Thứ nhất, về trục “dọc”: Tổ chức bộ máy của mặt trận Tổ quốc và 5 tổ chức chính trị - xã hội được thiết lập là một hệ thống xuyên suốt từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở. Hệ thống trục “dọc” xuyên suốt các cấp của mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng với hệ thống tổ chức đảng và hệ thống tổ chức nhà nước tương ứng, tạo thành hệ thống chính trị hoàn chỉnh ở mỗi cấp chính quyền, từ Trung ương đến cơ sở, trong đó hệ thống tổ chức đảng đóng vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống chính trị.
Thứ hai, về trục “ngang”: Tổ chức bộ máy của mặt trận Tổ quốc và 5 tổ chức chính trị - xã hội từ cấp Trung ương đến cấp huyện (cấp được giao biên chế), gồm 4 nhóm:
1) Các cơ quan lãnh đạo: Gồm có đại hội, BCH, BTV, ban thường trực. Nhân sự hình thành do bầu cử, cơ cấu gồm có thường trực (cấp trưởng, cấp phó tổ chức); đại diện các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp trực thuộc và tổ chức thành viên cấp dưới trực tiếp, hoạt động theo nhiệm kỳ. Các cơ quan lãnh đạo này không phải là đầu mối giao biên chế, việc tăng hay giảm số lượng thành viên không ảnh hưởng đến việc tăng hay giảm biên chế. Chỉ có cấp trưởng và cấp phó chuyên trách làm việc trực tiếp, giải quyết công việc hằng ngày của tổ chức. Các thành viên khác (ủy viên BCH, BTV, phó chủ tịch kiêm nhiệm) làm việc theo kỳ họp tại cơ quan lãnh đạo mà mình là thành viên và làm việc hằng ngày tại cơ quan, tổ chức do mình giữ vị trí lãnh đạo. Về cơ bản, các cơ quan lãnh đạo hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong quy định có điểm khác nhưng về cơ bản tập thể lãnh đạo ở các tổ chức này đều hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cụ thể: Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Ban thường trực các cấp làm việc theo chế độ tập thể bàn bạc, quyết định theo đa số, phân công cá nhân phụ trách”. Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quy định: “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, liên hiệp, thống nhất hành động. Cơ quan lãnh đạo các cấp tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.
2) Các cơ quan tham mưu, giúp việc (văn phòng, ban chuyên môn; ở cấp tỉnh và cấp Trung ương, có thể có đơn vị sự nghiệp): Là đầu mối giao biên chế, cấp kinh phí hoạt động. Tất cả nhân sự làm việc chuyên trách hằng ngày tại cơ quan, đơn vị. Có chức năng tham mưu, giúp việc cho các cơ quan lãnh đạo, trực tiếp, thường xuyên là BTV, ban thường trực và là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực được phân công.
3) Các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành (hội đồng, ban chỉ đạo): Là những tổ chức được thành lập để tư vấn cho cơ quan lãnh đạo những vấn đề có tính chất chuyên môn sâu hoặc tham mưu cho cơ quan lãnh đạo giải quyết những vấn đề có tính chất liên ngành. Nhân sự ở các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do cán bộ cơ quan lãnh đạo và cơ quan tham mưu giúp việc kiêm nhiệm hoặc hợp đồng với các chuyên gia, nhà khoa học.
4) Các tổ chức thành viên trực thuộc: Các tổ chức thành viên ở cấp cơ sở là cầu nối trực tiếp giữa tổ chức với hội viên.
Một số vấn đề đặt ra và kiến nghị
Từ thực tiễn hoạt động của mô hình tổ chức của mặt trận Tổ quốc và 5 tổ chức chính trị - xã hội, xin có một số đề xuất sau:
1. Về mô hình cơ quan lãnh đạo
Về cơ bản, mô hình các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cấp huyện của mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Đại hội - BCH - BTV - Ban thường trực (hoặc tương đương). Đại hội thường kỳ được tổ chức 5 năm một lần, bầu ra BCH. BCH là cơ quan lãnh đạo giữa 2 kỳ đại hội, bầu ra BTV và ban thường trực. BTV là cơ quan lãnh đạo giữa 2 kỳ họp của BCH. Ban thường trực (hoặc thường trực) là cơ quan giải quyết công việc hằng ngày của tổ chức.
Riêng mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan lãnh đạo ở cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: Đại hội - Ủy ban mặt trận Tổ quốc - Ban thường trực, không có đoàn chủ tịch như ở cấp Trung ương (hoặc BTV như ở các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp). Để hoạt động được tốt hơn, đề nghị Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng kết việc không tổ chức BTV ở mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của mô hình này, từ đó đưa ra những kiến nghị để tiếp tục duy trì hoặc mở rộng thực hiện đối với các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Về mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc
Hiện nay, việc tổ chức các phong trào hoạt động giữa mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bị trùng lặp về đối tượng, có người vừa là đoàn viên thanh niên, vừa là hội viên hội phụ nữ, vừa là hội viên hội nông dân hoặc đoàn viên công đoàn; có người vừa là hội viên hội cựu chiến binh, vừa là hội viên hội phụ nữ, vừa là hội viên hội nông dân hoặc đoàn viên công đoàn. Thực tế có tình trạng một vụ việc của một cá nhân có thể trở thành nội dung mà nhiều tổ chức cùng báo cáo. Việc tổ chức các hoạt động từ thiện, cứu trợ do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh cũng gặp tình trạng tương tự. Từ thực tế này, BTV Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thí điểm mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung cho mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Đề nghị Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với BTV Tỉnh ủy Quảng Ninh, đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổng kết mô hình này. Đồng thời, nghiên cứu mô hình Văn phòng Quốc hội tham mưu, giúp việc chung cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì mô hình này đã hoạt động qua nhiều nhiệm kỳ có hiệu quả.
3. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Thứ nhất, nguyên tắc tổ chức và hoạt động giữa mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay quy định chưa thống nhất.
Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định 4 nguyên tắc tổ chức và hoạt động, gồm: 1) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 2) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. 3) Khi phối hợp và thống nhất hành động, các tổ chức thành viên tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời giữ tính độc lập của tổ chức mình. 4) Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều lệ Công đoàn Việt Nam xác định 3 nguyên tắc tổ chức và hoạt động: 1) Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp do bầu cử lập ra, thực hiện theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức. 2) Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Công đoàn Việt Nam là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo cao nhất ở mỗi cấp công đoàn là đại hội công đoàn cấp đó. Cơ quan lãnh đạo của công đoàn ở mỗi cấp giữa 2 kỳ đại hội là BCH. 3) Nghị quyết của công đoàn các cấp được thông qua theo đa số và phải được thi hành nghiêm chỉnh.
Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định 2 nguyên tắc tổ chức và hoạt động: 1) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, liên hiệp, thống nhất hành động. 2) Cơ quan lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp do bầu cử lập ra, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam và Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam xác định 1 nguyên tắc tổ chức và hoạt động là tập trung dân chủ (Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam quy định 7 nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ; Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quy định 5 nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ; Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam không quy định nội hàm của nguyên tắc này).
Ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay (trừ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập đảng đoàn với cơ cấu gồm: Chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban tổ chức - cán bộ (đối với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, các Ủy viên Trung ương tham gia Đoàn Chủ tịch và Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ (Quy định số 97-QĐ/TW ngày 7-2-2023 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương).
Đảng đoàn có chức năng lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức - cán bộ; hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Sau khi đảng đoàn thảo luận, thống nhất chủ trương lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức - cán bộ, BCH - BTV - ban thường trực của mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của tổ chức mình.
Thứ hai, việc tổ chức thực hiện giữa các tổ chức này cũng chưa thống nhất.
Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số giống như ở đảng đoàn (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh) hoặc thực hiện theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) hoặc nguyên tắc dân chủ, liên hiệp, thống nhất hành động (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).
Để thống nhất nguyên tắc tổ chức và hoạt động, đề nghị Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh căn cứ vào đặc điểm mô hình tổ chức của mình để xác định nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo 3 phạm vi: 1) Đối với toàn bộ tổ chức của mình. 2) Đối với các cơ quan lãnh đạo của tổ chức. 3) Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của tổ chức, theo hướng: Ở phạm vi tổ chức, mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có chức năng tập hợp, đoàn kết, dẫn dắt Nhân dân đi theo Đảng, bảo vệ Đảng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyên tắc tổ chức đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là sự tham gia tự nguyện của các cá nhân, tổ chức thành viên.
Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có thể nghiên cứu nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động như Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành quy định và nguyên tắc dân chủ, liên hiệp, thống nhất hành động như Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện hành quy định để tiếp thu những yếu tố hợp lý, đưa vào nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức mình.
Thứ ba, đối với cơ quan lãnh đạo.
Cơ quan lãnh đạo của các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay đều do bầu cử lập ra, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định ban thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp do hiệp thương cử ra và làm việc theo chế độ tập thể bàn bạc, quyết định theo đa số, phân công cá nhân phụ trách. Về bản chất, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, nguyên tắc tập trung dân chủ cần được nghiên cứu để quy định thống nhất nội dung đối với từng tổ chức.
Thứ tư, đối với cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm việc liên tục từ khi thành lập cho đến khi sáp nhập, hợp nhất, giải thể, không theo nhiệm kỳ như cơ quan lãnh đạo. Nhân sự hình thành do tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Từ khi các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp được thành lập cho đến nay đều tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng nhưng chưa được quy định trong điều lệ của các tổ chức.
(*): Sản phẩm nghiên cứu của đề tài Nhà nước KX.04.39/21-25.
Kiều Cao Chung
Phó Vụ trưởng Vụ V, Ban Tổ chức Trung ương