Sign In

Chính sách tài chính tạo nguồn lực cho tăng trưởng xanh

12:44 27/06/2023
Với mục tiêu góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh, đưa nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và hội nhập cùng xu hướng phát triển của thế giới, ngày 27/6, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo NET ZERO. Hơn 300 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các cơ quan truyền thông báo chí tham dự Hội thảo. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đến dự và có bài phát biểu về chính sách tài chính đối với phát triển xanh, bền vững.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo về các chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương thúc đẩy tăng trưởng xanh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về hệ thống chính sách thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định của pháp luật, hướng đến bảo vệ môi trường (BVMT), thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách gồm: các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế BVMT, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động BVMT, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu.

Trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn, chi NSNN đã ưu tiên cho sự nghiệp BVMT hàng năm được bố trí đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối và đạt tỷ lệ khoảng 1,35% tổng chi NSNN trong 1 năm, qua đó tạo nguồn lực cho công tác BVMT, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, bình quân 5 năm trở lại đây, bố trí chi NSNN cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt trên 21 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đối với chi đầu tư, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu quốc gia. Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2025 được bố trí ở mức khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng. Gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh, với 3 cấu phần là: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Các đại biểu chia sẻ xung quanh chủ đề tăng trưởng xanh tại Hội thảo

“Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore. Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu xanh cũng đã có những bước phát triển ban đầu. Chỉ số Phát triển bền vững VNSI được đưa vào vận hành từ năm 2017 nhằm xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư xác định những doanh nghiệp có tính “xanh” để đầu tư. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và hoàn thiện các quy định theo chức năng về tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị công ty (ESG)”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết NET ZERO là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN) nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho NSNN; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

GH

 

 

 

 

Tag:

File đính kèm