Cả nước có 52,5 triệu người tham gia lực lượng lao động, tăng 148.600 người so với quý I. Trong quý II, cả nước có 51,4 triệu người có việc làm, thu nhập. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,6%; số người qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 28,1%, cho thấy chất lượng nguồn lao động dần được nâng cao.
Tuy nhiên, cả nước có 1,08 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi (2,29%), tăng 24.200 người so với quý trước. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,71% thì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên lên tới 8,01%. Điều này cho thấy, lao động trẻ gặp khó khăn khi tìm việc làm trên thị trường lao động vì những lý do khác nhau.
Những nhóm ngành tăng số lao động làm việc là: Xây dựng; giáo dục và đào tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ bán trú và ăn uống... Tuy nhiên, 5 nhóm ngành giảm nhiều lao động, dẫn đầu là: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe; hoạt động tài chính và dịch vụ hỗ trợ; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương 6 tháng đầu năm là 8,4 triệu đồng/tháng, tăng 567.000 đồng so với cùng kỳ. Thu nhập của lao động nam 8,9 triệu đồng/tháng, trong khi đó lao động nữ thấp hơn, đạt 7,8 triệu đồng/tháng.
Hình ảnh Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý II năm 2024
Về phát triển thị trường lao động nước ngoài được đẩy mạnh, công tác tuyển chọn, đào tạo lao động được quản lý chặt chẽ hơn; hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật được chú trọng. Trong quý II, 42.707 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản được nhiều người lựa chọn đến làm việc, với tỷ lệ lần lượt là 42,3% và 40,3%; tiếp đến là Hàn Quốc 11,4% và các thị trường khác.
Cũng theo Bản tin thị trường lao động quý II, xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) cũng có sự thay đổi so với quý trước. Các DN yêu cầu trình độ từ đại học trở lên chiếm 50,3%; cao đẳng, trung cấp chiếm 35,7%; sơ cấp, không yêu cầu có chuyên môn kỹ thuật là 14%. Các DN đăng tuyển dụng lao động vị trí nhân viên chiếm 65,5%, quản lý bậc trung 14,7%, quản lý bậc cao 12,7% và 7,1% việc làm tạm thời.
Trong khi đó, người đi tìm việc có trình độ đại học trở lên chiếm 45,9%; cao đẳng, trung cấp chiếm 20,2%; không có bằng cấp/chứng chỉ 33,9%. Người lao động muốn ứng tuyển vào vị trí nhân viên chiếm 50%, gần tương đương với tỷ lệ tuyển dụng nhân viên của DN (65,5%). Tuy nhiên, các vị trí việc làm khác lại chênh quá nhiều so với nhu cầu của tuyển dụng của DN, đó là vị trí quản lý bậc trung 30,1%, quản lý bậc cao 4,1%, làm việc tạm thời 15,9%; dẫn đến không ít người lao động khó tìm được việc làm như mong muốn của bản thân.
Theo dự báo, quý III, cả nước có khoảng 51,57 triệu người lao động có việc làm, tăng 127.000 người so với quý II. Những ngành có nhu cầu tăng lao động là: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 3,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 3,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 3,1%. 3 ngành được dự báo giảm việc làm là: Sản xuất thiết bị điện; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Nhằm giúp nhiều doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự và người lao động tìm được việc làm phù hợp, trong tháng 9, Bộ LĐTBXH tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động; đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng kết nối cung - cầu lao động, chú trọng tạo việc làm mới và đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.