Theo thống kê của Liên hợp quốc, lao động trong độ tuổi thanh niên (từ 15 đến 24) chiếm khoảng 16% lao động toàn cầu. Sự tham gia tích cực của lực lượng này giúp xã hội phát triển, bảo đảm tính bao trùm, ổn định và bền vững, giảm bớt những khó khăn, thách thức từ sự tác động của biến đổi khí hậu, thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng giới, xung đột, di cư…
Tại phiên họp toàn thể ngày 18/12/2014, Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/7 hàng năm là Ngày kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day - WYSD), tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của việc trang bị cho thanh niên các kỹ năng để có việc làm, công việc tử tế và tinh thần khởi nghiệp. Năm nay, chủ đề nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong nỗ lực xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương phát động Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 2024
Hưởng ứng Ngày kỹ năng thanh niên thế giới 2024, với tinh thần “Cải thiện quốc gia bằng sức mạnh của kỹ năng nghề”, Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức tọa đàm tập trung vào các vấn đề về thực trạng, định hướng và các giải pháp nhằm thúc đẩy nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, tạo điều kiện về giáo dục, đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên, thanh niên.
Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) nêu rõ năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Năm 2022, mỗi lao động Việt tạo ra 188 triệu đồng, chỉ bằng 11,4% của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; 79% của Indonesia.
Một trong các nguyên nhân được đưa ra là trình độ, kỹ năng của người lao động, hiện trạng chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Theo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, đến quý II/2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,1%. Cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo, trong khi mục tiêu của Chính phủ qua Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 là tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Nhiều ngành nghề lĩnh vực vẫn chưa có bộ công cụ đo lường hay hệ thống khảo sát, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.
Phát biểu tại lễ phát động, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, công tác thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên là một trọng tâm cần tập trung thực hiện. Trong đó, sẽ dựa trên 4 "nhà": Nhà doanh nghiệp với vai trò là "người đặt hàng"; Nhà nước với vai trò là nhà quản lý; Nhà trường là nguồn cung cấp nhân lực, với vai trò là động lực phát triển nguồn nhân lực; và Nhà báo mang vai trò lan tỏa, truyền thông thông điệp, ý nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương khẳng định, sẽ không thể có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển nếu không có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp. “Tại sao năng suất lao động của Việt Nam chưa được đánh giá cao dù có một đội ngũ lao động thông minh, năng động, cần cù, chịu khó?”, bà Hương đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh việc cần tập trung cải thiện vấn đề kỹ năng lao động, đặc biệt là đội ngũ nòng cốt là thanh niên.
Kỹ năng nghề phải dựa trên kỹ năng an toàn. Nghĩa là không phải làm nhanh, mà là làm đúng, làm an toàn, đó mới là kỹ năng quan trọng nhất.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Sơn, chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ chia sẻ nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là trình độ học vấn bậc đại học, mà còn cả lực lượng trực tiếp lao động, sản xuất. Mỗi người lao động là một hạt nhân của sự phát triển, một người lao động tăng kỹ năng nghề, tăng thu nhập, mang tiền về nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, và mỗi gia đình phát triển là xã hội phát triển.
Nhấn mạnh yếu tố an toàn trong lao động, ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Tai nạn lao động cướp đi 2,9 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới, con số kinh khủng hơn cả chiến tranh. Như vậy, để hiểu kỹ năng nghề phải dựa trên kỹ năng an toàn - kỹ năng quan trọng nhất. Nghĩa là không phải làm nhanh, mà là làm đúng, làm an toàn. Đối với thanh niên, ngoài hai yếu tố là sức khỏe và tri thức thông qua học hành, bồi dưỡng thì còn cần coi trọng tầm quan trọng của việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, cái tâm làm nghề.