Tham dự Diễn đàn có khoảng 1.000 đại biểu gồm Lãnh đạo Bộ GTVT các nước, các tổ chức quốc tế và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp GTVT của Trung Quốc, trong đó có 42 đại biểu cấp Bộ trưởng và lãnh đạo các tổ chức quốc tế, 73 quan chức của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Trung Quốc.
Với chủ đề “Giao thông bền vững: chung tay hợp tác trợ giúp phát triển toàn cầu”, các đại biểu đã tập trung thảo luận về 5 chủ đề chính của Diễn đàn: Kết nối giao thông – Thúc đẩy kết nối thời đại kỹ thuật: kêu gọi các bên cùng trao đổi để thúc đẩy kết nối toàn cầu trong thời đại mới, thuận lợi hóa vận tải qua biên giới và thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển có sức sống hơn nữa; Cùng phát triển – Không để nước nào, cá nhân nào bị bỏ lại phía sau: Tập trung vào các nước kém phát triển và các nước đang phát triển không có biển, cùng thảo luận để xóa bỏ sự mất cân bằng trong phát triển, thúc đẩy công bằng xã hội; Sáng tạo thúc đẩy – Nắm lấy tương lai tốt đẹp của giao thông thông minh toàn cầu: Thảo luận về tương lai phát triển giao thông, thúc đẩy chia sẻ tri thức; Ưu tiên sinh thái – Đẩy nhanh chuyển đổi giao thông xanh toàn cầu carbon thấp: thảo luận về chiến lược nguồn năng lượng mới, giảm phát thải trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, vận tải thủy, hàng không và bưu chính; Quản trị toàn cầu – Xây dựng quan hệ đối tác hợp tác giao thông bền vững toàn cầu: Cùng thảo luận để thúc đẩy quản trị giao thông toàn cầu, đi sâu hợp tác giao thông toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị toàn thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao việc Bộ GTVT Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn và đề xuất tập trung trao đổi về các nội dung nhằm triển khai kết quả Hội nghị giao thông bền vững toàn cầu lần thứ 2 của Liên hợp quốc, hiện thực hóa chương trình và sáng kiến phát triển toàn cầu đến năm 2030 của Liên hợp quốc.
“Là một trong những quốc gia cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững thông qua xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững như đã xây dựng và thông qua Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí mê-tan, Chương trình hành động về giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan ngành GTVT...”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Việt Nam coi phát triển GTVT bền vững với môi trường là một ưu tiên tập trung, đẩy mạnh tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt thân thiện với môi trường; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics, đã và đang tích cực triển khai các chương trình, công ước của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) với mục tiêu chung tay thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và xác định chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)”.
Tại Diễn đàn, Việt Nam mong muốn các nước cùng chia sẻ kinh nghiệm tốt, ý tưởng mới về giao thông thông minh, giao thông xanh, về công nghệ cacbon thấp trong lĩnh vực cũng như thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác, tạo điều kiện cho các nước cùng tham gia, nghiên cứu, vận dụng, hợp tác hướng tới phát triển hệ thống GTVT bền vững.
Song song với việc tổ chức Diễn đàn, nước chủ nhà Trung Quốc cũng đã tổ chức Triển lãm công nghệ và thiết bị giao thông quốc tế lần thứ 15 nhằm giới thiệu thành quả về công nghệ và thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Vụ HTQT