Những kết quả quan trọng Bắc Giang là tỉnh miền núi phía Bắc, Đảng bộ tỉnh hiện có 14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, có 581 tổ chức cơ sở đảng với trên 90.000 đảng viên. Đến 31-12-2023, tỉnh Bắc Giang có 38.247 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động họp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu BTV Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU để triển khai thực hiện. Kế hoạch đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn cán bộ trẻ có tư duy đổi mới, sáng tạo và khả năng hội nhập; năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Một số kết quả cụ thể:
Công tác tuyển dụng công chức, viên chức và thu hút nhân tài: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tuyển dụng, tiếp nhận 3.795 công chức, viên chức bảo đảm công khai, khách quan, đúng quy định. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ và các đề án, nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm tuyển dụng, thu hút nhân tài nhằm nâng cao chất lượng và tạo nguồn cán bộ cho cơ quan, đơn vị mình nhất là những người được đào tạo cơ bản, tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học, người trình độ thạc sỹ; đồng thời cử cán bộ của cơ quan, đơn vị đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học. Từ năm 2017 đến nay, đã tuyển dụng, thu hút được 15 trường hợp về công tác tại các sở, ngành của tỉnh.
Công tác quy hoạch cán bộ: Ngay sau khi Trung ương ban hành văn bản, hướng dẫn về xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu BTV Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 49-KH/TU, Hướng dẫn số 01-HD/TU và Đề án số 12-ĐA/TU về công tác quy hoạch cán bộ để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh; cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch cấp ủy và lãnh đạo, quản lý các cấp được BTV Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; trong đó quan tâm phát hiện những nhân tố trẻ có triển vọng phát triển từ thực tiễn để đưa vào quy hoạch; việc rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm chủ yếu là cán bộ trẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với tinh thần chủ động, tích cực, quyết tâm cao, Bắc Giang là một trong những tỉnh hoàn thành sớm nhất quy hoạch cán bộ ở cả 3 cấp (hoàn thành trong tháng 5-2022), bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu theo yêu cầu, góp phần tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được triển khai thực hiện nền nếp: Từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 31-12-2023, toàn tỉnh có 20.023 lượt cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, có 31 cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn chức danh ở Trung ương, đi bồi dưỡng ở nước ngoài để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; mở 2 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 309 cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý và 1 lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cho 65 đồng chí được quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030. Bắc Giang đã có nhiều đổi mới về chủ trương, cách làm, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện về lý luận, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, khả năng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống trong chỉ đạo, điều hành; gắn lý luận với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực tế sinh động của cuộc sống; gắn trau dồi kiến thức với rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tác phong, phong cách của người cán bộ. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp lãnh đạo gắn với thực tiễn của địa phương, đơn vị. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố theo các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể.
Luân chuyển để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cản bộ qua thực tiễn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tích cực, chủ động tham mưu BTV Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ theo đúng quy định của Đảng, để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch được phát triển toàn diện, được rèn luyện và thử thách trong thực tiễn; đồng thời, để tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, khó khăn và từng bước bố trí, thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không là người địa phương. Trong quá trình thực hiện tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân; dân chủ, công khai, minh bạch; không làm ồ ạt, chạy theo số lượng và được cân nhắc thận trọng, chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng cán bộ về trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường công tác; đồng thời, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ luân chuyển, theo dõi, nhận xét, đánh giá đối với cán bộ luân chuyển và bố trí, sắp xếp cán bộ sau luân chuyển bảo đảm yêu cầu. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy đã thực hiện luân chuyển, điều động 612 lượt cán bộ thuộc thẩm quyền, bảo đảm theo quy định.
Bố trí, phân cấp quản lý, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thực hiện bố trí 12 lượt bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; 9 đồng chí chủ tịch UBND không là người địa phương. Sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm việc bố trí, sắp xếp các chức danh lãnh đạo cấp ủy, HĐND, UBND và phân công cấp ủy, BTV cấp ủy các cấp theo đúng đề án, phương án nhân sự đã được phê duyệt. Phân cấp quản lý cán bộ được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc, gắn với thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; BTV Tỉnh ủy ban hành các quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, theo đó đã thực hiện phân công, phân cấp thẩm quyền cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quyết định một số khâu trong quản lý cán bộ và một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Việc tham mưu bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm trên quan điểm “vì việc để bố trí người, không vì người để bố trí việc” đối mới phương pháp, cách thức lựa chọn, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm, ứng cử, quan tâm bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, đã có 1.949 lượt cán bộ bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bảo đảm thực hiện đúng quy định, nhân sự được giới thiệu đều đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm, phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường và uy tín.
Về công tác đánh giá cán bộ, đảng viên: Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu BTV Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quy chế đánh giá cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý, công tác kiểm điểm, đánh giá cán bộ 6 tháng đầu năm; đánh giá, xếp loại cán bộ cuối năm, trước khi hết nhiệm kỳ bầu cử và bổ nhiệm đảm bảo dân chủ, khách quan, có đổi mới; việc kiểm điểm, đánh giá cán bộ được thực hiện theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng kết quả, sản phẩm cụ thể gắn với việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII). Thực hiện nghiêm túc việc gợi ý kiếm điểm sâu đối với cá nhân theo phân cấp (từ năm 2021 đến nay, gợi ý kiểm điểm 582 cá nhân).
Định hướng thời gian tới
Trong những năm tới, để xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh có đủ năng lực, trình độ, vừa "hồng", vừa "chuyên" đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bắc Giang chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là vai trò của của người đứng đầu. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ và sự cần thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; giúp cán bộ, đảng viên nắm vững các tiêu chuẩn, yêu cầu về phẩm chất, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ các cấp trong tình hình mới. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của Đảng.
Hai là, tiếp tục thực hiện công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Sửa đổi, ban hành quy định đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ quản lý theo hướng cụ thể, khoa học, sát thực tiễn ở cơ sở.
Ba là, xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Chú trọng bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, nhất là tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong công việc. Bên cạnh đó cần tiếp tục chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới với “3 dám ” đối với cán bộ, đảng viên (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung), “3 hơn ” đối với người đứng đầu (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn), “5 rõ” đối với các cơ quan, đơn vị (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả).
Đổi mới cách thức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo phương châm: (1) Đánh giá đúng, lựa chọn kỹ nguồn cán bộ; chú trọng đến sở trường công tác của cán bộ để có kế hoạch dự kiến cụ thể vị trí cần bố trí luân chuyển để đào tạo phù hợp và việc bố trí cán bộ sau luân chuyển. (2) Nắm chắc nguồn cán bộ trong quy hoạch, từ đó sớm có kế hoạch bố trí, luân chuyển, nếu không sớm triển khai thực hiện quyết liệt nội dung này sẽ khó khăn cho việc chủ động tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. (3) Lựa chọn phù hợp địa bàn nơi cán bộ luân chuyển đến; phải nắm chắc tình hình các địa phương để đánh giá, nghiên cứu, bố trí luân chuyển cán bộ phù hợp; nhất là những nơi cần tăng cường các lĩnh vực mà ở nơi đó nguồn cán bộ hạn chế, khó bố trí tại chỗ đối với cán bộ yêu cầu có chuyên môn nghiệp vụ sâu trên một số lĩnh vực thường xảy ra tiêu cực, đơn thư, khiếu kiện phức tạp kéo dài; (4) Xác định rõ chức danh luân chuyển gắn với năng lực, sở trường, chuyên môn của cán bộ, từ đó luân chuyển, giao nhiệm vụ phù hợp để cán bộ sớm tiếp cận công việc, sớm phát huy khả năng cá nhân để bắt nhịp với tiến độ công việc chung của đơn vị mới.
Bốn là, nâng cao chất lượng đầu vào, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới cách thức tuyển dụng công chức, viên chức nhằm kiểm tra, đánh giá toàn diện về trình độ, kỹ năng cần thiết đối với vị trí việc làm; thu hút những người được đào tạo ở những trường có uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Thực hiện hiệu quả quy định thu hút, tạo nguồn cán bộ trẻ theo tinh thần Kết luận số 86-KL/TW ngày 24-1-2014 của Bộ Chính trị; quan tâm phát hiện học sinh trung học phổ thông, sinh viên có tài năng để có cơ chế bồi dưỡng, chính sách thu hút về tỉnh công tác, tạo nguồn cán bộ lâu dài.
Tăng cường các giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Đảng trong Đảng bộ tỉnh, với nguyên tắc "vì việc chọn người", bảo đảm được yêu cầu nhiệm vụ, năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác của cán bộ; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả cao.
TS. Đàm Quang Hưng - Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang
ThS. Nguyễn Hữu Thắng - Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang
CN. Chu Thị Hiệp - Học viên Học viện Chính trị quốc gia
Hồ Chí Minh