Sign In

Mạng lưới y tế tại Lào Cai được củng cố, hoàn thiện và nâng cao

13:48 27/04/2023
(TG) - Sau 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/T W của Ban Bí thư Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và 10 năm thực hiện Thông báo kết luận số 126-TB/TW, ngày 01/4/2013 của Ban Bí thư khóa IX, dưới sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu tích cực của ngành Y tế, sự phối hợp hành động của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp Y tế của tỉnh Lào cai đã đạt được những kết quả quan trọng.

Lào Cai nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, củng cố và phát triển trên nhiều mặt theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 152/152 xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia y tế theo Quyết định 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, gắn với xây dựng nông thôn mới, hoàn thành 100% kế hoạch. Các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, thuận lợi, các cơ sở y tế tư nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, với nhiều dịch vụ đa dạng, phong phú; hiện toàn tỉnh có 182 cơ sở trải đều trên 9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 01 Bệnh viện đa khoa tư nhân với 95 giường bệnh.

Để đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, Tỉnh ủy đã lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ thu hút, đào tạo, đãi ngộ cho cán bộ ngành Y tế Lào Cai, theo đó công tác đào tạo có nhiều chuyển biến đặc biệt là đào tạo sau đại học, trong giai đoạn 2011 - 2022 toàn tỉnh đã cử 502 bác sỹ đi đào tạo sau đại học, số lượng cán bộ có trình độ sau đại học ngày càng tăng lên đáng kể. Ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện, ổn định và phát triển nhân lực; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân tăng qua các năm, năm 2012, ngành y tế mới có 3.937 cán bộ, trong đó số bác sỹ mới chỉ có 515 Bác sỹ, đạt 8,1 bác sỹ/vạn dân đến nay đã có 5050 cán bộ, trong đó có 1020 Bác sỹ, đạt 13,5 bác sỹ/vạn dân.

Kết quả thực hiện các chương trình y tế trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ chuyển tuyến từng bước giảm; nhiều dịch vụ kỹ thuật của tuyến trên được áp dụng tại tuyến cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân; bảo hiểm y tế toàn dân được triển khai và phát huy tác dụng; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và phục vụ bệnh nhân được cải thiện; việc cung ứng thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho công tác khám, chữa bệnh và dự phòng. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên; hệ thống y tế dự phòng đã từng bước được củng cố, năng lực được cải thiện, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch bệnh lớn, đặc biệt là dịch Covid-19; các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe như môi trường, thực phẩm, vệ sinh cá nhân, sức khỏe tinh thần… được quan tâm hơn. Qua đó giảm gánh nặng bệnh tật của người dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế như một số địa phương, đơn vị cơ sở thiếu chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể; cách làm chưa phù hợp, chưa chủ động, sáng tạo để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển y tế. Trong khi nguồn lực của tỉnh cũng như các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế còn eo hẹp. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí theo lộ trình, gây khó khăn cho các cơ sở trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ. Năng lực chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là y tế xã, phường, thị trấn và y tế thôn bản.

Bác sĩ, KTV của BVĐK huyện Văn Bàn thực hiện kỹ thuật nội soi cắt viêm ruột thừa cho bệnh nhân dưới sự giám sát kĩ thuật của bác sĩ BVĐK tỉnh Lào Cai.

Từ thực tiễn sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và 10 năm thực hiện Thông báo kết luận số 126-TB/TW tại Lào Cai rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:

 Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền là nhân tố quyết định chất lượng và hiệu quả của việc xây dựng, phát triển mạng lưới y tế cơ sở cũng như công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Ngành Y tế phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai kịp thời, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết chỉ đạo nhân rộng các mô hình, điển hình trong các địa phương, đơn vị; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển mạng lưới y tế cơ sở cũng như bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục nâng cao y đức cho cán bộ y tế phải được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng; tạo sự chuyển biến rõ rệt về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mỗi cán bộ y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Việc ban hành các cơ chế chính sách về tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế và đãi ngộ nguồn nhân lực phù hợp và kịp thời là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chuyển đổi số y tế góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển mạng lưới y tế cơ sở và hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, trong thời gian tới thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp.

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 06-CT/TW, Thông báo Kết luận 126-KL/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên quán triệt quan điểm: "Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là nghĩa vụ, trách nhiệm cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân". Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và mỗi người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.


Hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, mạng lưới y tế - dân số theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp các dịch vụ y tế - dân số; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác trong y tế. Tiếp tục quan tâm quy hoạch phát triển mạng lưới y tế - dân số; tập trung đầu tư nâng cấp hoàn thiện các bệnh viện, trung tâm y tế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách và người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lễ ký kết giữa UBND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 
(ngày 25/4/2023).


Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Quan tâm lãnh chỉ đạo trong phát triển nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại các cơ sở y tế. Xây dựng đội ngũ y tế trên địa bàn có y đức, chuyên môn cao “lương y như từ mẫu” xây dựng ngành y tế ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế; đặc biệt là chuyên gia tuyến trên được tăng cường về công tác tại các cơ sở y tế. Quán triệt thực hiện tốt các quy định, quy chế về y tế.

Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và đổi mới công tác tài chính y tế - dân số. Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực y tế - dân số, hằng năm có kế hoạch đầu tư kinh phí sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, vùng khó khăn. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực phát triển hệ thống y tế - dân số.

Chú trọng công tác y tế dự phòng, phòng, chống dịch, bệnh. Đẩy mạnh các biện pháp thực hiện có hiệu quả, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh; ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp, các dịch bệnh nguy hiểm mới, không để lây lan ra diện rộng; đảm bảo an toàn sức khỏe Nhân dân.

Đổi mới phương pháp truyền thông, vận động, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Tăng cường công tác truyền thông cơ sở; đa dạng hóa, linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền về chính sách dân số phát triển. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm các loại bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân…

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy Lào Cai đã xác định chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo ra bước phát triển đột phá đối với lĩnh vực y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Đỗ Hiền- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Tag:

File đính kèm