Ngày 25/10/2024, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tham mưu tổ chức Hội thảo “Công tác giám định và định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc tại tỉnh Quảng Nam - Những hạn chế, khó khăn vướng mắc và giải pháp, kiến nghị”. Các đồng chí: Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Nguyễn Mạnh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các Vụ, Cục thuộc Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính...; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các sở, ban ngành, địa phương tỉnh Quảng Nam.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh cho biết, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường lãnh đạo đối với hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật; chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị; tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giám định, định giá tài sản trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc; nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển.
Tuy nhiên, công tác giám định tư pháp, định giá tài sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập. Nguyên nhân cơ bản là do cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến công tác giám định vụ việc, định giá tài sản trong tố tụng hình sự còn hạn chế, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp, hướng dẫn thực hiện định giá tài sản còn chưa kịp thời. Nhiều trường hợp cơ quan tiến hành giám định, định giá không làm hết trách nhiệm; chậm thành lập Hội đồng giám định, định giá, làm kéo dài thời gian giám định, định giá dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn hoặc tạm đình chỉ điều tra để chờ kết luận giám định, định giá.Thiếu cơ chế phối hợp, thông tin giữa các cơ quan trưng cầu giám định, yêu cầu định giá với cơ quan thực hiện giám định, định giá...
|
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh phát biểu kết luận Hội thảo |
Các đại biểu tham dự Hội thảo, qua thảo luận đã nhận định, đánh giá toàn diện, khách quan về kết quả đạt được; đặc biệt đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập, phân tích rõ nguyên nhân; đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Đồng thời, thống nhất cao nhận định công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc là lĩnh vực, công việc mang tính chất đặc thù, bao gồm nhiều lĩnh vực chuyên môn; có vai trò quan trọng, làm chứng cứ, cơ sở để giải quyết các vụ án, vụ việc được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh việc bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Công tác giám định, định giá tài sản đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết một số vụ án, vụ việc; nhiều vụ án, vụ việc được giải quyết kịp thời, hiệu quả, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Các ý kiến cũng thống nhất nhận định: Quy định của pháp luật về lĩnh vực giám định, định giá tài sản chưa thật đầy đủ, toàn diện, cụ thể, rõ ràng; thực trạng công tác quản lý nhà nước còn bất cập, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động chưa phù hợp, cần phải tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, khung pháp lý hoàn chỉnh trên lĩnh vực này. Nhận thức và việc áp dụng, vận dụng các văn bản pháp luật liên quan đến giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chưa thống nhất; chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa đảm bảo; việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định, kết quả định giá tài sản trong một số vụ án chưa thật hiệu quả, cần ban hành quy trình, hướng dẫn cụ thể. Bởi vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan chức năng có liên quan; nhất là việc ban hành, thực hiện quy chế phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định với cơ quan thực hiện giám định. Nghiên cứu, đề xuất quy định rõ về thời hạn giám định, định giá, việc sử dụng kết quả giám định lần đầu, giám định lại, có quy trình giám định để thực hiện thống nhất trong cả nước; trách nhiệm và chế tài cụ thể đối với cơ quan thực hiện giám định, định giá, bởi vì kết quả này là căn cứ để khởi tố, điều tra, truy tố trong các vụ án hình sự; là cơ sở để giải quyết tranh chấp dân sự. Đầu tư nguồn lực thỏa đáng để mua sắm đầy đủ trang thiết bị cần thiết và chế độ phù hợp cho những người làm công tác giám định, định giá tài sản. Cần nghiên cứu tổ chức lại, điều chỉnh mô hình hoạt động của một số tổ chức giám định và định giá tài sản; tăng cường công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và cập nhật quy định của pháp luật để đội ngũ làm công tác giám định, định giá tài sản nâng cao năng lực.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh nhấn mạnh, Hội thảo hôm nay như là một khóa tập huấn chuyên môn sâu trên lĩnh vực giám định và định giá tài sản, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, nhất là các cơ quan tư pháp, cơ quan giám định, định giá tài sản trên địa bàn tỉnh cập nhật thông tin, rút kinh nghiệm, tiếp tục quán triệt nhận thức và nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả hơn các quy định của pháp luật vào thực tiễn quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc. Đồng chí đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến tham luận chất lượng, tâm huyết đầy trách nhiệm của các đại biểu, là nội dung quan trọng cần được nghiên cứu nghiêm túc, có hàm lượng mang tính luận cứ khoa học và thực tiễn cao; có ý tưởng sâu sắc, toàn diện; cách tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn đa chiều, sát với tình hình, điều kiện của địa phương và đề xuất được những giải pháp chung, có thể vận dụng, áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Mỹ Ngọc
(Ban Nội chính Trung ương)