Sign In

Chuẩn bị kỹ lưỡng xây dựng Luật Học tập suốt đời

20:46 01/10/2024
Ngày 1/10, Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp đề xuất khung Luật Học tập suốt đời. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có thành viên Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực; đại diện một số Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

“Học tập suốt đời không bao giờ là đủ và hết sức cần thiết"

Phát biểu định hướng phiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao ý nghĩa của phiên họp khi được tổ chức vào ngày đầu tiên của Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024, phát động, khuyến khích xây dựng văn hoá đọc để thúc đẩy học tập suốt đời trong mỗi người dân.

Quang cảnh phiên họp

Khẳng định vai trò của học tập suốt đời, Thứ trưởng chia sẻ: Học tập suốt đời không bao giờ là đủ và hết sức cần thiết. Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước với nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác khuyến học, khuyến tài và gần đây nhất là cuộc vận động xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

“Thời gian qua, có rất nhiều kế hoạch, đề án được thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Đến thời điểm này, những chương trình, đề án đó cần được ban hành thành luật để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có trách nhiệm, tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế và những điều kiện khác để ai cũng được học tập. Luật hóa để việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của công dân” Thứ trưởng nhận định.

Thứ trưởng cho biết, lãnh đạo Bộ GDĐT đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị và ban hành hai bộ luật là Luật Nhà giáo và Luât Học tập suốt đời. Đối với Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT đang cố gắng để được trình vào tháng 10 năm nay với nhiều nội dung quan trọng. Qua quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT thấy được công tác chuẩn bị đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, phiên họp này được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục để thống nhất được các vấn đề khởi thảo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại phiên họp

Phiên họp tập trung thống nhất một số nội dung quan trọng. Trong đó nêu bật được tính cấp thiết của việc xây dựng Luật học tập suốt đời. Tính cấp thiết phải được xuất phát từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng xã hội học tập, luật học tập suốt đời. Bên cạnh đó, phiên họp cần đề cập được những chính sách trọng yếu trong Luật học tập suốt đời để thúc đẩy học tập suốt đời. Từ đó, thấy được trách nhiệm của nhà nước, của các các tổ chức, của từng công dân.

“Luật để tạo thúc đẩy, luật là để được làm, luật là để phải làm và phải làm theo. Luật Học tập suốt đời sẽ có chế tài cho việc được đi học và phải đi học”, Thứ trưởng nhấn mạnh.  

Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực học tập suốt đời

Báo cáo tại phiên họp, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GDĐT) Vũ Thị Tú Anh cho biết: Mặc dù học tập suốt đời là con đường tất yếu để mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng phát triển bền vững, thích ứng với những thay đổi của cuộc sống và xã hội nhưng hiện nay, tại Việt Nam, khái niệm học tập suốt đời chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản chính thức nhà nước, đồng thời cũng chưa được hiểu thống nhất trong các nghiên cứu, hoạt động hoạch định chính sách và trong thực tiễn.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GDĐT) Vũ Thị Tú Anh báo cáo tại phiên họp

Luật Học tập suốt đời cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng về học tập suốt đời và xã hội học tập, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết 29. Đây được xem là một văn bản luật có vị trí độc lập tương đối với các luật chuyên ngành khác về lĩnh vực giáo dục như Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và sắp tới là Luật Nhà giáo. Luật Học tập suốt đời bổ sung, mở rộng và hoàn thiện các vấn đề về lĩnh vực học tập suốt đời chưa được đề cập một cách đầy đủ, toàn diện trong Luật Giáo dục 2019 và các luật khác về giáo dục.

Về định hướng lâu dài trong các bước tiếp theo của tiến trình xây dựng văn bản pháp quy, Luật Học tập suốt đời cần được xây dựng như một luật chi tiết với các quy định cụ thể, tường minh dành cho lĩnh vực học tập suốt đời để có thể dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, không nhất thiết phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.

Luật Học tập suốt đời tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực học tập suốt đời; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng vốn con người và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.

PGS.TS Tô Bá Trượng, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam trao đổi tại phiên họp

Đề xuất dự thảo khung Luật học tập suốt đời dự kiến các nội dung gồm: Những quy định chung; quản lí nhà nước về học tập suốt đời; các tổ chức, cá nhân cung ứng cơ hội học tập suốt đời; chương trình, nội dung, tài liệu, hình thức học tập suốt đời; đánh giá và công nhận kết quả học tập suốt đời; giảng viên/hướng dẫn viên, cán bộ quản lí học tập suốt đời, và người học; huy động nguồn lực cho và tạo môi trường thuận lợi cho học tập suốt đời và điều khoản thi hành.

Cần thiết ban hành Luật Học tập suốt đời

Tại phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, nêu ý kiến về cơ sở xây dựng Luật Học tập suốt đời; kinh nghiệm quốc tế; thực trạng triển khai xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời hiện nay; các điều kiện đảm bảo tính khả thi thực hiện khi xây dựng và ban hành luật…

Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Luật Học tập suốt đời, PGS.TS Tô Bá Trượng, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng đây có thể là cuộc cách mạng thay đổi giáo dục và đào tạo, bởi nếu có luật thì thay đổi nhận thức của cả xã hội về học tập suốt đời. Do đó, tư tưởng và nhận thức vai trò của luật phải được thông suốt từ trung ương tới địa phương. Muốn làm được điều đó thì cần đặc biệt chú ý các điều kiện thực tế ở địa phương về tài chính, nhân sự vận hành phải được thông tỏ và quan tâm hơn.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch hội đồng Đại học Thái Nguyên tại phiên họp

Ở góc độ giáo dục đại học, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằn, trong bối cảnh môi trường số, công dân toàn cầu hiện nay thì vấn đề xây dựng Luật Học tập suốt đời cần phải thực hiện ngay và không thể chậm hơn được. Bởi mục tiêu chính của học tập suốt đời là phát triển con người, tạo điều kiện và dẫn dắt cho mọi người được học tập khi môi trường của giáo dục hiện nay là môi trường mở, linh hoạt và không giới hạn.

Nhìn nhận tầm quan trọng, cần thiết của Luật Học tập suốt đời, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lạng Sơn Phan Mỹ Hạnh nêu quan điểm cần sự thống nhất chặt chẽ để đảm bảo sự liên thông trong giáo dục, giúp cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các cấp cũng như các hình thức, mô hình trong quá trình giáo dục. Ngoài ra, cần có những chính sách khuyết khích đối với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện cung cấp các chương trình cho người học cũng như đảm bảo quyền bình đẳng được tiếp cận giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, và người yếu thế.

Phó Giám đốc Sở GDĐT Lạng Sơn Phan Mỹ Hạnh trao đổi tại phiên họp

Đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Sở GDĐT và thành viên của Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định các ý kiến tại phiên họp hết sức cần thiết, trách nhiệm với mục tiêu chung là xây dựng Luật Học tập suốt đời.

Theo Thứ trưởng, đây là luật mới, nhiều nội dung mới, đối tượng tác động rộng lớn, phương thức đa dạng, chương trình phong phú, thực hiện mong muốn của nhiều bên và phải tránh được sự chồng chéo của các luật đã ban hành nên cực kỳ phức tạp. Vì vậy, với quan điểm phát huy tinh thần, trí tuệ tập thể, Bộ GDĐT luôn tiếp thu cầu thị các quan điểm, ở nhiều góc độ khác nhau để có những nghiên cứu thấu đáo, phù hợp khi xây dựng Luật Học tập suốt đời. 

Thứ trưởng đề xuất việc thành lập một ban nghiên cứu về xây dựng luật riêng. Đặc biệt là việc nghiên cứu thực tế triển khai tại địa phương, tổ chức hội thảo, hội nghị để tiếp thu ý kiến của tất cả các đối tượng được điều chỉnh, thụ hưởng bởi luật này. Đồng thời, nghiên cứu nội dung, tính khả thi, tác động của các chính sách, điều khoản với thực tế tại Việt Nam. Như vậy sẽ có đầy đủ các góc nhìn, khía cạnh, chỉn chu, bài bản trong quá trình triển khai.

Tag:

File đính kèm