(MPI) - Tại Hội thảo chuyên đề về chuyên đề Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước diễn ra ngày 18/10/2023, đại diện các bộ ngành, địa phương đã có những bài trình bày tham luận về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế; Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, các “nút thắt” trong phát triển từ góc nhìn kiểm toán; Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế; Những vướng mắc về cơ chế chính sách trong quản lý, phát triển khu kinh tế, cụm công nghiệp tại địa phương.
|
Ông Đỗ Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu. Ảnh: MPI |
Trình bày tham luận về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), ông Đỗ Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua quá trình hình thành và phát triển, đến cuối năm 2022 đã thành lập được hệ thống KCN, KKT trên địa bàn 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc phát triển KCN, KKT đã thực sự là động lực tăng trưởng kinh tế và nhân tố thúc đẩy phát triển xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung nhưng cũng có một số vấn đề cần đặt ra; thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế KCN, KKT là mô hình thuận lợi để thu hút vốn đầu tư và thực tế thời gian qua đã phát huy được các thế mạnh này; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn; góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường và thực hiện định hướng tăng trưởng xanh; góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng.
Theo ông Đỗ Thành Quân, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN, KKT còn phải đối mặt với một số thách thức như thể chế, chính sách về KCN, KKT chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các khu trong phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu; loại hình phát triển của các KCN, KKT chậm được đổi mới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết, hợp tác trong KCN, KKT, giữa các khu với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế;…
Về những giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển KCN, KKT, ông Đỗ Thành Quân cho rằng, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan Nhà nước, các cấp trong phát triển KCN, KKT về vai trò, vị trí của KCN, KKT trong quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế của đất nước; tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban quản lý KCN, KKT là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với thủ tục hành chính đơn giản; xây dựng và triển khai chính sách phát triển KCN, KKT.
Đồng thời, xây dựng Luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng...; các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi; quy định đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững về kinh tế - môi trường - xã hội... phù hợp với đặc thù của từng mô hình, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với khu vực khác.
Đổi mới mô hình KCN, KKT hiện tại và phát triển một số mô hình KCN, KKT mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn; lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai, trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển; dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...; phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng.
Nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT; phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; đảm bảo bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT; thu hút đầu tư có chọn lọc vào KCN, KKT. Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp về tăng cường giám sát bảo vệ môi trường, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN, KKT và đảm bảo công tác an sinh xã hội, đời sống người lao động trong KCN, KKT.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay, tỉnh đã thành lập 29 KCN với tổng diện tích quy hoạch trên 12.662 ha, 28 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 11.962,81 ha và 10 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích 648,29 ha. Các khu và cụm công nghiệp nêu trên đã góp phần rất lớn vào kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội ấn tượng của tỉnh Bình Dương thời gian qua.
Đồng thời nhấn mạnh, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển và sức cạnh tranh của các KCN, KKT góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được đề ra, việc xây dựng Luật khu công nghiệp, Luật cụm công nghiệp là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện thể chế và pháp luật có liên quan đến KCN, cụm công nghiệp, tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo tham luận từ Kiểm toán nhà nước về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, các “nút thắt” trong phát triển từ góc nhìn kiểm toán, KKT, KCN đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô diện tích và vốn đầu tư trên phạm vi cả nước. Cùng với đó là những đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng.
Tuy vậy, quá trình xây dựng và phát triển mô hình KKT, KCN đã bộc lộ những tồn tại nhất định, tạo ra các “nút thắt” hạn chế sự phát triển của các KKT, KCN. Thông qua hoạt động kiểm toán, các đánh giá, phát hiện trong quá trình kiểm toán đã phân tích, làm rõ hơn các bất cập, hạn chế này và các ảnh hưởng tới sự phát triển của các KKT, KCN, đồng thời chỉ ra các “nút thắt” cần tháo gỡ để phát huy hết hiệu quả, vai trò của các KKT, KCN trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương đã tập trung đánh giá thực trạng phát triển các KCN, KKT, trong đó nhấn mạnh đến những kết quả đạt được và những khó khăn, rào cản hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt là cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KKT, KCN./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư