Sign In

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cần quy định chặt chẽ về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án bất động sản

18:43 19/06/2023
Chiều 19/6, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để tránh các vấn đề phát sinh gây thiệt hại cho người dân và chính quyền, chủ đầu tư cần nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Tiền sử dụng đất phải được nộp vào ngân sách

Góp ý về Luật Nhà ở, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị bỏ nội dung quy định tại khoản 3, Điều 8 của dự thảo luật về việc dành một tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Lý do là bởi nội dung này trái với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Đầu tư công, “tiền sử dụng đất phải được nộp vào ngân sách và bố trí chi theo dự toán được duyệt”, Bộ trưởng khẳng định.

Liên quan đến chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, dự thảo quy định việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật, trong đó có cả hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ trưởng đề nghị sửa lại điều 81, khoản 1 theo hướng có thể thực hiện chỉ định thầu hoặc đấu thầu, không nên để bị bó hẹp trong quyết định chủ quan của UBND cấp tỉnh.

Về bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Dự thảo quy định Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách để khai thác, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật do cơ quan chức năng nhận bàn giao theo quy định. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đối với các công trình như đường nội bộ, đường điện hay công trình hạ tầng kỹ thuật chủ yếu dùng chung thì có thể quy định như vậy, nhưng với những công trình như nước sạch, điện… thì không thực hiện được theo quy định này nên cần điều chỉnh. Bên cạnh dùng ngân sách thì cần có những khoản quy định người sử dụng phải nộp.

Liên quan đến một số quy định về tài chính, tại điều 66 về cơ chế ưu đãi cho cải tạo nhà chung cư, dự thảo quy định miễn tiền thuê đất và tiền sử dụng đất. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, nên quy định cụ thể chỉ miễn tiền sử dụng đất với phần đất xây dựng nhà chung cư cũ, còn đối với các phần khác trong cả khu đất theo quy hoạch thì không nên được miễn.

Còn với quy định vay vốn từ quỹ phát triển đất để thực hiện dự án cải tạo và xây dựng chung cư, theo Bộ trưởng, là không đúng quy định của Luật Đất đai, bởi Luật Đất đai quy định quỹ phát triển đất dùng để ứng vốn cho các tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức khác thực hiện giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất mới theo quy hoạch được duyệt, không thể lấy để xây dựng chung cư.

Về tài chính phát triển nhà ở, do có rất nhiều nguồn nên Bộ trưởng cho rằng cần rà soát lại toàn bộ nguồn vốn để thống nhất các luật khác, giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 19/6

Giá nhà ở xã hội phải do Nhà nước phê duyệt

Liên quan đến giá nhà ở xã hội tại Luật Nhà ở, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình góp ý có một số ý kiến cho rằng nhà ở xã hội do Nhà nước xây dựng phải được duyệt giá, còn nếu do tư nhân làm thì không phải duyệt giá. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cả hai loại nhà ở xã hội này đều cần được duyệt giá, bởi Nhà nước không thu tiền sử dụng đất với nhà ở xã hội, đối tượng được mua nhà ở xã hội là đối tượng yếu thế và có những điều kiện ràng buộc kèm theo.

Như vậy, không thể để doanh nghiệp tính tiền sử dụng đất vào giá bán, hưởng chênh lệch địa tô lớn. Muốn vậy, cần thiết phải phê duyệt giá để bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà, dù nhà do Nhà nước hay tư nhân xây dựng.

Góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), một vấn đề Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý là phải nghiên cứu quy định năng lực tài chính đối với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án kinh doanh bất động sản, đảm bảo họ đủ năng lực tài chính triển khai dự án, làm dự án đúng tiến độ, yêu cầu.

Bộ trưởng nêu thực tế, có tình trạng hàng trăm nghìn người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì các chủ đầu tư nợ tiền nộp ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng, quy định luật là giao đất cho doanh nghiệp, sau đó mới xác định tiền sử dụng đất. Trường hợp doanh nghiệp không nộp sẽ bị phạt chậm nộp, nhưng tiền phạt thấp hơn lãi ngân hàng. Dẫn tới trường hợp, doanh nghiệp sau khi bán nhà, ứng tiền trước của dân, lấy tiền hình thành trong tương lai đi đầu tư dự án khác, không có tiền nộp ngân sách.

Hệ lụy được Bộ trưởng chỉ ra, là người dân không được nhận giấy chứng nhận, chính quyền sẽ đối diện với sự bất ổn do người dân khiếu nại.

Bộ trưởng Tài chính đề nghị thiết kế trong luật đề nghị đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Những tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân là dân sự cần đưa ra tòa.

“Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chỉ bắt chủ đầu tư đi tù, nhưng hàng nghìn người dân không được cấp chứng nhận thì ai giải quyết?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.

Theo Bộ trưởng, việc chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách là chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người dân mãi mãi phải đi kiện, chính quyền phải giải quyết bất ổn, gây mất lòng tin. Bộ trưởng đề nghị cần có quy định để chủ đầu tư nào nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất. “Ông cha nói, tiền trao cháo múc, tiền chưa trao mà cháo đã múc thì hôm sau phải đi đòi nợ”, Bộ trưởng chia sẻ.

GH

 

 

 

Tag:

File đính kèm