1. Một trong những thủ đoạn nham hiểm ấy là thời gian gần đây, một số
đối tượng xuyên tạc rất trắng trợn: “Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn
Ái Quốc”. Nghệ thuật viết tuồng truyền thống thường dựa vào tích cũ để
soạn những bổn mới, mang chủ đề, ý nghĩa mới. Cách này đang được một số
đối tượng sử dụng, nhưng là lấy tích cũ thật/giả để biến thành bổn mới
giả, có cả “bổn cũ soạn lại”.
Theo lịch sử ghi lại, từ ngày 6/6/1931 đến ngày 22/1/1933, Tống Văn
Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc) bị bắt giam ở Hồng Công và được luật sư Francis
Henry Loseby bào chữa trắng án. Thực dân Pháp rất muốn được phía Anh
trục xuất về Đông Dương để bắt Nguyễn Ái Quốc thực thi án tử hình. Có
thể là cố ý đánh lạc hướng mật thám Pháp mà Quốc tế Cộng sản cho loan
tin Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh lao phổi trong nhà tù Hồng Công, đăng
trên cả báo nước ngoài (The Daily Worker (Anh) ngày 11/8/1932,
L’Humanité (Pháp) ngày 9/8/1932) và cả báo trong nước (Đông Pháp Thời
báo ngày 3/7/1932, Đuốc Nhà Nam ngày 23/7/1932). Sau khi Nguyễn Ái Quốc
được thả (ngày 28/12/1932), để đảm bảo an toàn cho thân chủ, chính luật
sư Loseby cũng loan tin Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh phổi(1).
Sau đó vẫn lấy những tin tức này, không cần quan tâm mục đích, lý do
của nguồn tin, tác giả Hồ Tuấn Hùng (Đài Loan) viết “Hồ Chí Minh sinh
bình khảo” (in năm 2008 tại Đài Loan) “khẳng định” Hồ Chí Minh có tên
thật là Hồ Tập Chương, không phải Nguyễn Ái Quốc, vì Nguyễn Ái Quốc đã
chết từ tháng 8/1932. Đầu năm 2013, sách được Thái Tuấn dịch ra tiếng
Việt có tên “Tìm hiểu về cuộc đời của Hồ Chí Minh” cho đăng trên trang
điện tử “Đối thoại”.
Lợi dụng vấn đề đó, thời gian qua, trên nhiều trang mạng phản động
lại đăng nhiều bài "dựa hơi" vào những sự kiện trên (chủ yếu từ sách của
Hồ Tuấn Hùng), bịa đặt trắng trợn thêm nhiều chi tiết để xuyên tạc Chủ
tịch Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc, mà do “một người khác thế
vào”!
Lập luận của các bài viết trên, một mặt dựa vào “lý lẽ” của Hồ Tuấn
Hùng, mặt khác, vẫn theo kiểu mượn tích cũ để “soạn bổn giả mới”. Ví như
lấy sự kiện có thật Nguyễn Ái Quốc lấy bí danh Hồ Quang (từ ngày
1/1/1938) mang quân hàm thiếu tá, công tác tại Phòng Cứu vong thuộc Văn
phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm, không hề chứng minh, phân tích nhưng nhiều
tác giả đã “khẳng định” lấy được: “Hồ Quang chính là Hồ Tập Chương” từ
đây (tức năm 1938) bắt đầu “sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam”.
Về điểm này, xin dẫn sự giải thích của chính Bác Hồ, nhân một đồng
chí Trung Quốc hỏi: “Tại sao đồng chí lại lấy tên Hồ Quang?”. Bác trả
lời hóm hỉnh: “Tôi có râu, lại trọc đầu nên gọi là Hồ Quang” (vì đọc
theo tiếng Bắc Kinh, hồ có nghĩa là râu, quang có nghĩa là trọc)(2).
Đây là cách chơi chữ quen thuộc của Bác lý giải cách đặt tên theo đặc
điểm bản thân gắn liền với ngôn ngữ, địa danh nơi sinh sống.
Để có thêm cơ sở lịch sử và khoa học khẳng định Nguyễn Ái Quốc chính
là Hồ Chí Minh, xin nhắc lại những sự kiện lịch sử liên quan. Ngày
1/6/1946, trên chuyến bay sang Pháp, tướng Raoul Salan tháp tùng Hồ Chủ
tịch hỏi có ý tò mò về đời tư (vốn là điều tối kỵ trong ngoại giao):
“Trong bản Hiệp định ngày 6/3, ngài ký tên Hồ Chí Minh. Nhưng tên chính
của ngài có phải là Nguyễn Ái Quốc không?”. Bác Hồ đáp: “Cũng trong bản
hiệp định đó, vị đại diện của Chính phủ ngài ký tên là Sainteny, nhưng
tên thật của ông ta chẳng phải là Jean Roger đó sao?”(3). Một
câu đáp thật tuyệt vời của một trí tuệ nhạy bén, gần như khẳng định
nhưng lại nói vòng sang chuyện tương tự để “chặn họng”, hàm ý nhắc nhở,
đẩy đối phương vào thế bối rối, bị động: Ngay đại diện chính phủ của
ngài cũng vậy đó thôi!
2. Về tập thơ “Nhật ký trong tù”, nhiều đối tượng cho rằng chữ viết
ấy, nội dung ấy, thi pháp ấy thì “không thể một người Việt Nam nào, dù
tài năng đến mấy” thể hiện được; thế nên Nguyễn Ái Quốc nếu còn sống
cũng không thể là tác giả. Vả lại những năm ở Pháp, ở Nga, ở Hồng Công
trước đó, sao Nguyễn Ái Quốc không có bài thơ chữ Hán nào?
Điều đáng phê phán các "tác giả" đưa ra cái gọi là “lý lẽ” nêu trên
lại không hiểu rằng, Nguyễn Sinh Cung từ nhỏ đã sớm tiếp xúc với văn hóa
Trung Hoa, học giỏi chữ Hán, là trò của các bậc đại Nho (Nguyễn Sinh
Sắc, Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý). Trong khi đó, từ những năm
1922-1923, Nguyễn Ái Quốc đã rất quan tâm và viết nhiều bài về tình hình
Trung Quốc in trên báo L’Humanité, La Vie Ouvrière. Cũng trong thời kỳ
hoạt động ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc kiếm sống bằng viết báo (tiếng
Trung, Pháp, Anh) và có mối quan hệ mật thiết với một số yếu nhân, trong
đó có bà Tống Khánh Linh.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu chân chính khẳng định, với tâm hồn ấy,
tài năng ấy, trong hoàn cảnh tù đày, thơ đến một cách tự nhiên với
Nguyễn Ái Quốc. Các bài thơ trong tập thơ này là kết tinh các luồng tinh
hoa văn hóa Đông Tây, kim cổ, là tiếng nói của tâm hồn vĩ đại, trí tuệ
siêu việt, khí phách lớn. Đó cũng là lý do để nhiều nhà nghiên cứu văn
học quốc tế đã khẳng định tập thơ “Nhật ký trong tù” là tài sản văn hóa
nhân loại và được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ trên thế giới.
3. Trong chuyên luận “Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh” do Nhà xuất
bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2010, tác giả cuốn sách
chứng minh Hồ Chí Minh là người “Việt Nam nhất”. Chỉ xét ở mục đích trào
phúng, trong các tác phẩm, có 232 lần Bác Hồ sử dụng các dẫn ngữ(4).
Thành ngữ, tục ngữ là sự kết tinh lời ăn tiếng nói có mạch nguồn từ đời
sống tâm hồn, trí tuệ nhân dân. Không phải là người Việt Nam làm sao
dùng được nhiều dẫn ngữ, chưa nói tới cách dùng của Bác rất đa dạng,
phong phú, nhiều hình vẻ, sắc thái và rất mực tinh tế.
Với tư cách là người nghiên cứu, chúng tôi xin khẳng định, từ thời
thanh niên đến khi về với thế giới người hiền, ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí
Minh có sự nhất quán về mục đích: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho
Tổ quốc tôi”, rộng hơn là vì hạnh phúc nhân loại nói chung. Mọi suy
nghĩ, việc làm, hành động, dù nói hay viết của Người tất cả đều vì mục
đích cao cả ấy.
Cũng xin được nhắc lại 3 cuộc hội thảo khoa học quốc tế gần đây nhất
về Hồ Chí Minh. Ngày 18/4/2023, tại thủ đô Roma (Italy) diễn ra hội thảo
với chủ đề “Quãng đời làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italy”.
Trước đó, ngày 14/5/2022, tại Ấn Độ là Hội thảo “Hồ Chí Minh và Ấn Độ”
tổ chức ở Kolkata. Tháng 10/2019, Hội thảo “Hồ Chí Minh toàn cầu” tổ
chức tại thành phố New York (Mỹ).
Các hội thảo đều khẳng định ở Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là sự hội tụ
tuyệt đẹp 3 luồng văn hóa: Văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình,
bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ và văn hóa giải phóng con người
của Chủ nghĩa Mác. Các nhà nghiên cứu quốc tế đều nhấn mạnh Hồ Chí Minh
không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, mà còn là cầu
nối giữa Việt Nam với thế giới và nhân cách của Người mang tầm ảnh hưởng
toàn cầu. Điều này khẳng định sự tôn trọng của giới học giả thế giới
đương đại với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng và những giá trị văn hóa
cao đẹp của Người được cả nhân loại đón nhận.
Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam tự hào có Bác Hồ, coi
việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là lý
tưởng, lẽ sống, niềm tin và cũng là hạnh phúc. Hạnh phúc được đón nhận
ánh sáng thời đại vì đó là con người nhân văn nhất, ưu tú nhất, tiên
tiến nhất của dân tộc Việt Nam và là một trong những nhà văn hóa lừng
danh của nhân loại. Đó cũng là minh chứng sinh động để bác bỏ hoàn toàn
những ý đồ, thủ đoạn xuyên tạc thân thế, tên tuổi, sự nghiệp cách mạng
vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
PGS. TS. NGUYỄN THANH TÚ
______________________
(1) Nguyễn Văn Khoan: Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hồng Kông năm 1931, Nxb. Văn học, H,2004, tr.88.
(2) Đặng Quang Huy: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H,2012, tr.29.
(3) Nhiều tác giả: Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa của tương lai, Nxb. Thanh Niên, H, 2009, tr.124.
(4) Nguyễn Thanh Tú: Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2010, tr.329.
(Nguồn: qdnd.vn)