Cùng tham gia tiếp xúc cử tri có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cử tri quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.
|
Tin tưởng quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Thay mặt Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Lã Thanh Tân đã báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV; một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay và hoạt động của Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng từ sau Kỳ họp thứ tư đến nay.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri quận Ngô Quyền đánh giá cao những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước và TP. Hải Phòng trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Trong bối cảnh hết sức khó khăn của giai đoạn phục hồi sau đại dịch, cử tri quận Ngô Quyền cho rằng, những kết quả đạt được đã làm cho cử tri càng thêm tin tưởng và quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhất trí với dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm tới, các cử tri quận Ngô Quyền cũng nhấn mạnh, đạt được kết quả kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của Quốc hội. Những quyết sách của Quốc hội đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về chính sách, pháp luật giúp Chính phủ có hành lang pháp lý điều hành kinh tế vĩ mô tốt hơn.
"Cử tri chúng tôi đặc biệt quan tâm, tin tưởng quyết tâm đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát tối cao, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước", cử tri Lê Quang Nga, phường Đông Khê nói.
Cùng với đó, cử tri cũng ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng và các hoạt động của Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng đã đóng góp chung vào thành công của Quốc hội. Các ý kiến đóng góp của ĐBQH thành phố mang tính thực tiễn, có chất lượng, thể hiện trách nhiệm với cử tri và nhân dân.
Về chương trình Kỳ họp thứ năm, cử tri quận Ngô Quyền bày tỏ đặc biệt quan tâm đến hoạt động lập pháp với rất nhiều dự án luật quan trọng, có tác động trực tiếp và sâu rộng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đông đảo người dân và cộng đồng doanh nghiệp như: dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Giá (sửa đổi), dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam...
Tin tưởng công tác lập pháp tại Kỳ họp sẽ đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, bảo đảm hệ thống pháp luật ngày càng thống nhất, đồng bộ, ổn định, có sức sống, khả thi, sát hợp với thực tiễn, hướng tới sự phát triển và hội nhập quốc tế, cử tri quận Ngô Quyền - địa phương có tới 17 dự án đang triển khai và chuẩn bị triển khai trên địa bàn với diện tích cần thu hồi trên 128ha của 81 tổ chức và gần 5.000 hộ gia đình, cá nhân - đang rất mong chờ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ bảo đảm hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất so với quy định hiện hành.
Cử tri Lê Quang Nga đề nghị Quốc hội quan tâm đổi mới hoạt động giám sát đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn và nguyện vọng của cử tri để hoạt động giám sát ngày càng có “sức nặng” hơn, sát thực tế, sát trách nhiệm và sau giám sát phải tạo chuyển biến.
Tinh thần đấu tranh, tự chỉnh đốn, tự nhận trách nhiệm của Quốc hội rất rõ nét
Dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua, cử tri Lê Vũ Thành, nguyên Bí thư Quận ủy Ngô Quyền đánh giá cao những đổi mới quan trọng trong công tác này. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương hết sức rõ nét; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tăng cường; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hết sức phong phú, đa dạng, nhất là việc công khai, minh bạch nêu rõ từng vụ việc cụ thể, từng cá nhân với mức độ trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp của tổ chức đảng liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Cử tri Lê Vũ Thành cũng cho rằng, tâm lý nhân dân và thậm chí cả lãnh đạo ít quan tâm đến lãng phí, trong khi thực tế có nhiều vụ việc lãng phí gây thất thoát tiền bạc, nguồn lực của nhà nước còn lớn hơn cả tham nhũng nhưng chậm được xử lý và khi xử lý thì hay đổ lỗi cho khách quan, rất khó chỉ ra trách nhiệm.
"Theo nhận thức của tôi, tham nhũng và lãng phí là đôi bạn cùng đường, có tác động qua lại với nhau. Tệ hại hơn là, tham nhũng còn có thể thu hồi được, còn lãng phí là hoàn toàn mất đi. Do đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề lãng phí", cử tri Lê Vũ Thành đề nghị.
Theo dõi hoạt động của Quốc hội, ông Lê Vũ Thành cũng cho rằng, hoạt động của Quốc hội ngày càng thiết thực, cụ thể, kịp thời trước những biến động của tình hình đất nước và quốc tế.
Cử tri Lê Vũ Thành nhận định, Quốc hội đã thường xuyên ban hành các luật, nghị quyết về phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhưng một điểm rất mới, tạo niềm tin đối với cử tri và nhân dân là đã xử lý rất kịp thời các tình huống xảy ra. Có những vụ việc, vụ án Ban Chấp hành Trung ương vừa họp xong, vừa quyết định kỷ luật đảng theo thẩm quyền thì chỉ một vài ngày sau Quốc hội đã triệu tập Kỳ họp, xem xét xử lý ở góc độ Nhà nước, miễn nhiệm chức vụ được Quốc hội bầu, phê chuẩn rất kịp thời. "Chúng tôi đồng tình cao vì trước đây chúng ta kỷ luật đảng nhưng kỷ luật chính quyền còn chậm. Bây giờ chúng ta làm đồng bộ, rất kịp thời", ông Thành nói.
Từ thực tiễn triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri Lê Vũ Thành cũng đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi bổ sung quy định về số hành vi phạm tội tham nhũng tại Bộ luật Hình sự cho phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng để không tạo kẽ hở cho các đối tượng phạm tội.
Cụ thể là, Bộ luật Hình sự năm 2015, chương các tội phạm về tham nhũng có 7 Điều luật (Điều 353 đến Điều 359) quy định 7 hành vi phạm tội tham nhũng, trong khi đó tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 12 hành vi tham nhũng. Do vậy, 5 hành vi còn lại của Luật Phòng, chống tham nhũng còn thiếu chế tài để xử lý, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể gây khó khăn và kẽ hở trong quá trình vận dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng.
Nguồn: daibieunhandan.vn