Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An; các đồng chí báo cáo viên đến từ Ban Đối ngoại Trung ương và Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao); đại diện lãnh đạo và công chức, viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
|
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu chỉ đạo Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh: Đối ngoại đa phương là bộ phận rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện tinh thần “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Để triển khai hiệu quả, thực chất đường lối đối ngoại, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó xác định: "Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc", phấn đấu đóng vai trò "nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể".
Triển khai, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 29/3/2021, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã ban hành Đề án số 01-ĐA/BCSĐ về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Bộ Nội vụ đến năm 2030 và các Chương trình hành động thực hiện Đề án và Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án theo từng năm. Theo đó, liên tục trong các năm qua, Bộ Nội vụ đã tích cực tham gia cơ chế đa phương qua việc tổ chức thành công các Hội nghị quốc tế cả bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, điển hình là Hội nghị cấp Bộ trưởng hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM 21) năm 2022; tăng cường năng lực hội nhập và phát triển đối ngoại đa phương thông qua việc tổ chức các lớp bồi dưỡng về kỹ năng ngoại ngữ và hội nhập quốc tế; tham gia tích cực vào việc đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân và hàng năm tổ chức hội thảo tập huấn và tuyên truyền phổ biến các thông tin về đối ngoại đa phương.
Thứ trưởng khẳng định, qua Hội thảo lần này, các đại biểu sẽ cùng nghiên cứu kỹ, lĩnh hội và thấm nhuần hơn các quan điểm và định hướng của Đảng về công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại đa phương nói riêng theo tinh thần “Tăng cường đối ngoại đa phương góp phần phát triển nền ngoại giao đậm bản sắc cây tre Việt Nam”; cùng cập nhật tình hình thực hiện công tác đối ngoại đa phương của nước ta trong thời gian qua và các hoạt động trọng điểm trong thời gian tới. Từ đó, trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện công tác đối ngoại đa phương thời gian qua và năm 2024 của Bộ Nội vụ, chỉ ra những khó khăn, hạn chế và đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, đề xuất một số định hướng cho việc tăng cường công tác đối ngoại đa phương của Bộ Nội vụ giai đoạn 2022-2025, trong đó tập trung tăng cường thống nhất nhận thức và đồng thuận giữa các cấp lãnh đạo, giữa các đơn vị về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương trong hội nhập quốc tế; chú trọng đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp trong Bộ và liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương nói riêng; việc chuẩn bị kỹ lưỡng các quyết sách, kế hoạch, lộ trình và bước đi cụ thể đảm bảo sự chủ động, nhất là trong việc đề xuất các sáng kiến, giải pháp xử lý các vấn đề đối ngoại phức tạp nảy sinh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Nội vụ nói chung và đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp làm công tác hợp tác quốc tế của Bộ Nội vụ nói riêng phù hợp với chuyển biến của tình hình và đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
|
Quang cảnh Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày về: (1) Hoạt động đa phương của đối ngoại Đảng và các định hướng lớn về đối ngoại thời gian tới; (2) Ngoại giao cây tre - Nội hàm và thực tiễn triển khai đối ngoại đa phương./.
Nguyễn Hợp - Hoài Nga