Sign In

Bí quyết để là địa phương với “4 đi đầu” trong xây dựng nông thôn mới

14:59 16/09/2024
Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) là huyện nông nghiệp miền núi, giàu truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và tái thiết quê hương. Thực hiện chương trình nông thôn mới, huyện Xuân Lộc luôn là địa phương với “4 đi đầu”: đi đầu trong thực hiện nông thôn “4 có”; đi đầu trong nông thôn mới; đi đầu trong nông thôn mới nâng cao và đi đầu trong thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thăm quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản thế mạnh của huyện Xuân Lộc

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thăm quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản thế mạnh của huyện Xuân Lộc, tháng 6-2024.

Thành quả của Xuân Lộc trong xây dựng nông thôn mới

Xuân Lộc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với điểm xuất phát thấp là huyện thuần nông, hạ tầng lạc hậu, phát triển sản xuất khó vì nguồn nước khan hiếm, đất đai cằn cỗi. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai chọn Xuân Lộc làm mô hình điểm để triển khai thực hiện NTM với phương châm: “Xuân Lộc phải đi từ đất, từ lao động đi ra và lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn để đi lên”.

Sau 14 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM nói chung và 9 năm xây dựng NTM nâng cao nói riêng, huyện Xuân Lộc đã có sự bứt phá đi lên và chuyển mình rõ nét với những kết quả nổi bật trên tất cả các mặt.

Năm 2014, Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM. Năm 2018, Xuân Lộc là 1 trong 4 huyện của cả nước được chọn xây dựng huyện NTM kiểu mẫu và là huyện duy nhất làm kiểu mẫu “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025.

Năm 2023, Xuân Lộc vinh dự là huyện đầu tiên của tỉnh, huyện thứ 3 của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 với những kết quả nổi bật. Cụ thể: về hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ đa mục tiêu, kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng, miền. Trong phát triển sản xuất, địa phương ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao vào sản xuất đạt nhiều kết quả tích cực, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 211,6 triệu đồng/ha, tăng hơn 96 triệu/ha so với năm 2014; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đến năm 2023, đạt hơn 90 triệu đồng/người.

Hệ thống trường học 100% đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trong đó gần 98,5% trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống lưới điện phủ kín các khu vực trên địa bàn huyện, đáp ứng thường xuyên, ổn định cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt dân cư, tỷ lệ số hộ sử dụng điện từ các nguồn trên địa bàn đạt hơn 99%. 

Sự nghiệp phát triển giáo dục, y tế, văn hóa vùng nông thôn có sự chuyển biến rõ nét: công tác dạy và học được đổi mới và nâng cao về chất lượng. Thiết chế văn hóa phát triển đồng bộ từ huyện đến các xã, ấp. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân được nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến nay đạt hơn 97%. Vốn huy động cộng đồng dân cư, thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2023 hơn 46,6 nghìn tỷ đồng.

Huyện cũng thực hiện rất tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Cụ thể, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt 100%, tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo hướng dẫn, đạt hơn 71% hộ dân. Diện mạo nông thôn, cảnh quan môi trường được thay đổi toàn diện, nổi bật, có nhiều điểm trở thành điểm nhấn trong du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Đạt được những thành quả ấn tượng trong xây dựng NTM là nhờ Xuân Lộc đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, song song thực hiện hai nhiệm vụ là vừa duy trì kết quả đạt chuẩn, vừa thực hiện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Bài học quý trong quá trình triển khai là sự chủ động, quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhờ đó huy động được cả hệ thống chính trị tham gia vào xây dựng NTM, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc

Huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để có được thành tựu quan trọng trong xây dựng NTM, một trong những bài học quý của huyện Xuân Lộc là đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể, là lực lượng đi đầu trong phát triển kinh tế và đóng góp xây dựng NTM bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa như: hiến đất, góp công, góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng; bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Trong xây dựng NTM, Xuân Lộc tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn, đặc biệt từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Huyện kêu gọi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo lợi thế của từng địa phương; tạo môi trường thuận lợi thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư. Trong suốt hành trình xây dựng NTM, danh sách những tấm gương doanh nghiệp, nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất không ngừng được nối dài. Huyện có nhiều điển hình nông dân khởi nghiệp trở thành chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã (HTX), chủ doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư sơ chế, chế biến nông sản xuất khẩu...

Ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX Ca cao xã Suối Cát đã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ với sản phẩm hạt ca cao được bao tiêu cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Hiện vùng nguyên liệu của HTX được nhân rộng trên 100 ha, canh tác theo chuẩn GlobalGAP. Trong đó, nhiều diện tích trồng ca cao được chuyển đổi từ cây điều cho hiệu quả thấp, nay đạt thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha/năm. HTX còn tích cực ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến, đoạt nhiều giải thưởng cao trong cuộc thi sáng tạo, đổi mới khoa học - công nghệ.

Theo ông Trương Văn Mỹ: “Nhờ phong trào xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở những vùng sâu, vùng xa có sự thay đổi lớn với đường sá khang trang, nhà cửa sạch đẹp. Chính vì vậy, HTX mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch sinh thái, góp phần quảng bá nông sản của địa phương, đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp”.

Đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2011-2023, huyện Xuân Lộc đã huy động được hơn 46,6 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM; riêng giai đoạn 2015-2023, tổng nguồn vốn huy động hơn 36,95 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ người dân chiếm hơn 93,2%. Điều này thể hiện tính xã hội hóa và vai trò của cả cộng đồng cao trong xây dựng và phát triển NTM.

Ông Văn Tuấn, nông dân tại ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường là điển hình được tuyên dương trong đóng góp xây dựng NTM. Khi địa phương đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã từ xã Xuân Trường đến xã Xuân Thành, gia đình ông đã tự nguyện chặt cây, tháo dỡ các công trình kiến trúc trên vườn nhà, hiến 2,9 ngìn m2 đất để làm đường giao thông. Ông Văn Tuấn chia sẻ: “Biết là tấc đất, tấc vàng nhưng thấy rõ lợi ích của việc mở đường sẽ mở hướng phát triển kinh tế - xã hội; người dân đi lại, trao đổi hàng hóa thuận tiện; con cháu đi học dễ dàng, gia đình tôi rất phấn khởi và tự nguyện đóng góp cho lợi ích chung của cả cộng đồng”.

Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam (xã Xuân Tâm) là doanh nghiệp tích cực đóng góp xây dựng NTM tại địa phương như: đóng góp 935 triệu đồng chăm lo Tết cho người nghèo và ủng hộ thiết bị học tập cho học sinh khó khăn trong tình hình dịch Covid-19. Tài trợ gần 16 tỷ đồng đầu tư xây dựng trường học, cầu đường và các công trình công cộng khác. Tài trợ hơn 1 tỷ đồng cho các hoạt động khuyến học, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam, hoạt động thể thao…

Trên địa bàn huyện, các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp không ngừng được nhân rộng đều do dân làm, chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ. Ông Phan Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hòa cho hay, người dân rất có ý thức giữ gìn môi trường, kiến tạo cảnh quan nông thôn. Họ không chỉ làm đẹp khuôn viên trong vườn nhà mà rất tích cực chăm sóc, giữ cho những tuyến đường nông thôn sạch, đẹp. Người dân cũng đóng góp chính trong thực hiện lắp hệ thống đèn chiếu sáng, camera an ninh, đảm bảo sự bình an cho các vùng nông thôn.

Là huyện duy nhất của cả nước được chọn làm kiểu mẫu “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” nên xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, Xuân Lộc luôn bám sát phát triển sản xuất, xem đây là cái gốc, là cơ sở để đi lên. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho biết, khi đánh giá về kết quả xây dựng NTM nâng cao của huyện Xuân Lộc, 100% thành viên Hội đồng Thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM Trung ương đều nhất trí công nhận Xuân Lộc đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Đặc biệt, Trung ương đánh giá cao huyện Xuân Lộc trong xây dựng NTM nâng cao là về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Rõ nét là địa phương đã hình thành được những vùng chuyên canh cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Địa phương cũng quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, liên kết tiêu thụ nông - lâm sản… Thành quả của huyện Xuân Lộc trong xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa tác động sâu sắc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Xuân Lộc nói riêng, đặc biệt đã tạo điểm nhấn mới cho sự phát triển của chương trình nông thôn mới.

 

 

Tag:

File đính kèm