|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngành Tòa án. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN). |
Đây là lần thứ hai Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng làm việc với Ngành Tòa án. Năm 2023, tòa án các cấp thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải giải quyết tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng đa dạng, phức tạp. Bên cạnh yêu cầu phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, các tòa án còn phải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp như việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hay tổ chức các phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá năm 2023, Ngành Tòa án đã chủ động, sáng tạo, có nhiều chủ trương, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác. Công tác xét xử có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết các vụ án đạt cao; chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao; pháp luật được chấp hành nghiêm minh và thống nhất; tranh tụng tại phiên tòa được mở rộng, thực chất, hiệu quả hơn...; góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan thấp hơn năm trước, đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao.
Đặc biệt, tòa án các cấp đã tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án tham nhũng lớn. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được xét xử đúng tiến độ, nghiêm minh theo pháp luật. Tòa án đã chủ động phối hợp với liên ngành tố tụng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án lớn. Các vụ án đã xét xử được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao; thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh; công khai các bản án, quyết định của tòa án được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo điều kiện để nhân dân và cơ quan dân cử giám sát hoạt động của tòa án, đồng thời nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, thẩm phán trong thực thi công vụ.
Biểu dương, đánh giá cao thành tích mà Ngành Tòa án đạt được trong năm 2023, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của tòa án các cấp vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót như tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật...; việc tổ chức thi hành án tử hình chậm, số bị án tử hình cần phải thi hành còn thấp. Chủ tịch nước phân tích cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và quy mô nền kinh tế tăng nhanh, các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính gia tăng đột biến, làm cho hoạt động xét xử của tòa án ngày càng tăng lên, khó và phức tạp hơn.
Trong khi đó, yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó hoạt động xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy và lãnh đạo tòa án các cấp chú trọng đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; bảo đảm thực chất tính độc lập của hai cấp xét xử.
“Cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục. Uy tín của tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng nhất của các tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử, Chủ tịch nước chỉ đạo cần chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Phải nâng cao chất lượng, tính chính xác, tính khả thi, các phán quyết của tòa án, nhất là việc áp dụng các hình phạt. “Khi phát hiện sai sót phải thành tâm nhận khuyết điểm, khẩn trương, kiên quyết khắc phục, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân; đó cũng là cách để nâng cao uy tín của tòa án. Chú trọng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Đẩy mạnh việc công khai bản án, quyết định của tòa án làm cơ sở để nhân dân và các cơ quan liên quan giám sát hoạt động của tòa án, tăng cường niềm tin của nhân dân vào công lý và công bằng xã hội”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước yêu cầu, quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế phải nghiên cứu, đánh giá, quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo; có hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn; khoan hồng với người làm công ăn lương, phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn; chú trọng và thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản của tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại. “Mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thậm chí là tính mạng của người dân”, Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh đến ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán thực sự "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, có đạo đức trong sáng, thanh liêm, chính trực, khát khao công lý, giàu lòng nhân ái, có phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật.
Đặc biệt, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương chỉ đạo Ngành Tòa án tập trung hoàn thành xây dựng Tòa án Điện tử vào năm 2025, nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số, cung cấp cho người dân nhiều dịch vụ tư pháp tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án, xây dựng hình ảnh tòa án thân thiện, thực sự là chỗ dựa của Nhân dân trong bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.
Đi liền với đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tòa án, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan tòa án; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên Ngành Tòa án trong xã hội, nhất là người đứng đầu tòa án các cấp; xây dựng Ngành Tòa án trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Tại Hội nghị, Tòa án Nhân dân Tối cao đã cho ra mắt Bộ sách Lịch sử Tòa án Nhân dân Việt Nam (1945-2023).
Nguồn: vietnamplus.vn