Sign In

Quốc hội nghe các báo cáo về tình hình thực hiện NSNN

16:00 23/10/2023
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XV, chiều 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2024 – 2026; Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: MT

Dự toán thu NSNN phù hợp dự báo tăng trưởng kinh tế

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thu NSNN thực hiện 9 tháng năm 2023 bằng 75,5% dự toán. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Quốc hội đã triển khai thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất,ước thu NSNN cả năm bằng dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 15,7% GDP.

Nếu kể cả khoảng 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế, thu NSNN cả năm tăng khoảng 4,6% so dự toán, là mức rất tích cực trong bối cảnh hiện nay.

Về chi NSNN năm 2023, ước thực hiện 9 tháng bằng 59,7% dự toán. Về cân đối NSNN năm 2023, căn cứ đánh giá thu và chi NSNN, ước bội chi NSNN khoảng 4% GDP. Đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương NSTW năm 2024, dự toán thu NSNN năm 2024 tăng khoảng 5% so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 15,3% GDP.

Về bội chi NSNN, bám sát mục tiêu Kế hoạch 05 năm theo Nghị quyết của Quốc hội, dự toán bội chi NSNN năm 2024 bằng khoảng 3,6% GDP. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Báo cáo Quốc hội về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, với dự kiến thu chi NSNN năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và các nguồn của NSĐP, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024.

Về chi NSNN, Chính phủ kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi NSNN năm 2024, cụ thể đảm bảo bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN cho các nhiệm vụ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác theo Luật NSNN. Bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn, chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo kết luận của Trung ương. Dành nguồn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng được NSNN đảm bảo. Tăng chế độ ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội đảm bảo bù đắp một phần trượt giá và có tăng thêm. Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Với mức thu và bội chi NSNN như trên, dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2024 tăng khoản 1,2% so với dự toán năm 2023.

Báo cáo về Kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2024-2026, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2024-2026 được xây dựng với dự kiến tình hình kinh tế - xã hội từng bước cải thiện, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn được đảm bảo. Dự toán thu NSNN được xây dựng ở mức tích cực, phù hợp với dự báo tăng trưởng kinh tế. Dự toán chi NSNN xây dựng chặt chẽ, theo quy định của pháp luật, ưu tiên bố trí chi đầu tư, triệt để tiết kiệm các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết, đảm bảo nghĩa vụ chi trả nợ lãi, viện trợ, dự phòng, dự trữ quốc gia.

Quản lý nợ công được điều hành thận trọng

Cũng tại phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động mạnh, phức tạp, xung đột Nga - Ucraina kéo dài; áp lực lạm phát lớn, khiến nhiều nền kinh tế chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế, tăng trưởng toàn cầu còn yếu. Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, là một nền kinh tế có độ mở cao, nước ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế - xã hội nói chung có tác động không thuận lợi đến việc triển khai nhiệm vụ NSNN năm 2023.

Quang cảnh phiên phiên họp. Ảnh: MT

Về tình hình vay, trả nợ nước ngoài của quốc gia, dự kiến thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2023 bằng 100% hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể, ước thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn 7.500 triệu USD, dư nợ vay ngắn hạn tăng khoảng 20% so với cuối năm 2022.

Năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có biến động phức tạp. Trong nước, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên, với mức độ hội nhập và độ mở của nền kinh tế lớn, trước những bất ổn, rủi ro khó đoán định, dự báo nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Về thực hiện hạn mức bảo lãnh Chính phủ, năm 2023 không cấp mới bảo lãnh cho các dự án vay trong nước và nước ngoài. Bảo lãnh phát hành cho các ngân hàng chính sách tối đa bằng trả nợ gốc đến hạn; riêng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội có tăng bảo lãnh phát hành để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Với dự kiến vay, trả nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của CQĐP và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng như trên, trong trường hợp tăng trưởng GDP tích cực đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, dự báo đến cuối năm 2024, dư nợ công khoảng 39-40% GDP, nợ Chính phủ khoảng 37-38% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 38-39% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 23-24%, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) dự kiến ở mức 8-9%, đảm bảo trong mức trần, ngưỡng được Quốc hội cho phép.

Về sơ kết 03 năm kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh, duy trì được sự ổn định chính trị - xã hội, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng được đảm bảo.

Trong giai đoạn 2021-2023, trong bối cảnh các quốc gia tăng vay nợ để bổ sung nguồn lực đối phó với dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, quản lý nợ công của Việt Nam vẫn được điều hành chủ động, chặt chẽ, thận trọng. Các cơ quan chức năng đã chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền nhằm hướng dẫn việc huy động, sử dụng và quản lý nợ công; nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành pháp luật để góp phần tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư công nguồn vốn trong và ngoài nước.

Để hoàn thành kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, giải pháp chủ yếu là cần quán triệt quan điểm, đường lối, tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến tài chính ngân sách và nợ công của Đảng, Nhà nước. Tiếp tục triển khai đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Quốc hội đã đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, Nghị quyết số 43/2022/QH15… Ngoài ra, cần chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khắc phục các tồn tại đã nêu liên quan đến huy động vốn vay cho NSNN, giải ngân chậm vốn vay ODA và ưu đãi, mô hình quản lý nợ công và tăng cường công tác quản lý nợ của Chính quyền địa phương.

Tuệ Anh

Tag:

File đính kèm