|
Xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, một trong những xã vùng dân tộc thiểu số sớm đạt chuẩn nông thôn mới. |
Nặng sâu mối tình Dân - Đảng
Câu chuyện trên chúng tôi nghe được tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia H’Grai, tỉnh Gia Lai khi già làng Ksor Kân nói về cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc trên vùng biên giới giáp với huyện Andoung Meas, tỉnh Ratanakiri (Căm-pu-chia). Ia O là xã có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống với 2.676 hộ, 11.132 khẩu, chủ yếu là dân tộc Gia Rai. Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O chia sẻ, trước đây cuộc sống của dân làng chủ yếu dựa vào thiên nhiên, mùa lúa rẫy nên quanh năm khó khăn, đói triền miên. Từ khi được Nhà nước đầu tư công trình thủy lợi, bà con chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ nên dần lo đủ lương thực. Được cấp ủy, chính quyền tận tình giúp đỡ, người dân vùng biên Ia O chủ động tìm hướng phát triển kinh tế, xây dựng các sản phẩm địa phương đặc trưng, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, xã Ia O đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn làng, gần 90% đường trục chính nội đồng được cứng hóa… Tỷ lệ hộ nghèo từ 16%-17% (năm 2015), nay giảm còn 2,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm. Đáng mừng nhất là sự thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây sẽ là nguồn nội lực lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân vùng biên giới Ia O tiếp tục phấn đấu, xây dựng xã phát triển vững chắc, xứng đáng là “thành trì” nơi biên cương Tổ quốc…
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, “phên giậu” phía Tây của Tổ quốc, “nóc nhà của Đông Dương”, nằm ở ngã ba biên giới giữa Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia; vùng đất anh hùng trong đấu tranh cách mạng với nền văn hóa đặc sắc đã và đang cùng cả nước vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới, dựng xây đất nước.
Đi dọc Tây Nguyên hôm nay, chúng ta ấn tượng sâu sắc bởi màu cây trái thảm xanh đại ngàn, sắc màu nông thôn mới và những đô thị sầm uất đã phủ tràn màu đất đỏ ba-dan. Tại Kon Tum, tôi gặp A Thút, người dân tộc Xơ Đăng ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy. Ông cười tươi, cầm chặt lấy tay tôi: “Vui nhiều rồi. Cà phê được mùa, ruộng no nước cho cái lúa nhiều bông”. Theo A Thút, người Xơ Đăng ở vùng quê này xưa kia nghèo đói lắm. Người dân phải vào rừng đào củ, lấy rau kiếm sống qua ngày. Bây giờ bà con đã no cái bụng, lũ trẻ có trường học khang trang, có trạm y tế, nhà tái định cư được xây dựng vững chãi lại càng nhớ đến công lao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, huyện đã lo cho dân từng miếng cơm, tấm áo. Vài năm trước, A Thút còn được dẫn cả đội cồng chiêng của làng Đắk Vớt quê ông sang tận nước Mỹ biểu diễn. Ông nói: “Đúng như là một giấc mơ. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã lo cho dân, bà con dân làng vui cái bụng lắm!”.
Chúng tôi đến thăm ông Ksor Phước, người dân tộc Gia Rai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Say sưa nhất vẫn là những câu chuyện hôm nay, điện đã về tận các buôn làng biên giới Kông Chro, Kbang, Ia Grai, Krông Pa…, đường giao thông xẻ núi đã về với “ốc đảo” Kon Pne - vùng căn cứ kháng chiến. Rồi chuyện về chợ búa, trường học, trạm xá và những cánh đồng ngô, lúa bạt ngàn, quanh năm xanh ngắt nhờ công trình thuỷ lợi A Yun Hạ. Ông xúc động khi nhắc lại lời cố bác sĩ Y Ngông Niê Kdăm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã từng thay mặt đồng bào Tây Nguyên nói lên ý chí sắt đá: “Có sức mạnh nào cản nổi núi rừng Tây Nguyên đi theo Đảng? Không, không có sức mạnh nào cản nổi đồng bào Tây Nguyên đi theo cách mạng. Núi rừng Tây Nguyên luôn thương nhớ và mãi mãi đi theo Bác Hồ…”.
Qua mỗi buôn làng Tây Nguyên đổi mới hôm nay, chúng tôi lại có thêm những cơ hội để thấu hiểu về mạch nguồn thiêng liêng của lịch sử, văn hóa, của khí phách hào hùng và dòng chảy truyền thống đấu tranh không ngưng nghỉ. Mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi dân tộc anh em, mỗi buôn làng trên xứ sở đại ngàn đều hiện hữu sinh động lòng biết ơn Bác Hồ, thấm đẫm nghĩa tình với Đảng.
Chúng tôi đã gặp nhiều đại biểu tiêu biểu, đại diện cho khắp các buôn làng về dự Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum mới đây. Từ bà Y Hếp, thôn Đắk Tang, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi; ông A Khuất, làng Đắk Mút, xã Đắk Ma, huyện Đắk Hà; đến bà Y Liên, thôn Mô Tả, xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông... Tất cả đều có chung cảm nhận rằng nông thôn Kon Tum đổi thay nhanh quá, cuộc sống mới đã lan tỏa đến từng nhà. Mừng vui hơn là trên mỗi buôn làng, từ vùng sâu Đắk Glei, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Plông, Đắk Hà, Kon Rẫy... đều hiện hữu một thế trận lòng dân vững chắc. Đó là thành quả của một hệ thống chính trị vừng vàng từ tỉnh đến các buôn làng, là nhân tố quan trọng để ổn định và phát triển vùng đất này.
Đến Tây Nguyên hôm nay, cho dù ở tít tắp vùng sâu, người dân không còn chỉ lo cho “cái bụng” như trước mà đã hướng đến có của ăn, của để, ăn ngon, mặc đẹp. Ví như gia đình chị Rơ Châm Buk, người dân tộc Gia Rai ở xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã tâm sự: “Tôi là công nhân Công ty Cao su Chư Prông, làm cao su bây giờ lương cao, thưởng lớn, thật là ưng cái bụng lắm”. Lương chị mỗi tháng trên 7 triệu đồng, chưa tính thưởng nếu vượt khoán. Rồi như vợ chồng trẻ Rơ Mah Bli và Siu Keng ở làng Kla Xá, xã Chư Đrăng. Với 3ha cao su nhận khoán, có những tháng thu về gần 15 triệu đồng. Tôi còn gặp những gia đình ở chân núi Chư Prông như Kpả Y Hyoi, Siu Lun, Rơ Mah Lớ…, ở họ đều là những gương mặt rạng ngời, toát lên một cuộc sống no đủ, êm ấm. Đời sống mọi mặt được nâng lên, tiếng cồng, tiếng chiêng ngân xa hơn, trai gái trong làng hát thêm hay, múa thêm đẹp vòng xoang mừng đón cuộc sống mới. Tôi đi trong miên man giữa núi rừng Chư Prông xanh thẳm mà lòng phấn chấn, nghĩ về công cuộc đổi mới thật kỳ diệu.
Những buôn làng Tây Nguyên ngày xưa nhờ Đảng đã tìm ra đường sáng, trở thành những vùng chiến khu kiên trung một lòng theo cách mạng như Đắk Ui (Kon Tum), Nâm Nung (Đắk Nông), Chư Djũ (Đắk Lắk), Đồng Mang - Đạ Tro, Lộc Bắc, Lộc Lâm, Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng)… thì ngày nay đều trở thành những mẫu hình khởi sắc, phồn vinh. Trong tổng số 7.800 thôn, buôn, tổ dân phố toàn vùng Tây Nguyên, đã có tới 2.800 thôn, buôn, tổ dân phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Từ triền núi Ngọc Linh phía Bắc đến thung lũng đầu nguồn sông Đồng Nai phía Nam, đâu đâu cũng gặp hình ảnh tươi mới, khởi sắc của những buôn làng… Chỉ có tận mắt chứng kiến và dõi theo qua nhiều giai đoạn, mới có thể cảm nhận sâu sắc sự đổi thay trên các buôn làng một thời chưa xa còn tập quán du canh du cư, cuộc sống vô cùng đói nghèo, cơ cực. Với hành trình của người làm báo Đảng, nhiều năm qua, bước chân chúng tôi đã trải nhiều cánh rừng, ngọn núi, nhiều buôn làng đồng bào; càng có nhiều cơ hội đắm mình trong đời sống muôn màu Tây Nguyên, càng thêm ghi nhận về sự phát triển kỳ diệu nơi đại ngàn hùng vỹ.
Vững bước đi lên cùng cả nước
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 54.548km2, chiếm 1/6 diện tích của cả nước với khí hậu, thổ nhưỡng và tài nguyên, khoáng sản đặc hữu hiếm có, nơi sinh sống của gần 6 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số gần 2,2 triệu người.
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên, ngày 18-1-2002 Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW; Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020”.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị (khóa IX, XI), các địa phương trong vùng nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%).
Tại Hội nghị toàn quốc của Ban Bí thư quán triệt, triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (ngày 14-10-2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng, sau hội nghị này, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên sẽ cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là vùng duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh đã quyết tâm rồi càng quyết tâm cao hơn nữa; đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng tiếp tục đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, để tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên; cùng với cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến thật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới, theo tinh thần: Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.
Nhằm tiếp sức cho Tây Nguyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, có giải pháp chung để tháo gỡ vướng mắc mà một số tỉnh đang gặp phải liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng... Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn thông tin, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025 sẽ triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng là cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc trong vùng Tây Nguyên sẽ được đẩy mạnh đầu tư, góp phần đánh thức vùng đất đai trù phú này trở thành một vùng kinh tế phát triển. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, chúng ta biến thách thức, khó khăn thành cơ hội, biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để vùng Tây Nguyên thực sự phát triển đột phá, đón nhận làn sóng đầu tư mới. Người dân sẽ hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt, ý chí, khát vọng và quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước về xây dựng vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng nguyện vọng của các đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây trong bối cảnh phát triển mới.
Nghị quyết đề ra những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 làm “kim chỉ nam” phấn đấu cho cả vùng, như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 7% đến 7,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng; tỉ trọng kinh tế số từ 25% đến 30% GRDP; tỉ lệ đô thị hóa từ 37,2% đến 40,7%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 25% đến 30%; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%...
Tây Nguyên sẽ trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bản sắc. Một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 15-11-2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngày 22-11-2022, kết luận tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 152/NQ-CP tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ “Đột phá - Bao trùm - Toàn diện - Bền vững”.
Mục tiêu phát triển Tây Nguyên là xuyên suốt, thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hợp lý, linh hoạt trên 4 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh. Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế, đặc thù của từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia, ASEAN. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững, hài hòa, lấy con người là mục tiêu, là trung tâm, là động lực phát triển, lấy văn hóa là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Để thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ trên, thời gian tới vùng sẽ tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng. Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; quan tâm vấn đề dân tộc, tôn giáo, làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khơi thông “điểm nghẽn”, nút thắt… trên cơ sở trọng tâm, trọng điểm.
Già làng Y Pri Niê, dân tộc Ê Đê ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk quả quyết: “Đồng bào Tây Nguyên luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ về tinh thần đoàn kết các dân tộc. Các già làng, người có uy tín đại diện các dân tộc tại Tây Nguyên đã đồng lòng xây dựng và thực hiện “quyết tâm thư”, thể hiện niềm tin sắt son, một lòng theo Đảng, Bác Hồ như đi theo ánh sáng mặt trời”.
Bên những cánh rừng cao su xanh thẳm, những vườn cà phê, chè, hồ tiêu xum xuê, trĩu trịt, âm hưởng lời bài hát “Tình ca Tây Nguyên” văng vẳng giữa miền đất đỏ: “Bài ca Tây Nguyên, em yêu trọn đời/ cầm tay anh dắt em đi trên đường dài”. Đó chính là con đường sáng mà đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn vững bước theo Đảng, theo Bác Hồ, vì một Tây Nguyên hôm qua anh hùng, hôm nay giàu đẹp.
Nguyễn Khánh Hòa