Phát biểu tại Hội thảo, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp cho biết, việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (CLSPHH) là hết sức quan trọng và cần thiết. Do vậy, việc tổ chức Hội thảo để các đơn vị chuyên môn trong Tổng cục TĐC có thể chia sẻ, góp ý sửa đổi và bổ sung Luật.
Qua 15 năm triển khai pháp luật về quản lý CLSPHH, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc trong thực tiễn cũng như chưa đáp ứng nhu cầu thay đổi, hội nhập quốc tế trong thời kỳ hội nhập, tự do hóa thương mại và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy cho biết, hiện nay có 5 nhóm chính sách, gồm: Đổi mới việc xác định sản phẩm hàng hóa nhóm 2 và hoạt động kiểm tra CLSPHH; Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế và phù hợp thông lệ quốc tế; Tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm soát viên chất lượng; Tăng cường tính hiệu quả hoạt động quản lý CLSPHH, phân công, phân cấp quản lý để phù hợp tình hình thực tế hiện nay.
Hội thảo chuyên môn diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tuy nhiên, các nhóm chính sách trên vẫn còn nhiều bất cập. Theo bà Hương, nhóm chính sách thứ nhất về xác định sản phẩm hàng hóa nhóm 2 còn hạn chế trong ban hành danh mục, không rõ cơ sở khoa học, cần chuyển từ nhóm 2 sang nhóm 1.
Bên cạnh đó, trong việc kiểm tra CLSPHH còn nhiều bất cập như công tác quản lý sản phẩm hàng hóa giao cho nhiều bộ, ngành; việc kiểm tra CLSPHH trong sản xuất, lưu thông còn có khó khăn; việc kiểm tra chất lượng của một số bộ, ngành chưa theo quy định Luật CLSPHH; một số bộ, ngành chưa triển khai đồng bộ, thống nhất toàn bộ thủ tục hành chính kiểm tra chất lượng trên cơ chế một cửa quốc gia; một số quy định của Luật CLSPHH chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong hoạt động kiểm tra.
Về nhóm chính sách thứ hai, ứng dụng công nghệ gặp bất cập trong việc mã số mã vạch chỉ là một trong nhiều công cụ để quản lý CLSPHH và ghi nhãn điện tử; nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Thái Lan...) cũng ứng dụng công nghệ, trong đó mã số mã vạch để quản lý chất lượng và ghi nhãn điện tử. Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử.
Nhóm chính sách thứ ba bất cập trong hoạt động đánh giá sự phù hợp, chồng chéo về quản lý chất lượng; chưa có cơ chế thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các bộ, ngành; chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp tại nước ngoài; chưa có quy định cách xử lý, xác định thử nghiệm trọng tài; kiểm chứng; chưa quy định quản lý hoạt động đào tạo đánh giá sự phù hợp...
Đối với nhóm chính sách thứ tư, bố trí vị trí việc làm, chuyển xếp lương còn nhiều vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể; đội ngũ công chức kiểm soát viên chất lượng còn mỏng, hằng năm số lượng không được tăng thêm do chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ...
Về nhóm chính sách thứ năm, tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý CLSPHH, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước; về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; về công tác thi hành Luật CLSPHH tại bộ, ngành và địa phương; một số văn bản quy phạm pháp luật có các quy định không thống nhất: thủ tục thông quan, cán bộ hành chính; xử phạt vi phạm hành chính; phí và lệ phí; thanh kiểm tra; quản lý chất lượng hàng hóa trong kinh doanh thương mại điện tử.