Sign In

Kịp thời cập nhật phương án, kịch bản tăng trưởng và đề xuất các giải pháp để phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra

09:41 13/09/2023

(MPI) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới, tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật phương án, kịch bản tăng trưởng và đề xuất các giải pháp để phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đây là nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 144/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, trình độ khoa học công nghệ, các dự án FDI có quy mô lớn, tác động mạnh đến xuất khẩu, việc làm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung xử lý, giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Nắm bắt thông tin về việc thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát triển kinh tế ban đêm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023.

Bảo đảm tiến độ đầu tư để khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trong tháng 10/2023.

Khẩn trương tổ chức thẩm định dứt điểm trước ngày 20/9/2023 về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc triển khai theo phương thức PPP Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho các đối tượng, địa bàn còn gặp nhiều khó khăn; trong đó ưu tiên cho các nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, đối tượng nghèo là phụ nữ và trẻ em, các địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc các xã biên giới, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo, xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nghiên cứu, báo cáo đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách nhà nước đầu tư một số phòng thí nghiệm hiện đại về công nghệ bán dẫn và nghiên cứu khả năng giao cho các trường đại học, viện nghiên cứu... vận hành.

Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 7313/BC-BKHĐT ngày 06/9/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình được giao tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2023 của bộ, cơ quan, địa phương mình; đẩy mạnh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của Chương trình; điều chuyển kế hoạch vốn của Chương trình và Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 trong Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao theo quy định, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn.

Về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 7312/BC-BKHĐT ngày 06/9/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu của từng cơ quan để tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023, 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và tối thiểu 95% vốn kế hoạch năm 2023 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa với quyết tâm chính trị cao nhất, khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó lưu ý thực hiện một số giải pháp trọng tâm như nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân và phát huy tốt hơn nữa trí tuệ tập thể trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 335/TB-VPCP ngày 18/8/2023 và các văn bản số: 666/TTg-QHĐP ngày 18/7/2023, 555/TTg-QHĐP ngày 16/6/2023, bảo đảm thực chất, hiệu quả, cải thiện đời sống và sinh kế của người dân.

Chú trọng nghiên cứu các văn bản mới ban hành, đặc biệt là Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ; 02 Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg ngày 01/7/2023 và số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, 06 Thông tư và các văn bản hướng dẫn, trả lời kiến nghị của các Bộ, cơ quan Trung ương; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản của trung ương, địa phương theo thẩm quyền được phân cấp; nghiên cứu, thành lập Tổ công tác cấp tỉnh để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp cơ sở.

Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt là với các địa phương có kết quả giải ngân tốt và đã ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát.

Các Bộ, cơ quan Trung ương, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và 03 Bộ, cơ quan Chủ Chương trình phối hợp tốt hơn nữa, tiếp tục rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có văn bản trả lời sớm trong thời hạn 07 ngày làm việc và đồng gửi Văn phòng Chính phủ để tham mưu tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.

Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 7251/BC-BKHĐT ngày 05/9/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, chịu trách nhiệm về công tác xây dựng thể chế và cải cách thủ tục hành chính của bộ, cơ quan; thành lập Tổ công tác rà soát, cải cách thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, đảm bảo thực chất, hiệu quả; đồng thời, chú trọng những nội dung.

Một là, khẩn trương tập trung triển khai bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 ban hành kèm theo Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 06/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, đề xuất phương án đơn giản hóa 59 thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 01/10/2023.

Ba là, thực hiện nghiêm việc kiểm soát các quy định về thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, đánh giá khả năng phân cấp, phân quyền và cắt giảm, đơn giản hóa các quy định này ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chỉ ban hành các thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và tiết kiệm chi phí cho xã hội.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình đánh giá tác động thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế thuộc bộ, ngành và Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải nêu rõ: Số lượng thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành tại dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; số lượng, tỷ lệ thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm, đơn giản hóa so với hiện hành; những thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành dự kiến ban hành mới và lý do ban hành.

Về Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 7280/BC-BKHĐT ngày 06/9/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp, đồng thời, tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.

Về Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021-2025), Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 7285/BC-BKHĐT ngày 06/9/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp, đồng thời, tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.

Về Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 7287/BC-BKHĐT ngày 06/9/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thống nhất số liệu trong các báo cáo liên quan.

Về Báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 7286/BC-BKHĐT ngày 06/9/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp, đồng thời tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định./.

Tag:

File đính kèm