Sign In

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn đầu tư xã hội

17:28 23/10/2023

(MPI) - Chiều ngày 23/10/2023, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn, triển khai Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn 2,87 triệu tỷ đồng và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ. Tổng kế hoạch đầu tư công hằng năm (từ năm 2021 đến năm 2023) được Quốc hội quyết nghị đạt 59% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy cơ cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP tăng, quy mô vốn đầu tư từ nguồn NSNN tăng qua các năm.

Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung, và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện. Đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình 02 năm 2021 và 2022 đạt 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trong 09 tháng đầu năm 2023 giải ngân đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn 110 nghìn tỷ đồng.

Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Thể chế về đầu tư công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới, Quốc hội đã ban hành Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung 09 Luật; Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; 09 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 09 địa phương nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII “ưu tiên cho liên kết và phát triển vùng, ưu tiên tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm”; chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 “xây dựng cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách đặc thù đối với một số địa phương có điều kiện, đặc biệt là các đô thị lớn nhằm huy động các nguồn thu, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”. Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các Nghị định hướng dẫn về hoạt động đầu tư công, tiếp tục triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực.

Năng lực hầu hết của các ngành sản xuất, dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được nâng lên, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, công tác theo dõi, giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư công.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công trong một số trường hợp còn chậm, gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện.

Việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tuy đã có bước cải thiện nhưng vẫn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn. Việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm cho các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nơi còn chậm và thực hiện nhiều lần trong năm.

Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại một số nơi, một số thời điểm còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao. Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai; Chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng, dẫn tới phải điều chỉnh đơn giá, dự toán làm thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án…

Về giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực NSNN bố trí kế hoạch năm 2024, 2025 đáp ứng nhu cầu còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 làm căn cứ để triển khai kế hoạch đầu tư hằng năm.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Nâng cao vai trò của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành gắn với kiểm soát quyền lực nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung./.

Tag:

File đính kèm