Sign In

Làm gì để cán bộ dám nhận việc khó?

06:17 07/04/2023
Làm gì để cán bộ dám nhận việc khó đang là câu hỏi khá hóc búa, nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng. Trong số báo hôm nay, chúng tôi trân trọng giới thiệu những hiến kế của người dân về nội dung này:

Thương binh NGUYỄN TẤN TỚI, 70 tuổi, cán bộ hưu trí ở xã Long Hiệp, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi:

Phải đặc biệt trọng dụng người dám làm việc khó

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi...”. Bác cũng dặn, trong đánh giá, lựa chọn cán bộ phải trọng dụng cán bộ năng động, sáng tạo; phải hết sức tạo điều kiện cho cán bộ đột phá, đổi mới, dám nghĩ ra việc khó và hoàn thành việc khó vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bác dặn là vậy, nhưng hiện nay chúng ta chưa có những tiêu chí, tiêu chuẩn mang tính đặc thù, đặc cách trong việc đánh giá, sử dụng cán bộ dám làm việc khó và làm việc khó mang đến thành công. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ rất tài năng, dám nghĩ, dám làm việc khó nhưng chưa được các cấp quan tâm thỏa đáng, nhất là việc kịp thời cân nhắc, đề bạt vị trí công tác tương xứng. Thậm chí, có những cán bộ giàu thành tích, làm được nhiều việc khó, đạt nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý nhưng cương vị công tác thì vẫn không hề thay đổi qua nhiều năm nên sinh ra chán nản, ngại nỗ lực làm việc khó vì lợi ích chung.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: xaydungdang.org.vn 

Tôi kiến nghị, bất kỳ ai dám làm việc khó, thành công khi làm việc khó thì tổ chức phải ghi nhận, tuyên dương, tưởng thưởng thích đáng về lợi ích kinh tế; đồng thời phải kịp thời cân nhắc, bổ nhiệm ở vị trí công tác tương xứng để họ có thêm động lực cống hiến. Đó cũng là giải pháp tạo sức lan tỏa sâu rộng về tinh thần dấn thân, cống hiến của cán bộ, đảng viên.

---------------------------------------------------------------

Ông TRỊNH HỮU TRÀ, 65 tuổi, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội:

Không làm được việc khó thì không thể hoàn thành nhiệm vụ

Tôi mong cơ quan chức năng sớm xác định thêm những tiêu chí cao hơn khi đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, từ trước đến giờ, chúng ta vẫn thường đánh giá cán bộ thông qua các tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ khá chung chung, nặng định tính, thiếu định lượng; thậm chí, các tiêu chí chỉ nhàng nhàng, rất dễ đạt được mà không cần phải nỗ lực, phấn đấu nhiều. Thành thử “đến hẹn lại lên”, vào dịp cuối năm, phần lớn cán bộ đều được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ một cách rất dễ dàng, theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương".

Không khó để thấy nhiều cán bộ có nhận thức rằng: Lương của từng cán bộ đã được định sẵn hệ số nên không thể bắt ép ai đó phải nỗ lực đột phá, hay làm việc khó một cách bất thường. Nhiều người lại ngụy biện: Không làm việc khó thì chẳng “cháy nhà, chết người” gì, nhưng chọn việc khó để làm thì có khi dẫn đến thất bại, tự hại mình và cơ quan, đơn vị. Do đó, rất nhiều cán bộ, công chức cứ mặc nhiên “việc cũ ta làm”; chẳng việc gì phải băn khoăn, trăn trở; miễn sao đến cuối năm, cơ quan được cấp trên đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi đề xuất, cán bộ chỉ được đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ khi và chỉ khi họ cáng đáng tốt cương vị, chức trách công tác, đồng thời phải dám chọn việc khó, làm việc khó và hoàn thành một vài việc khó cụ thể nào đó, được tổ chức ghi nhận. Có vậy thì mới kích hoạt đội ngũ cán bộ làm việc một cách năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung.

---------------------------------------------------------------------

Đảng viên NGUYỄN HỮU QUÝ, 77 tuổi, cán bộ hưu trí ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận:

Sớm tinh giản cán bộ không làm được việc khó

Trong khi toàn Đảng, hệ thống chính trị đang quyết liệt thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, đưa ra hàng loạt tiêu chí làm căn cứ để thải loại, tinh giản cán bộ, công chức thì rất cần bổ sung thêm tiêu chí: Kiên quyết tinh giản đối với cán bộ, công chức không dám nhận việc khó và không làm được việc khó.

Sở dĩ như vậy là bởi, bộ máy cầm quyền càng hướng đến việc gọn nhẹ thì bắt buộc con người hoạt động bên trong ấy phải “tinh”, thế mới bảo đảm được sự “tinh, gọn, mạnh”. Tinh ở đây tức là sự tài năng, trình độ hơn người; không chỉ có phẩm chất mà còn có khả năng phát hiện, giải quyết những việc khó một cách mau lẹ, hiệu quả.

Bởi thế, nếu cứ cố tình giữ lại những vị trí cán bộ, công chức mà trình độ, năng lực yếu, sợ làm việc khó, không đủ khả năng hoàn thành việc khó, làm việc như thể “ăn bám” vào biên chế nhà nước để sáng tới, chiều về, đến tháng lĩnh lương thì bộ máy cầm quyền ấy chỉ càng thêm cồng kềnh, rối rắm, hoạt động trì trệ, kém chất lượng.

Tag:

File đính kèm