Sign In

Thứ trưởng Trần Quốc Phương tham dự Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược"

19:00 05/10/2023

(MPI) - Chiều ngày 05/10/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược". Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhằm phân tích, đánh giá về những cơ hội và thách thức, những kết quả nổi bật, những kỳ vọng và các vấn đề đặt ra.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: baochinhphu.vn

Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã chia sẻ về những kết quả nổi bật, sự phục hồi kinh tế thời gian qua, đặc biệt là trong 9 tháng năm 2023; các phản ứng chính sách để vượt qua những khó khăn đang đối mặt; kịch bản tăng trưởng; những khuyến nghị, giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Về những kết quả nổi bật, sự phục hồi kinh tế thời gian qua, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong 9 tháng 2023 đã đạt được khá nhiều kết quả nổi bật như tăng trưởng kinh tế quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 09 tháng tăng 4,24%. Kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác và cũng cho thấy, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau đạt cao hơn quý trước nhờ sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến các điểm sáng về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 09 tháng tăng 3,16% so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép và có thể điều hành được trong những tháng cuối năm; về giải ngân đầu tư công với kết quả ước đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ về tỷ lệ (46,7%) và số tuyệt đối (khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Đây là lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay và hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50%.

Cuối cùng, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì Việt Nam đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Về các phản ứng chính sách để vượt qua những khó khăn đang phải đối mặt, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng dự báo cho thấy khó khăn vẫn tiếp diễn, chưa có tín hiệu rõ ràng sẽ giảm hoặc sẽ chấm dứt. Điều này rất khó cho công tác dự báo cũng như đặt ra những nhiệm vụ, mục tiêu mang tính trung hạn cho cả năm 2024.

Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến một số khó khăn cần phải đối diện và ứng phó trong thời gian tới như bối cảnh vĩ mô toàn cầu chưa có sự ổn định. Hiện nay, tình hình lạm phát giá cả toàn cầu, các ứng xử về chính sách tài khóa tiền tệ rất khó đoán định, do vậy việc điều hành chính sách tiền tệ trong nước cần phải rất cẩn trọng, theo dõi chặt chẽ các biến động của thị trường thế giới để kịp thời có những điều chỉnh linh hoạt.

Khó khăn, thách thức thứ hai là những vấn đề về chính trị, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine, cũng như những vấn đề liên quan đến năng lượng, lương thực... ảnh hưởng lớn, đặc biệt liên quan đến vấn đề cầu thế giới vẫn đang ở mức thấp trong khi nền kinh tế của nước ta đang trên đà phát triển và sản lượng xuất khẩu rất nhiều. Tuy nhiên, kỳ vọng vào cuối 2023 có nhiều sự kiện sẽ kích thích cầu của thế giới tăng lên. Đây là cơ hội để lĩnh vực xuất khẩu gia tăng hơn.

Thứ ba là, qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang phải đối diện với hai vấn đề lớn. Đó là khi càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì càng phải tuân thủ theo những tiêu chí, tiêu chuẩn mà thế giới đã đặt ra; phải tự chuyển đổi các mô hình, cách thức quản lý, ứng dụng trong sản xuất kinh doanh như quan tâm đến tiêu chí xanh, tiêu chuẩn carbon, rác thải, bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu và nếu không quan tâm đến vấn đề này thì việc đạt được các đơn hàng trong tương lai là rất khó vì sự cạnh tranh rất khốc liệt.

Tiếp theo, các mô hình truyền thống không phù hợp với bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nghĩ đến mô hình mới, tiếp cận mới để mang lại những động lực mới cho kinh tế. Vấn đề chuyển đổi năng lượng, hướng tới năng lượng xanh đang là một xu thế tất yếu, là điều kiện tiên quyết tác động đến những mô hình sản xuất, cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu ra thế giới.

Về những luận cứ làm cơ sở để đưa ra kịch bản tăng trưởng, Thứ trưởng cho biết, sau mỗi quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải cập nhật lại kịch bản tăng trưởng gắn với kịch bản đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 để phục vụ mục tiêu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh, việc cập nhật các kịch bản tăng trưởng không phải kịch bản dự báo mà là kịch bản để điều hành.

Trên cơ sở kết quả kinh tế - xã hộ 9 tháng năm 2023, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của nước ta còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp, kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023 cập nhật như sau: Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%); Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%; Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng  10,6%.

Hình ảnh tại Tọa đàm. Ảnh: baochinhphu.vn

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bất kỳ kịch bản nào cũng đều cần sự nỗ lực, cố gắng lớn theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Về triển vọng của kinh tế Việt Nam những tháng tới, trong năm 2024 và những năm tới, đặc biệt là dựa trên trên 3 yếu tố: nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối tốt; dư địa chính sách tài khóa còn lớn; khả năng thu hút đầu tư và chuyển giao trong các lĩnh vực công nghệ cao và đề xuất, kiến nghị trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, dự báo vẫn còn khó khăn nhưng cơ hội không phải là không có. Với xu thế cũng như những dịch chuyển tích cực như hiện nay, có thể chắc chắn rằng trong 3 tháng cuối năm, các hoạt động của nền kinh tế sẽ sôi động. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề chúng ta cần quan tâm hơn như mức độ đóng góp, mức độ tăng trưởng, các giá trị tạo ra đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. 

Do vậy, trong 3 tháng cuối năm 2023, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy đầu tư công; cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng, có tác động lớn đến tăng trưởng GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III tăng so với cùng kỳ là tín hiệu khá tốt và có thể sẽ giữ được trong quý IV; tiếp nữa là về tiêu dùng trong nước được  kỳ vọng tiêu dùng cuối năm sẽ lên cao hơn so với các quý trước.

Với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore;  Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam… Tọa đàm đã nhận được những những kiến nghị, khuyến nghị, đề xuất hết sức sâu sát, có tính thực tiễn và khả thi cao. Những ý kiến này sẽ là những đóng góp thiết thực đối với Chính phủ, các cơ quan chức năng trong quá trình bổ sung, hoàn thiện, xây dựng, hoạch định chính, đề ra giải pháp đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới./.

Tag:

File đính kèm