Sign In

Hải Dương: Những điểm nhấn trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

11:47 14/06/2022
Thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh Hải Dương quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo bước đột phá quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân.

Đ/c Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc với đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ngày 10-12-2021.

Tỉnh Hải Dương nằm ở đồng bằng sông Hồng, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong không gian phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đảng bộ tỉnh Hải Dương có 15 đảng bộ cấp trên cơ sở, gồm 12 đảng bộ huyện, thành phố, thị xã và 3 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng bộ Công an tỉnh, Đảng bộ Quân sự tỉnh); có 674 tổ chức cơ sở đảng với gần 108.000 đảng viên.
 
Từ năm 2017, tỉnh Hải Dương được Chính phủ giao cho tự cân đối ngân sách và cân đối một phần nộp về ngân sách Trung ương. Theo đó, tỉnh Hải Dương đều thu vượt mức kế hoạch ngân sách Trung ương giao, năm sau cao hơn năm trước, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt mức bình quân 8,4%/năm. Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành theo đúng kế hoạch như Trung tâm Văn hóa xứ Đông, cầu Mây, đường trục Bắc - Nam... Tốc độ đô thị hóa ở một số huyện, thị tăng nhanh so với kế hoạch đề ra: TP. Hải Dương được công nhận là đô thị loại I, huyện Chí Linh xưa nay là thành phố, huyện Kinh Môn được công nhận là thị xã, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện căn bản.

Kết quả nổi bật

Cùng với những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Hải Dương những năm qua là thực hiện tốt nhiệm vụ “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị các cấp đã tập trung làm tốt công tác quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo; xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức thực hiện đến cấp ủy các cấp và triển khai sâu rộng, toàn diện các nội dung của Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Việc quán triệt và triển khai học tập, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết tác động đến nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân được nâng cao rõ rệt. Qua đó, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực như: đổi mới việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân gắn với việc nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; tích cực giải quyết đơn thư và các ý kiến của nhân dân...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương kịp thời ban hành và chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới ban hành kế hoạch, chương trình hành động và các văn bản để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Trung ương 4 để lãnh đạo, tổ chức thực hiện; cấp ủy các cấp đều xác định được những việc cần làm ngay, thường xuyên và những việc làm theo lộ trình; các lĩnh vực công việc đột phá để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng đảng bộ, địa phương. Đặc biệt, tỉnh chú trọng thực hiện tốt 3 khâu đột phá là: Hoàn thiện quy chế, cải cách hành chính, đổi mới và nâng cao chất lượng hội nghị, cuộc họp; đề ra các biện pháp cụ thể, những nhiệm vụ cần làm ngay và thường xuyên để giải quyết những vấn đề khó, bức xúc của cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở; giao cho mỗi cấp ủy, sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020 phải hoàn thành ít nhất một công trình, dự án mới, xây dựng lộ trình, các bước thực hiện cho từng giai đoạn. 

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình được triển khai thực hiện bài bản, nghiêm túc. Trong 5 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 48 tổ chức; ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy gợi ý đối với 244 tổ chức. Nội dung gợi ý kiểm điểm tập trung vào việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về các lĩnh vực còn tồn tại, yếu kém như đất đai, môi trường, công tác cán bộ, nguyên tắc sinh hoạt đảng...; liên hệ với những biểu hiện suy thoái, ”tự diễn biến”, ”tự chuyển hóa”; chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp và thời gian khắc phục. Sau kiểm điểm, đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm và kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch khắc phục. Đồng thời, chú trọng tới việc gợi ý kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp, chậm chuyển biến trong thực thi nhiệm vụ hoặc có biểu hiện mất đoàn kết, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để phát sinh sai phạm... 

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng được cấp ủy các cấp quan tâm, bảo đảm giữ vững kỷ cương, kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trong 5 năm qua, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra 7.183 đảng viên và 6.232 tổ chức đảng; giám sát 6.327 đảng viên, 3.537 tổ chức đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra dấu hiệu vi phạm của 447 đảng viên và 113 tổ chức đảng; kiểm tra 3.398 cuộc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; kiểm tra việc thi hành kỷ luật trong đảng đối với 1.287 đồng chí. Giám sát 2.679 đảng viên, 2.920 tổ chức  đảng; giải quyết tố cáo 154 lượt đảng viên và 8 tổ chức đảng... Có 269 đảng viên bị thi hành kỷ luật.

Tỉnh cũng quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, thuyết phục tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tổ chức sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và thôn, khu dân cư; các đơn vị sự nghiệp công lập và các phòng ban, chuyên môn thuộc các sở, ngành của tỉnh; sắp xếp, sáp nhập mỗi thôn, khu dân cư còn một chi bộ; thực hiện tinh giản biên chế, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, khu dân cư; bố trí đảm nhiệm đồng thời các chức danh có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 142 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 241 chỉ tiêu biên chế công chức trong các cơ quan hành chính; giảm 2.378 số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và 114 chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức khối đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thuộc tỉnh...

Tăng cường tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở. Giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm, khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp như: ô nhiễm môi trường, quản lý sử dụng đất đai, công tác đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời nhiều trường hợp lấn, chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất công; kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục, kiên quyết giải tỏa, cưỡng chế thu hồi đất thực hiện các công trình, dự án theo quy định pháp luật. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được coi trọng, có nhiều chuyển biến rõ nét…

5 nhiệm vụ trọng tâm

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đổi mới phương pháp, hình thức công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác quán triệt và học tập các nghị quyết mới ban hành gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Chủ động đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy cần lãnh đạo, tuyên truyền thực hiện trong các hội nghị cuộc họp, sinh hoạt chi bộ thường kỳ, chuyên đề và trong sinh hoạt cuộc sống cũng như thực thi công vụ.

Hai là, tiếp tục rà soát, lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị để xác định và hoàn thành các khâu đột phá; nâng cao chất lượng các tổ chức đảng, nhất là chi bộ; khẩn trương khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình; nêu cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; tạo cơ chế để phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 và các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đề ra.

Ba là, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo tinh thần tự giác, tự soi, tự sửa gắn với việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng và xếp loại tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hằng năm; chỉ đạo tiến hành kiểm điểm phải đảm bảo thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng Đảng; cấp trên phải làm gương để cấp dưới noi theo; kiên quyết xử lý kỷ luật những tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình; không tự nhận sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm.

Bốn là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên thông qua việc rà soát, đánh giá, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ phẩm chất, điều kiện theo quy định của Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nội dung sinh hoạt và công tác quản lý đảng viên, chi bộ phải là môi trường trong sạch, thuận lợi, đoàn kết, thống nhất để đảng viên tự giác, tự soi, tự sửa, tự xử; chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Năm là, tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư tố cáo, kiến nghị, đề nghị, phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân thuộc thẩm quyền của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan hành chính nhà nước khác. Đề cao vai trò, trách nhiệm tự kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất, theo chuyên đề của các cấp, các ngành, nhất là của HĐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh. Xây dựng kế hoạch, chương trình hằng năm để kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Kết luận số 21-KL/TW, kịp thời khen thưởng, biểu dương các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên có thành tích xuất sắc; uốn nắn, điều chỉnh, phê phán, xử lý nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, đơn vị vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tag:

File đính kèm