(Bqp.vn) - Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã có những phát triển mạnh mẽ, ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Nổi lên trong đó là ChatGPT - một ứng dụng vừa mới ra đời cuối năm 2022 nhưng đã thu hút hàng trăm triệu người dùng trên toàn thế giới. Trí tuệ nhân tạo vừa mang lại cơ hội, nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức mới trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Nhằm chủ động ngăn chặn các hành vi lợi dụng ChatGPT để gia tăng hoạt động chống phá cách mạng nước ta, cần kết hợp tổng thể nhiều giải pháp, trong đó việc tạo ra “thế trận” thông tin chủ động, kịp thời, chính xác và đủ lớn để chế áp những thông tin xấu độc, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội và thách thức
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - viết tắt là AI) là “trí tuệ” do con người lập trình tạo nên nhằm mục đích giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh giống như con người, như: hiểu ngôn ngữ, biết giao tiếp, biết học, tự thích nghi, thậm chí biết suy nghĩ, tính toán và lập luận để giải quyết vấn đề,… Thời gian gần đây, trí tuệ nhân tạo đang có sự phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều giá trị to lớn, được ứng dụng sâu, rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến mọi thành phần, mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, ChatGPT - một ứng dụng trí tuệ nhân tạo vừa mới ra mắt cuối năm 2022 nhưng đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo người dùng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, do có tính mở, không bị giới hạn bởi vị trí địa lý, thông tin đa dạng và chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, trí tuệ nhân tạo nói chung, ChatGPT nói riêng đã và đang thách thức trực tiếp trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Các thế lực thù địch có thể lợi dụng trí tuệ nhân tạo như là một công cụ, phương tiện để thực hiện mưu đồ chống phá cách mạng nước ta, với nhiều cách thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thẩm thấu, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước thách thức của trí tuệ nhân tạo, nhất là ứng dụng ChatGPT trên không gian mạng là vấn đề hết sức quan trọng, cần được quan tâm nghiên cứu.
Để gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; chống phá mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, thậm chí đưa ra góc nhìn sai lệch về những thành tựu to lớn mà Nhân dân ta đã giành được qua các thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng,... các thế lực thù địch đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn, cách thức tấn công. Chúng “giả mác-xít”, “giả khoa học”, “giả trung lập”, “phi chính trị”… để tuyên truyền, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội. Chúng luôn tìm mọi cách để phủ nhận những thành tựu to lớn của Nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng; lợi dụng, cường điệu hóa một số hạn chế, khuyết điểm của Đảng và hệ thống chính trị; lợi dụng việc một số cán bộ cao cấp thiếu gương mẫu, vi phạm đạo đức, lối sống, tham nhũng bị xử lý, kỷ luật,… để quy chụp rằng việc Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng chính là nguyên nhân gốc rễ của những hạn chế, khiếm khuyết đó. Từ đó, chúng cổ xúy, tâng bốc cho các mô hình “dân chủ tư sản”, “xã hội dân chủ”, “tam quyền phân lập”, “đa nguyên, đa đảng”,…; đồng thời, tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc lý lịch, đời tư, thân thế sự nghiệp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội nhằm phủ nhận sự cống hiến, phủ nhận hệ tư tưởng mác-xít và vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng mượn danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”, “bảo vệ môi trường”,… để đưa ra quan điểm, bình luận xuyên tạc nhằm hạ uy tín, giảm niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội. Chúng còn triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị - xã hội “nhạy cảm” như việc khiếu kiện đất đai, việc xét xử các đối tượng chống phá chính quyền, vi phạm pháp luật; dùng vật chất lôi kéo, kích động người dân tập trung đông người, biểu tình, gây rối làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, mạo danh tôn giáo, tín ngưỡng để xúi giục, kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các tôn giáo hoạt động bất hợp pháp, các tổ chức đòi ly khai, thành lập “nhà nước tự trị”,… Ngoài ra, các thế lực thù địch còn muốn đẩy nhanh, lan rộng quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ,… để trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng từ bên trong, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chiến lược, mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Về hình thức, các thế lực thù địch, phản động triệt để tận dụng các phương tiện truyền thông trên không gian mạng, trong đó chủ yếu thông qua các nền tảng trực tuyến, như mạng xã hội, báo, tạp chí điện tử, website, blog tiếng Việt… có máy chủ đặt tại nước ngoài, để tuyên truyền, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, trong đó có người dùng Internet ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (9/2022), nước ta có 72,1 triệu người sử dụng Internet, chiếm 73,2% dân số. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet đứng thứ 12 trên toàn thế giới, với khoảng 94% thường xuyên sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, YouTube, Instagram. Theo khảo sát của Tập đoàn công nghệ Google (5/2021), mỗi ngày người Việt dành trung bình 70 phút xem YouTube; hằng tháng có khoảng 25 triệu người theo dõi YouTube trên ti vi kết nối mạng Internet, cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (con số này tại Nhật Bản và Ấn Độ là 20 triệu, Australia là 8 triệu). Đối với ứng dụng ChatGPT, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng người dùng tại Việt Nam, nhưng theo thống kê của nhà phát hành, chỉ sau 2 tháng ra mắt (30/11/2022 - 31/01/2023), ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng trên toàn cầu, với khoảng 25 triệu người sử dụng ChatGPT mỗi ngày. So với các nền tảng trực tuyến khác, ChatGPT thu hút được đông đảo người dùng nhất trong khoảng thời gian ngắn (TikTok đạt 100 triệu người dùng trong 9 tháng, Instagram mất 2,5 năm và Google Traslate mất đến 6,5 năm).
ChatGPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Với khả năng hiểu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên của con người, ChatGPT có thể nhanh chóng giúp tìm kiếm thông tin liên quan đến một chủ đề cụ thể, phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau và tạo ra các câu trả lời tự động cho các câu hỏi từ người dùng. Do đó, về mặt tích cực, có thể tận dụng lợi thế do ChatGPT mang lại để tự động tuyên truyền một cách chủ động lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc… đến mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, việc khai thác lợi thế từ ứng dụng ChatGPT không chỉ hỗ trợ tích cực trong việc tự động hoá sản xuất, cung cấp nội dung thông tin tích cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường tương tác với độc giả thông qua mạng xã hội, email..., mà còn có thể giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách tự động trả lời chính xác các câu hỏi và giải đáp vướng mắc của độc giả một cách nhanh chóng, chính xác.
Tương tự như các mô hình trí tuệ nhân tạo khác, ChatGPT là một ứng dụng có khả năng tự tạo ra các câu trả lời và văn bản dựa trên những thông tin, dữ liệu đã được “huấn luyện” từ trước đó. Tuy nhiên, do không có khả năng tự kiểm chứng tính chính xác của thông tin mà nó cung cấp, ChatGPT chủ yếu dựa vào tốc độ xử lý nhanh do nhà phát triển “lập trình” trên hạ tầng phần cứng mạnh, kết hợp với việc sử dụng kho dữ liệu khổng lồ sẵn có trên không gian mạng làm dữ liệu huấn luyện. Lợi dụng đặc điểm này, các thế lực thù địch luôn tìm cách đưa lên không gian mạng những vấn đề mặt trái của xã hội, khuếch đại những thông tin tiêu cực, phát tán những thông tin không chính thống, chưa rõ ràng để dẫn dắt, hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực. Cùng với đó, chúng còn tổ chức xuất bản nhiều sản phẩm thông tin có nội dung xấu, độc; biên soạn tài liệu, video, hình ảnh lồng ghép nội dung thổi phồng, xuyên tạc, bóp méo sự thật, trong đó có nhiều sản phẩm thông tin xấu độc được xuất bản dưới dạng “tác phẩm văn học” tầm thường, giật gân, câu khách, nhằm thu hút độc giả hiếu kỳ, nhất là giới trẻ. Những dữ liệu xấu, độc này cũng sẽ trở thành một trong những nguồn dữ liệu huấn luyện cho ChatGPT. Vì khi những thông tin xấu độc, trái chiều đủ lớn, xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, sẽ gây nhiễu loạn các hệ thống trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT.
Cùng với đó, việc sử dụng ChatGPT cũng đặt ra các vấn đề về bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Thông qua ChatGPT, hacker có thể lợi dụng để tấn công, chiếm đoạt thông tin người dùng hoặc chính các công ty công nghệ sử dụng thông tin người dùng để kinh doanh, mua bán gây mất an toàn và ảnh hưởng tới người sử dụng. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc quá mức vào các ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn đến hậu quả người dùng ỉ lại, dẫn tới mất kiểm soát tình hình và suy giảm khả năng phân tích, suy luận để đưa ra quyết định chính xác.
Biến thách thức thành cơ hội
Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trước thách thức của trí tuệ nhân tạo, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung làm tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, làm hạt nhân lan tỏa đến mọi tầng lớp quần chúng, nhân dân. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần tập trung vào nâng cao nhận thức về tính khoa học, cách mạng, thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là một trong những giải pháp căn bản, quan trọng cần được tiến hành thường xuyên, bài bản, lâu dài ở tất cả các cấp, các ngành để mỗi cán bộ, đảng viên dù công tác ở cương vị nào cũng luôn đề cao trách nhiệm, chủ động tiếp nhận, làm giàu nguồn thông tin chính thống, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng từ bên trong và lan tỏa tinh thần đó đến quần chúng, nhân dân.
Cùng với việc giáo dục chính trị tư tưởng, cần tăng cường công tác đào tạo, tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ khoa học công nghệ cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, để tận dụng lợi thế do trí tuệ nhân tạo mang lại trong xử lý hiệu quả công việc.
Hai là, các cơ quan, đoàn thể, nhất là các đơn vị cơ sở cần tăng cường tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú đến tất cả cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào dấu hiệu nhận biết và cách thức phòng, chống âm mưu, thủ đoạn, hình thức đưa thông tin xuyên tạc, giả mạo, kích động trên không gian mạng nói chung, trên các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT nói riêng của các thế lục thù địch, phản động. Từ đó, giúp mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật khi viết bài, tương tác, bình luận, chia sẻ, chắt lọc, sử dụng thông tin trên các nền tảng trực tuyến.
Cùng với đó, các cấp, các ngành cần thường xuyên, chủ động nắm chắc tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời những vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tích cực vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo thành “thế trận lòng dân” vững chắc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ tự thân mỗi người dân Việt Nam.
Ba là, chủ động tạo ra “thế trận”, hình thành hệ sinh thái thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đủ lớn, chính xác, chính thống, kịp thời để chế áp hiệu quả những thông tin xấu độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Bởi vì, các hệ thống trí tuệ nhân tạo như ChatGPT có xu hướng tạo ra các câu trả lời tự động dựa trên nguồn thông tin, dữ liệu chiếm tỷ lệ lớn hơn. Do vậy, khi các thông tin chính xác, chính thống áp đảo trên không gian mạng, chúng sẽ tự động kết hợp với các hệ thống trí tuệ nhân tạo để tạo thành hệ thống “tuyên truyền chủ động” giúp công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng tốt hơn. Để làm tốt giải pháp này cần tăng cường phát huy vai trò trung tâm, định hướng của các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản trong việc cung cấp thông tin một cách chủ động, chính xác, kịp thời trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước. Đồng thời, các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản sẽ đóng vai trò trung tâm lan tỏa, khích lệ tinh thần đến mọi tầng lớp nhân dân để cùng tạo ra “thế trận thông tin” vững chắc, phản ánh đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, từ đó lấn át đi những luồng thông tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Bốn là, các cơ quan chức năng cần chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xây dựng phương án đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các website phản động; kiến nghị, can thiệp các nhà cung cấp bóc gỡ các thông tin, dữ liệu xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội; từ đó chủ động ngăn chặn các thông tin xấu độc, phản động lan truyền trên mạng Internet ngay từ khi chúng mới xuất hiện. Khi dữ liệu xấu độc không còn tồn tại trên Internet, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sẽ không bị gây nhiễu, không thể đưa ra những thông tin sai lệch. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, mức độ tin cậy của các hệ thống trí tuệ nhân tạo trước khi cấp phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; giám sát thường xuyên, liên tục, kịp thời can thiệp khi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hoạt động cung cấp thông tin trái với các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, chuẩn mực xã hội; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Thị Vui (2021): “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng - trách nhiệm không của riêng ai”, Cổng Thông tin điện tử Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
2. Cao Giang (2022): “Bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”, Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
Chu Minh Phương