâm triển khai tương xứng với xây dựng chính quyền điện tử; việc đầu tư hạ tầng viễn thông ở khu vực miền núi, biên giới, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chưa đồng bộ; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin và chuyển đổi số…

Đoàn công tác làm việc tại phường Tân Thạnh

Sau khi nghe báo cáo, các đồng chí trong đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đặt ra các câu hỏi đối với tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là những đánh giá của địa phương về các cơ chế, chính sách trong thực hiện các nội dung từ thực tiễn triển khai thực hiện 2 Nghị quyết tại địa phương… Nhiều ý kiến cũng phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong triển khai các nghị quyết và để xuất giải pháp để tiếp tục triển khai các nghị quyết. Các ý kiến tại buổi làm việc tập trung đến các nội dung liên quan đến các vấn đề như: vấn đề quy hoạch, kế hoạch để thực hiện quy hoạch; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, đặc biệt là phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh; các chính sách về khoa học công nghệ; quy định, cơ chế chính sách về chuyển đổi số...

Lãnh đạo TP Tam Kỳ báo cáo đoàn công tác

Các đồng chí trong Ban Thường vụ, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Quảng Nam đã giải đáp các câu hỏi của các thành viên đoàn công tác. Tập trung phân tích, đánh giá làm rõ thêm những kết quả nổi bật; những khó khăn, tồn tại trong triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đã trao đổi cụ thể hơn về các vấn đề liên quan đến chính sách phân bố không gian phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, tập trung vào các kiến nghị liên quan tới việc thực hiện 02 đề án: (i) Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai; (ii) Đề án hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; kiến nghị liên quan đến bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp cho tỉnh để đủ điều kiện phát triển các khu công nghiệp mới đến năm 2030… 

Lãnh đạo Phường Tân Thạnh báo cáo đoàn công tác

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thay mặt Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy cảm ơn đồng chí Nguyễn Đức Hiển và đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã dành thời gian đến thăm, làm việc với tỉnh Quảng Nam.

Đoàn đi khảo sát và làm việc tại Khu Công nghiệp THACO-Chu Lai

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là 2 Nghị quyết cần thiết và quan trọng. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả 2 nghị quyết trong thời gian tới, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh cần nhìn nhận, đánh giá lại các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra để triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn; nhìn nhận lại sự vào cuộc một cách đồng bộ giữa các bộ, ngành Trung ương với địa phương. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành Trung ương kịp thời rà soát và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ đề xuất, kiến nghị của địa phương.

Đoàn nghe giới thiệu về dây chuyền sản xuất

 

Phát biểu tổng kết buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao sự chuẩn bị của Tỉnh Quảng Nam cho buổi làm việc ngày hôm nay; cảm ơn sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; ghi nhận việc tổ chức triển khai các nghị quyết một cách chủ động, quyết liệt và những kết quả tích cực của Tỉnh Quảng Nam trong thực hiện các nghị quyết 52-NQ/TW và 23-NQ/TW. Đồng thời khẳng định, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, nghiên cứu và sớm có kiến nghị, tham mưu để cùng địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Quang Bảo, Tổng Giám đốc THACO Auto báo cáo đoàn công tác

 

Trong buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã khảo sát, nắm tình hình thực tế tại Ủy ban Nhân dân Phường Tân Thạnh, Thành phố Tam Kỳ về đô thị thông minh và chuyển đổi số. Phường Tân Thạnh là một trong 02 đơn vị được thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam chọn làm thí điểm triển khai chuyển đổi số, xây dựng phường thông minh giai đoạn 2021 - 2023. Qua quá trình thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: nâng cấp, vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử của phường; thường xuyên kết nối sử dụng App “Smart Tam Kỳ”; được thành phố chọn làm điểm thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn; lắp đặt 15 trạm BTS, các tuyến truyền dẫn băng rộng đảm bảo phủ sóng thông tin di động 3G, 4G, 5G và internet băng rộng đến 100% khối phố trên toàn địa bàn, triển khai các ứng dụng phục vụ triển khai chính quyền số; chú trọng phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử và quảng bá thương hiệu địa phương; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thông minh như du lịch thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh, y tế thông minh …

Quang cảnh buổi làm việc tại Khu Công nghiệp THACO-Chu Lai

Cùng trong chiều ngày 26/6, đoàn đi khảo sát và làm việc tại Khu Công nghiệp THACO-Chu Lai. THACO Chu Lai được quy hoạch thành 4 phân khu: Khu công nghiệp cơ khí và ô tô, Khu công nghiệp nông - lâm nghiệp, Khu cảng, logistics và phi thuế quan và Khu đô thị Chu Lai. Trải qua quá trình đầu tư phát triển, đến nay, THACO - Chu Lai có tổng diện tích hơn 1.200 ha với 35 công ty, đơn vị gồm: các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, các nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ, trung tâm cơ khí miền Trung; hệ thống cảng biển và các đơn vị giao nhận - vận chuyển; các đơn vị đầu tư - xây dựng; trường cao đẳng nghề và các đơn vị hỗ trợ… với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng. Tại đây, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã cùng ban Lãnh đạo THACO trao đổi các thông tin về quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của THACO. Đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển và đoàn công tác đã trao đổi và ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đề xuất từ phía THACO để có thêm thông tin phục vụ cho sơ kết các đề án.

Vụ Công nghiệp

Tag:

File đính kèm