Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã chỉ ra tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Vùng nông thôn sẽ là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số. Định hướng của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số nông nghiệp đó là: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng hệ thống dữ liệu lớn; Thúc đẩy phát triển nông dân số; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; Tự động hóa quy trình sản xuất; Giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; Phát triển thương mại điện tử trong ngành nông nghiệp; Chuyển đổi số trong quản lý, điều hành.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, những nút thắt cần giải quyết có thể kể đến như Nhận thức, thể chế CĐS trong quản lý, điều hành, ứng dụng số chưa toàn diện; Chưa xây dựng được Kiến trúc dữ liệu Ngành Nông nghiệp; Chưa xây dựng được CSDL lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng; Hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán; Nguồn lực đầu tư manh mún.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Ái Hữu – người sáng lập công ty WorldSoft đã giới thiệu về Mạng Nhà Nông - môi trường số và tích hợp hệ thống công cụ giúp các HTX, nông dân, trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp quản trị hiệu quả, nắm bắt kiến thức khoa học kịp thời, tối ưu nguồn nguyên liệu đầu vào, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Mạng Nhà Nông là sản phẩm phối hợp giữa Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam và công ty WorldSoft, được ra mắt tại Cần Thơ ngày 21/10/2023
Nền tảng Mạng nhà nông có đầy đủ tính năng của một “mạng xã hội”, tích hợp công cụ lập kế hoạch như: dự kiến sản lượng, dịch vụ, nhật ký công việc, kết nối các tổ chức tín dụng, dự kiến giá bán/tỷ suất % lợi nhuận, dự kiến tất cả chi phí đầu vào. Đồng thời là kênh thông tin nông sản phù hợp với xu thế tiêu dùng, dễ dàng kết nối với các thiết bị nông nghiệp thông minh IoT.
Ông Nguyễn Kim Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã chỉ ra những vấn đề về an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước. Những tồn tại, hạn chế như nhận thức về an toàn, an ninh mạng chưa đầy đủ; việc triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về an toàn, an ninh mạng chưa kịp thời; việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành quy định, quy chế sử dụng mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng Internet chưa đầy đủ, chưa cập nhật.
Nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an toàn thông tin trong thời gian tới là: Triển khai Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Biện pháp bảo vệ an ninh mạng; Triển khai và duy trì công tác an toàn, an ninh mạng đồng bộ theo mô hình “4 lớp”, gồm: (1) Kiện toàn lực lượng tại chỗ; (2) Lựa chọn tối thiểu một tổ chức, doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; (3) Định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá độc lập; (4) Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia. Kiểm tra tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng; Diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng; Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng; Bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, Ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã nhấn mạnh: Chuyển đổi số là thay đổi phương thức làm dựa trên công nghệ số và dữ liệu. Với hiện trạng của dữ liệu ngành nông nghiệp, việc chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu là hết sức quan trọng. Trong khuôn khổ nội dung Hội nghị, ông Đặng Duy Hiển đã trình bày Kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và PTNT và Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Bà Chu Diễm Hằng, Trưởng Phòng Chuyển đổi số và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã chỉ ra các giải pháp chuyển đổi số trong ngành NN&PTN, đó là: Cảm biến và mạng lưới Internet vạn vật (IoT); Hệ thống quản lý nông trại thông minh; Trí tuệ nhân tạo (AI); Chuỗi khối (Blockchain); Truyền thông và thương mại điện tử; Robot và tự động hóa; Mạng lưới quản lý nông nghiệp thông minh; Học máy trong phân tích dữ liệu nông nghiệp; Đào tạo và giáo dục; Đối tác và cộng đồng; Định hướng dài hạn.
Bà Chu Diễm Hằng khẳng định: Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là một quá trình liên tục và cần có một định hướng dài hạn. Việc xác định mục tiêu và kế hoạch chiến lược sẽ giúp định rõ hướng đi và cam kết của ngành nông nghiệp với việc sử dụng công nghệ và các giải pháp số hóa. Đồng thời, định hướng dài hạn cũng cần đảm bảo tính bền vững và tạo ra giá trị cho cả người nông dân và môi trường.