Sign In

Cơ quan thuế ngăn chặn gian lận trong sử dụng hóa đơn

12:00 11/04/2023
Ngày 11/4/2023, Tổng cục Thuế ban hành Chỉ thị số 01/CT-TCT về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn. Chỉ thị được đưa ra trước tình trạng thời gian qua, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách, một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp để mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế của NSNN.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Thuế, vấn đề quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã và đang được ngành thuế, người nộp thuế và xã hội hết sức quan tâm. Ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu và tuân thủ quy định về hóa đơn, hóa đơn điện tử, tăng cường các giải pháp quản lý đồng bộ để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý HĐĐT, Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp tập hợp các hành vi vi phạm về hóa đơn được phát hiện qua công tác quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra thuế tại địa bàn, công tác điều tra của cơ quan Công an, qua các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua; tổ chức trao đổi, tổng kết kinh nghiệm giữa các phòng, bộ phận thanh tra, kiểm tra trong toàn Cục Thuế để bàn biện pháp xử lý thống nhất đối với những hành vi vi phạm mới, tinh vi, phức tạp để phổ biến trong đơn vị và trong toàn Ngành.

Đồng thời, tổ chức tháng cao điểm thực hiện phòng, chống mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế. Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế triển khai, giao nhiệm vụ phòng chống gian lận hoàn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, thực hiện rà soát, kiểm tra hóa đơn tới từng công chức, từng đội, từng phòng quản lý người nộp thuế và gắn với công tác thi đua, khen thưởng tại đơn vị.

Trên cơ sở bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các địa phương lập danh sách người nộp thuế (NNT) có dấu hiệu rủi ro, rà soát, đối chiếu với thực tế quản lý thuế tại địa phương, tập trung vào những NNT có rủi ro cao như: nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình ngành nghề kinh doanh, tăng đột biến về doanh thu, không có tài sản, sử dụng số lượng lớn hóa đơn,... để đưa vào danh sách NNT phải thực hiện giám sát trọng điểm. Trường hợp qua kiểm tra tại cơ quan Thuế mà NNT không giải trình, chứng minh được số thuế đã khai là đúng thì tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất tại trụ sở NNT theo chuyên đề chống gian lận về hóa đơn.

“Trong quá trình giám sát trọng điểm, thanh tra, kiểm tra, nếu xác định NNT không phát sinh vi phạm thì đưa ra khỏi danh sách giám sát trọng điểm. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan Công an để xử lý theo quy định, đồng thời thông báo đến cơ quan Thuế liên quan và nhập toàn bộ thông tin lên Ứng dụng xác minh hóa đơn theo quy định.”- Chỉ thị nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác rà soát hóa đơn, đánh giá rủi ro thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan Thuế; đánh giá rủi ro tổng thể thông qua các ứng dụng đang triển khai của ngành thuế, qua thực tiễn công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, tình hình kê khai, nộp thuế,... để xây dựng kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng bỏ sót các doanh nghiệp có rủi ro, doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm rủi ro cao theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán HĐĐT không hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng (facebook, website, zalo,...). Trên cơ sở đó, thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép HĐĐT tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của HĐĐT rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...). Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan Công an để xử lý theo quy định.

Trong quá trình rà soát, trường hợp phát hiện NNT có hành vi vi phạm về hóa đơn tại địa phương mình quản lý có giao dịch với NNT ở địa phương khác thì cơ quan Thuế có văn bản thông báo tới cơ quan Thuế quản lý NNT ở địa phương khác để kịp thời áp dụng các biện pháp quản lý thuế đối với NNT có dấu hiệu rủi ro mua bán hóa đơn để đồng bộ xử lý theo quy định, chống thất thu NSNN.

Bên cạnh việc tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm tra hoá đơn có dấu hiệu vi phạm, ngành Thuế sẽ tăng cường công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ quản lý thuế, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ của công chức toàn ngành thuế; tuyên truyền trong toàn ngành và người nộp thuế về các nội dung liên quan đến hoá đơn điện tử. Xử lý nghiêm các công chức thiếu trách nhiệm, lơ là, bỏ sót công việc; kéo dài việc xử lý để trục lợi; gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế hoặc tiếp tay cho người nộp thuế vi phạm các quy định trong công tác quản lý thuế….

HP

Tag:

File đính kèm