Em Phùng Minh Nghĩa, học viên lớp B4C3A, K59, Trường Cao đẳng CSND I cho biết, đây là chuyến đi thực tế đầu tiên của em nhưng cảm giác căng thẳng, hồi hộp của em nhanh chóng được xua tan khi em nhận được những tình cảm nồng hậu, chân thành yêu thương của tất cả các thành viên trong gia đình bác Bùi Văn Luyến, Thôn Rú mới, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình. Gia đình bác Luyến là người dân tộc Mường, có 3 thế hệ sống chung gồm bố mẹ, con gái, con rể cùng hai cháu ngoại. Kinh tế của gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào việc trồng trọt và chăn nuôi nên hàng ngày, ngoài tham gia dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, Nghĩa còn hỗ trợ gia đình bác Luyến một số công việc như trồng mía, thu hoạch nông sản, cho lợn gà ăn và dạy các em nhỏ học bài vào buổi tối…
Bên cạnh sinh hoạt riêng, Nghĩa và các bạn còn được trực tiếp tham gia lao động công ích tại địa phương như chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang và dâng hương tại bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã; dọn dẹp đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa, khuôn viên các trường học, trạm y tế; tổ chức các hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ Công an xã trong tổ chức tuần tra, kiểm soát an ninh, trật tự và khảo sát các phương tiện giao thông trên địa bàn xã. “Việc trực tiếp tham gia lao động sản xuất, được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân giúp chúng em hiểu được nỗi vất vả của người nông dân, quý trọng hơn giá trị của lao động. Đặc biệt là tình cảm của bà con dành cho chúng em thực sự là những kỷ niệm đẹp, cho chúng em hiểu hơn về tình làng nghĩa xóm và cội nguồn sức mạnh từ nhân dân, giúp chúng em trưởng thành hơn sau chuyến công tác này”, Nghĩa chia sẻ.
Em Vũ Quốc Công, học viên lớp B4C3A, K59, Trường Cao đẳng CSND I kể: Em được phân công ở hộ gia đình chú Bùi Văn Phúc, thôn Quán Giữa, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong. Gia đình bác Phúc là người dân tộc Mường, nhà có 3 thế hệ. Hằng ngày, ngoài các hoạt động tập thể như vệ sinh đường làng ngõ xóm và các công trình công cộng, hay cắt tóc cho bà con nhân dân ở UBND xã, Công còn hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chú Phúc một số công việc trong nhà. Thời gian 3 tuần tuy không dài nhưng đã giúp em có thêm kinh nghiệm về công tác dân vận, hiểu thêm về văn hóa vùng miền, phong tục tập quán của bà con. “Lúc em lên xe ra về, cả nhà ai cũng khóc khiến em xúc động không muốn về. Em tự hứa với lòng mình là vào dịp Tết Nguyên đán 2024 này em sẽ trở lại thăm gia đình cô chú để tạo niềm vui bất ngờ”, Công cho hay.
Thượng tá, TS Nguyễn Thị Hiền, Trưởng khoa Lý luận chính trị, khoa học xã hội nhân văn và tâm lý, Trường Cao đẳng CSND I cho biết: Những chuyến “3 cùng” là cơ hội để học viên rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhân cách nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, các kỹ năng trong cuộc sống; đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CAND gần gũi trong lòng nhân dân.
Đại tá, TS Đồng Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND I thì cho hay: Sau gần ba tuần cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, cán bộ, học viên Trường Cao đẳng CSND I đã góp 6.550 ngày công lao động giúp làm sạch hơn 10km đường xã, làng, ngõ xóm, các công trình công cộng; giúp nhân dân làm vườn, trồng trọt, thu hoạch nông sản, chăm sóc gia súc… Các học viên cũng đã tham gia cùng Công an xã Cư Yên, huyện Lương Sơn và Công an xã Hợp Phong, huyện Cao Phong trong tổ chức tuần tra, kiểm soát an ninh, trật tự; khảo sát các phương tiện giao thông trên địa bàn. Cán bộ, giáo viên, học viên của nhà trường cũng đã tổ chức tuyên truyền cho học sinh trên địa bàn về phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; tuyên truyền cho lãnh đạo các thôn, bà con nhân dân trên địa bàn 2 xã về Luật An ninh mạng; tuyên truyền cho bà con hiểu phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng để phòng tránh, các quy định về định danh điện tử và xác thực điện tử; tuyên truyền cho Chi hội phụ nữ các kỹ năng giao tiếp, giáo dục giữa cha mẹ và con cái. Kết thúc đợt thực tế chính trị xã hội tại Hòa Bình, Trường Cao đẳng CSND I đã tặng nhiều phần quà có giá trị và ý nghĩa cho các gia đình chính sách, Công an xã, học sinh nghèo vượt khó và các công trình công cộng phục vụ bà con nhân dân trên địa bàn với tổng giá trị ước tính gần 450 triệu đồng.
Đại diện cho chính quyền và nhân dân địa phương, bà Bùi Thị Hạt, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hợp Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình cũng khẳng định: Việc nhà trường đưa cán bộ, học viên xuống cơ sở “ba cùng” với quần chúng nhân dân vừa là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, đồng thời góp phần củng cố và thắt chặt hơn mối quan hệ gắn bó giữa nhà trường và địa phương nói riêng, giữa lực lượng CAND với nhân dân nói chung.