Sign In

Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân Việt Nam

21:38 21/12/2024
Các doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản đều bày tỏ vui mừng khi Việt Nam tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân và mong muốn sẵn sàng hợp tác.

Ngày 20/12, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản nhằm trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Cùng tham gia buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Báo Công Thương, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

Về phía Nhật Bản có đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công Nghiệp Nhật Bản cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân bao gồm: Công ty Năng lượng Hitachi, Công ty JINED, Công ty MHI… Đây đều là những doanh nghiệp sản xuất, đầu tư chuyên sâu, hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản và trên thế giới. Ngoài ra, buổi làm việc còn có sự tham gia của hai trường đại học Nhật Bản: Trường Đại học Công nghệ Nagaoka và Trường Đại học Fukui.

Sau phần phát biểu mở đầu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đại diện các doanh nghiệp, trường học hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân tại Nhật Bản đã có những phản hồi, khẳng định và cam kết sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam để phát triển điện hạt nhân.

Đại diện Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi: Sẵn sàng phổ biến những kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm xây dựng lò áp suất phản ứng

Theo đại diện Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi thông tin, Mitsubishi được thành lập vào năm 1918 và hiện tại đã được hơn 100 năm tuổi với trên 80.000 cán bộ công nhân viên, người lao động, doanh thu hàng năm đạt gần 40.000 tỷ Yên. Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và đào tạo kỹ sư.

Trường Đại học, doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân Việt Nam
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Hiện tại, Mitsubishi là tập đoàn duy nhất tại Nhật Bản có nền tảng xây dựng các nhà máy phát điện hạt nhân theo hình thức các lò áp suất phản ứng. Tính đến thời điểm này, Mitsubishi đã xây dựng được 24 lò trên toàn nhà máy phát điện tại Nhật Bản. Mitsubishi sẵn sàng cùng với Việt Nam hợp tác để phổ biến những kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng lò áp suất phản ứng.

Đại diện Tập đoàn điện tử Hitachi: Phối hợp tốt nhất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Hiện tập đoàn đang thực hiện xây dựng các nhà máy phát điện hạt nhân với công nghệ lò phản ứng nước sôi. Hiện nay, ngoài việc vận hành các nhà máy phát điện hạt nhân nguyên tử ở khắp Nhật Bản, Hitachi cũng hỗ trợ các khách hàng liên quan đến việc bảo hành, bảo trì các nhà máy phát điện.

Tại đất nước Nhật Bản, Hitachi đang thực hiện xây dựng 2 nhà máy phát điện hạt nhân theo hình thức lò phản ứng nước sôi, trong đó có một dự án nhà máy với quy mô rất lớn trên 1.300MW.

Trường Đại học, doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân Việt Nam
Đại diện Tập đoàn Hitachi phát biểu tại buổi làm việc

Không chỉ đầu tư, xây dựng nhà máy phát điện hạt nhân tại Nhật Bản, hiện nay Hitachi cũng đang đầu tư xây dựng một vài nhà máy phát điện hạt nhân ở nước ngoài. Canada là điểm đến đầu tiên của Hitachi, Hitachi sắp bắt đầu xây dựng nhà máy tại Canada.

Các dự án nhà máy phát điện hạt nhân của Hitachi được xây dựng theo hình thức nhà máy phát điện theo quy mô lớn và quy mô nhỏ. Trong thời gian tới, khi hợp tác với doanh nghiệp, trường học tại Việt Nam để phát triển nhà máy điện hạt nhân Hitachi sẽ phối hợp với Công ty JINED để có thể thực hiện tất cả các chương trình, hoạt động hợp tác.

Đại diện Công ty phát triển năng lượng toàn cầu Nhật Bản JINED: Đặt Việt Nam ở vị thế đối tác hàng đầu trong hợp tác phát triển điện hạt nhân

Công ty JINED được thành lập vào tháng 10/2010 với góp vốn đầu tư của 9 công ty điện lực các địa phương, 3 nhà sản xuất lò phản ứng hạt nhân (Toshiba, Hitachi, Mitsubishi Heavy Industries) và Mạng lưới Đổi mới Nhật Bản.

Theo đại diện JINED, dự án nhà máy điện hạt nhân mà JINED đầu tư xây dựng là ở thành phố Nagoya, khu vực miền Trung ở Nhật Bản. Năm 2010 nhận được chỉ đạo từ Chính phủ Nhật Bản, JINED sẽ thực hiện dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân ở trong nước và một số dự án liên kết với các quốc gia nước ngoài.

Với Việt Nam, tháng 11/2011, JINED đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng như phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu của Việt Nam. Kể từ tháng 11/2011, JINED đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chương trình đào tạo cũng như tư vấn hỗ trợ về mặt kỹ thuật để phát triển điện hạt nhân. Sau khi các dự án điện hạt nhân tại Việt Nam phải dừng lại, JINED tiếp tục kết hợp với Đại học Bách khoa Nhật Bản tập trung đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho sự thay đổi, phát triển năng lượng của Việt Nam sau này.

Trường Đại học, doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân Việt Nam
Công ty Cổ phần nguyên tử Phát triển Năng lượng nguyên tử quốc tế tham gia phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Năm 2024, khi Việt Nam tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân, đây là thông tin rất vui mừng cho cả hai nước. Trong Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thống nhất và mong muốn, khi Việt Nam tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân, phía Nhật Bản tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển; đặt Việt Nam ở vị thế là đối tác hàng đầu để tiếp tục hỗ trợ tất cả mọi mặt liên quan đến kỹ thuật, nhân lực hay nguồn vốn.

Rút kinh nghiệm từ sự cố liên quan đến điện hạt nhân tại Nhật Bản, JINED nhận thấy công tác đảm bảo an toàn của nhà máy điện hạt nhân là vô cùng quan trọng. JINED đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật để đảm bảo an toàn một cách tối đa nhất khi xây dựng và vận hành nhà máy phát điện hạt nhân.

Với kinh nghiệm tích lũy được, JINED sẽ cùng Việt Nam xây dựng những chương trình đào tạo nhân tài trong lĩnh vực điện hạt nhân không chỉ có kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần thiết mà còn đủ trình độ, kỹ thuật để đảm bảo vận hành nhà máy phát điện hạt nhân một cách an toàn, tuyệt đối nhất.

Đại diện Đại học Fukui: Sẵn sàng cùng Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao

Trong bài phát biểu, đại diện Đại học Fukui có nêu ra một vài những chương trình mà phía Đại học Fukui đã thiết kế và phải có thể tiếp nhận được sinh viên nước ngoài sang giao lưu. Phần nội dung đầu tiên là chương trình dành cho các học sinh mà muốn hướng đến vừa học bậc học cao học và học thạc sĩ. Và nội dung thứ hai đến sinh viên tiến sĩ, thạc sĩ.

Tất cả chương trình đều thực hiện bằng tiếng anh, ví dụ hình ảnh bạn Nguyễn Thị Dung này ở trường Đại học Fukui, đã học Thạc sĩ và sau khi kết thúc học Thạc sĩ 2 năm chuyển đến Đại học. Tiếp theo là chương trình học trao đổi, ở châu Á, đây là chương trình dành cho sinh viên học ngắn hạn. Chương trình này dành cho những người đi làm và chương trình được thực hiện bởi Hiệp hội nghiên cứu về an toàn nguyên tử điện.

Lãnh đạo Đại học Fukui Nhật Bản tham luận ý kiến tại buổi làm việc
Lãnh đạo Đại học Fukui Nhật Bản tham luận ý kiến tại buổi làm việc

Ngoài chương trình dành cho các bạn sinh viên muốn học cao học, Đại học Fukui cũng có chương trình giao lưu cho các giáo viên và giảng viên. Ngoài việc tiếp nhận giáo viên từ Việt Nam sang, trường còn cử giáo viên, giảng viên của mình sang các trường đại học phía Việt Nam. Khi trao đổi giảng viên giữa hai bên, ngoài tập huấn ra thì hai trường còn nghiên cứu chung. Đại học Fukui có hợp tác với Đại học Bách khoa và từ tháng 4/2025 trường sẽ tiếp nhận thêm 3 sinh viên.

Tường Đại học Fukui đến nay đã tiếp nhận trên 20 người Việt Nam là sinh viên, giáo viên, giảng viên, tham gia vào các chương trình trao đổi, tập huấn để có thể hướng tới việc đào tạo nhân lực có kinh nghiệm, kiến thức đầy đủ về kỹ thuật hạt nhân. Trường Đại học Fukui rất mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục thực hiện chương trình này với sự hợp tác mật thiết từ phía Việt Nam.

Đại diện Đại học Công nghệ Nagaoka: Sẵn sàng hợp tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân

Đại học Công nghệ Nagaoka đang hướng tới đào tạo thêm nhiều mối quan hệ hợp tác, phát triển với các trường đại học của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo kỹ thuật hạt nhân. Tại trường Nagaoka, du học sinh Việt Nam đang chiếm số đông.

Hiện tại, Đại học Nagaoka đang kết hợp với Đại học Điện lực Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội ký kết các thỏa thuận hợp tác về việc làm, trao đổi sinh viên cũng như hợp tác liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân.

Ngoài lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân, Đại học Nagaoka cũng có ký kết và hợp tác ghi nhớ với Đại học Bách khoa liên quan đến kỹ thuật như là cơ khí, điện tử; thực hiện nghiên cứu chung với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Đại học Nagaoka mong muốn rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn trong nhiều mặt để có thể hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong ngành kỹ thuật hạt nhân và các ngành khác.

Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi...

Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...

Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản...

 

Nguyên Minh từ Tokyo, Nhật Bản

Tag:

File đính kèm