Sign In

Phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững miền Trung

11:36 31/05/2024
(ĐCSVN) – Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý thảo luận và phân tích để có những nhìn nhận, đánh giá, trao đổi, chia sẻ về các nội dung khác nhau liên quan đến phát huy giá trị văn hóa của miền Trung, trên cơ sở đó đặt ra những vấn đề mới, có tính cấp bách và cần thiết trong xây dựng cơ chế, chính sách thiết thực để phát huy hiệu quả giá trị văn hóa trong phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu Đề dẫn Hội thảo.

Sáng 31/5, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở miền Trung”. 

Hội thảo nhằm nhận diện các giá trị văn hóa ở miền Trung, thảo luận, đánh giá tiềm năng, động lực; làm rõ thực trạng và đề xuất giải pháp, gợi mở các định hướng chính sách nhằm phát huy giá trị văn hóa cho phát triển bền vững khu vực miền Trung trong thời gian tới. 

Báo cáo đề dẫn hội thảo, đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III cho rằng: Văn hóa ngày càng được đặt ở vị trí quan trọng trong phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Các nhà nghiên cứu bàn nhiều về các trụ cột của sự phát triển bền vững trong xã hội hiện đại và từ thực tiễn kinh tế - xã hội của các quốc gia, đã chỉ ra 4 trụ cột cơ bản, đó là chính trị, kinh tế, văn hóa và môi trường.

“Đảng ta xác định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Đại hội Đảng lần thứ XIII với chủ đề văn hóa xuyên suốt trong các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, đã khẳng định: “….khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Miền Trung có vị trí và vai trò quan trọng trong lịch sử và trong phát triển kinh tế, xã hội hiện nay của đất nước. Xuất phát từ đặc thù riêng có của vùng, Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045” đã xác định: “Bảo tồn và phát huy các giá trị các di sản lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh và di sản thiên nhiên...”.

Các giá trị văn hóa miền Trung là sức mạnh nội sinh rất lớn của cộng đồng, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển du lịch văn hóa, tạo dựng vị thế, hình ảnh và thương hiệu văn hóa của vùng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là sự tổng hợp vô cùng đa dạng, đầy bản sắc của giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, của nhiều tộc người khác nhau cư trú trên địa bàn, là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhiều địa phương trong vùng... Điều này đặt ra nhiều vấn đề mới trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của miền Trung nhằm khơi dậy giá trị truyền thống tốt đẹp, đánh thức tiềm năng và vận dụng nguồn lực của văn hóa phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. 

Các đại biểu tham luận, trao đổi ý kiến tại Hội thảo. 

Đề dẫn cho biết: Phát huy giá trị văn hóa ở miền Trung hàm chứa nhiều cơ hội và thách thức trong phát triển bền vững của vùng. Do đó, nhằm góp phần làm sáng tỏ các giá trị văn hóa ở miền Trung, nhận diện tiềm năng và động lực của giá trị văn hóa miền Trung, qua đó đánh giá thực trạng phát huy giá trị văn hóa hiện có; đặt ra những vấn đề mới, có tính cấp bách và cần thiết trong xây dựng cơ chế, chính sách thiết thực để phát huy hiệu quả giá trị văn hóa trong phát triển bền vững. Đây chính là lý do để Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học này.

Ban Tổ chức đã nhận được 30 tham luận, trong đó có 19 tham luận của các tác giả trong Học viện và 11 tham luận của các tác giả ngoài Học viện. Các tham luận đã đề cập đến khá nhiều nội dung xoay quanh chủ đề chính của Hội thảo như: Quan điểm của Đảng về vai trò của văn hóa và phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong vùng; phát huy giá trị văn hóa của các tộc người trên địa bàn; phát huy giá trị văn hóa cụ thể ở các địa phương, hàm ý cơ chế, chính sách, nguồn lực... để phát huy các giá trị văn hóa hiệu quả..

Để góp phần làm rõ hơn, sâu sắc hơn những nội dung đã đề cập trong các tham luận, tại Hội thảo, các nhà khoa học và nhiều đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận một số vẫn đề trọng tâm như: Nhận diện giá trị văn hóa miền Trung trong hiện tại, sự thích ứng của giá trị văn hóa với quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội, vai trò và đóng góp của giá trị văn hóa trong phát triển bền vững của các địa phương thuộc miền Trung; một số vấn đề cấp bách đặt ra trong công tác phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở miền Trung trong bối cảnh hiện nay; các giải pháp phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở miền Trung hiện nay và thời gian tới. 

Toàn cảnh Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở miền Trung”. 

Theo đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III, Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý thảo luận và phân tích để có những nhìn nhận, đánh giá, trao đổi, chia sẻ về các nội dung khác nhau liên quan đến phát huy giá trị văn hóa của miền Trung, trên cơ sở đó đặt ra những vấn đề mới, có tính cấp bách và cần thiết trong xây dựng cơ chế, chính sách thiết thực để phát huy hiệu quả giá trị văn hóa trong phát triển bền vững. Đồng thời, thông qua Hội thảo, các đề xuất, giải pháp và gợi mở nhiều định hướng chính sách để phát huy giá trị văn hóa cho phát triển bền vững khu vực miền Trung trong thời gian tới.../.

Tin, ảnh: Đình Tăng

Tag:

File đính kèm