Sign In

Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) lãnh đạo xây dựng nông thôn mới

20:44 03/09/2023
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sau 12 năm triển khai thực hiện, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ngày 18-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg công nhận huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới.

Vĩnh Bảo

Huyện Vĩnh Bảo ngày càng giàu đẹp.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia “về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 16-7-2012 của Thành uỷ Hải Phòng và Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 20-7-2012 của HĐND thành phố về “xây dựng nông thôn mới Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, căn cứ vào điều kiện, đặc điểm thực tiễn của địa phương, ngày 8-4-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo khoá XXIV đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về “xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020”, trong đó xác định: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nông thôn được phát triển theo quy hoạch, kế hoạch, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại; có cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý; môi trường sinh thái được bảo đảm. Dân trí được nâng cao; bản sắc văn hoá làng, xã được giữ gìn và phát huy. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; dân chủ cơ sở được phát huy”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 huyện đạt chuẩn nông thôn mới”. Trong đó, xác định tập trung vào ba khâu đột phá nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện đó là: Tái cơ cấu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, hiệu quả và thu nhập; tập trung đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên cho hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo.

Đến Đại hội lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo đã xác định: “Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng bộ; phát huy truyền thống huyện Anh hùng - quê hương Danh nhân văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và sức mạnh đoàn kết toàn dân; huy động các nguồn lực, phát triển đột phá hạ tầng kỹ thuật công nghiệp và đô thị; đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu”.

Để thực hiện các nhiệm vụ đó, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Bảo đã ban hành các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện địa phương, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Các chủ đề hằng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đều xác định rõ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo, sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự chung tay vào cuộc toàn thể nhân dân; phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân vào cuộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nhất là việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí đã thực hiện hơn 20.423 tỷ đồng.

Những thành quả xứng đáng

Kinh tế của huyện phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân tăng đều qua các năm, giai đoạn 2011-2020 đạt 13,02%. Quy mô tổng giá trị sản xuất năm 2020 gấp 1,84 lần năm 2015 và gấp 3,2 lần năm 2010. Năm 2021 tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 12,01% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn từng bước phát triển, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Duy trì và phát triển sản xuất được 220 vùng sản xuất trong nông nghiệp tập trung, diện tích 2.664ha. Hằng năm, năng suất lúa duy trì trên 13 tấn/ha/năm, các giống lúa chất lượng chiếm trên 60% diện tích và có 700-800ha lúa sản xuất hàng hóa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; diện tích các cây rau màu, cây công nghiệp hằng năm 7.500-7.600ha, trong đó có 300-500ha sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Có 12 vùng chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung, tổng diện tích 83,8ha, có 107 trang trại chăn nuôi; quy hoạch được 48 vùng thủy sản tập trung với diện tích gần 426,3ha, có 23 trang trại thủy sản; thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), trên địa bàn huyện đã có 10 sản phẩm.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển với tốc độ bình quân 17-19%/năm; toàn huyện có 95 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, 8 hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy mô sản xuất được mở rộng, đã thu hút 70.526 lao động, chiếm 33,4% tổng số lao động trong độ tuổi; sản xuất công nghiệp tập trung giữ vai trò chủ đạo, chiếm trên 85% giá trị sản xuất công nghiệp, trong 10 năm (2011-2020) giải quyết việc làm mới cho 42.690 người lao động toàn huyện.

Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. Hệ thống cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn như: điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hoá, thông tin… được đầu tư cải tạo, nâng cấp theo hướng chuẩn, sáng - xanh - sạch - đẹp. Nhân dân tự nguyện hiến trên 400ha đất ở và đất nông nghiệp, đóng góp hàng vạn ngày công để xây dựng được hơn 940km đường giao thông nông thôn và làm các công trình thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa. 83/83 trường học các cấp đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hoạt động thông tin truyền thông thông suốt bảo đảm nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp. Cuộc vận động “5 không, 3 sạch” được các hộ dân trên địa bàn huyện thực hiện tốt.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, môi trường ở khu vực nông thôn được quan tâm, tạo điều kiện phát triển. 29/29 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày một nâng lên, Vĩnh Bảo luôn được đứng trong top đầu về tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp các cấp, xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương Danh nhân văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến tháng 12-2022 của 29 xã là 86,2%. Đến tháng 12-2022, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện đạt 93,5 %. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác triển khai xây dựng làng, thôn, tổ dân phố văn hóa đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2010 số làng, thôn, khu dân cư đạt danh hiệu là 119 (đạt 44,9%), đến hết năm 2021 số làng, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu là 261/267 (đạt 97,7%); 25/29 xã có 100% số làng, thôn được công nhận danh hiệu văn hóa. Từ năm 2009 đến năm 2022, có 1.635 gia đình văn hoá tiêu biểu được UBND huyện khen thưởng và 420 gia đình được UBND thành phố khen thưởng. 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã từng bước đi sâu vào đời sống xã hội và đã xây dựng, vun đắp được tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng ở các địa phương. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Vĩnh Bảo không ngừng được cải thiện và từng bước nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2010 đạt 14,1 triệu đồng/người, đến năm 2022 đạt 63 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân của các xã giảm dần qua các năm.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh được quan tâm chăm lo. An ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hằng năm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ tiềm lực, xuất phát điểm ban đầu thấp (năm 2011, toàn huyện đạt bình quân 3,7 tiêu chí), đến hết năm 2019, tất cả các xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2022, 3 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới nâng cao (gồm Tân Liên, Tam Đa, Hoà Bình). Thị trấn Vĩnh Bảo đạt các tiêu chí đô thị văn minh.

Để tạo động lực, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc cho 2 tập thể (xã Nhân Hoà năm 2015 và xã Tiền Phong năm 2019); tặng Bằng khen cho 2 cá nhân. UBND thành phố khen thưởng cho 14 tập thể và 205 cá nhân. UBND huyện Vĩnh Bảo khen thưởng 205 cá nhân, 145 tập thể có nhiều cống hiến, giải pháp sáng kiến trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Vĩnh Bảo cũng bộc lộ một số hạn chế đó là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tuy được cải tạo, nâng cấp để đạt chuẩn song một số lĩnh vực mới ở mức tối thiểu, chưa theo kịp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nguồn lực của địa phương xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.

Sau 12 năm với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố; sự hỗ trợ, hướng dẫn tích cực, hiệu quả của các sở, ban, ngành thành phố; sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện, Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Vĩnh Bảo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là cơ sở, tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Bảo tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, cố gắng thực hiện thắng lợi các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.

Tag:

File đính kèm