Sign In

Năm 2024: KBNN tiếp tục chú trọng cải cách, hiện đại hóa hệ thống

17:40 12/01/2024

 

Tiếp tục hướng tới mục tiêu không dùng tiền mặt

Báo cáo cho biết, năm 2023, KBNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành thu ngân sách. Mở rộng công tác phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các NHTM, góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN.

Phó Tổng Giám đốc Trần Thị Huệ cho biết, công tác thu chi

tiếp tục triển khai theo hướng không dùng tiền mặt

Tính đến ngày 31/12/2023, lũy kế thu NSNN năm 2023 trong cân đối đạt 1.752.404 tỷ đồng, bằng 108,12% so với dự toán năm 2023, trong đó: thu NSTW đạt 105,94% so với dự toán; thu NSĐP đạt 110,61% so với dự toán.

Đồng thời, KBNN đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi (KSC). Đến nay, 100% các đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia giao dịch trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của kho bạc (trừ khối an ninh quốc phòng), chiếm 99,5% hồ sơ kiểm soát chi NSNN, 100% các thủ tục hành chính lên mức độ 4.

Tính đến ngày 31/12/2023, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên đạt 1.003.334 tỷ đồng, bằng 84,7% dự toán năm 2023 của NSNN qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Thông tin về công tác thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong toàn hệ thống, Phó Tổng giám đốc Trần Thị Huệ cho biết, trong năm 2023 số thu chi NSNN bằng tiền mặt tại hệ thống KBNN tiếp tục giảm, số thu NSNN bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,069% so với tổng thu NSNN, giảm 0,091% so với năm 2022; số chi NSNN bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,097% so với tổng chi NSNN, giảm 0,263% so với năm 2022.

"Với những mức đã giảm đáng kể như vậy, mục tiêu của hệ thống KBNN là đến năm 2025 không còn chi tiền mặt" – Bà Trần Thị Huệ khẳng định.

Trong công tác điều hành ngân quỹ nhà nhà nước (NQNN) và huy động vốn cho NSNN, KBNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều hành NQNN tập trung, thống nhất, chặt chẽ trong toàn hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN.

Chủ động tham mưu các giải pháp giải ngân, huy động vốn

Trong bối cảnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn chậm, tồn NQNN ở mức cao, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp để triển khai công tác huy động vốn đáp ứng nhu cầu vốn của NSNN với chi phí hợp lý, duy trì thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) hoạt động thường xuyên, ổn định; đồng thời, góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững và hỗ trợ NHNN điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi KBNN Trần Mạnh Hà cho biết, KBNN

góp phần giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công

Tính đến ngày 31/12/2023, lũy kế vốn đầu tư công kiểm soát, thanh toán qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2023 trên 568.135 tỷ đồng, bằng 85,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN (trên 663.275 tỷ đồng). Dự kiến hết tháng 1/2024, nguồn vốn này giải ngân đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để nguồn vốn đầu tư công được thanh toán nhanh, kịp thời, trong năm 2023, KBNN đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị KBNN hoàn thiện, nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến đáp ứng quy trình liên thông chi đầu tư; đồng thời, phân tích, hoàn thiện các chức năng của hệ thống để tăng tiện ích cho người sử dụng.

Đặc biệt, để giúp cán bộ kiểm soát chi hệ thống KBNN và các ban quản lý dự án nắm bắt cơ chế chính sách về thanh toán, quyết toán dự án đầu tư công nguồn NSNN cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, trong năm 2023, KBNN đã phối hợp với Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) chủ trì Hội nghị tọa đàm cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) nguồn NSNN năm 2023 tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Qua đó đã giúp cho công tác kiểm soát chi hệ thống KBNN, cùng với ban quản lý dự án nắm bắt cơ chế chính sách về thanh toán, quyết toán dự án đầu tư công nguồn NSNN để triển khai, thực hiện đúng quy định.

Bên cạnh đó, KBNN đã thực hiện kiểm tra, nắm bắt, đôn đốc tình hình giải ngân tại một số địa phương, qua đó đề ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, KBNN đã phối hợp với các đơn vị tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết…

Mức độ hài lòng tiếp tục tăng cao

Trong năm 2023, hệ thống KBNN đã thực hiện khảo sát, đánh giá 2 đợt về mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN. Đợt 1/2023, kết quả mức độ hài lòng đạt 95%, tăng 0,5% so với năm 2022 (94,5%). Đợt 2/2023, kết quả mức độ hài lòng đạt 95,85%, tăng 1,35% so với năm 2022 (94,5%).

Đến nay, KBNN cung cấp 100% thủ tục qua DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% thuộc đối tượng tham gia DVCTT; số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng trên Hệ thống DVCTT đạt trên 99%.

Từ tháng 04/2023, KBNN đã triển khai chương trình ứng dụng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông. Để tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN đã triển khai uỷ quyền thanh toán các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông. Tính đến ngày 31/12/2023, có tổng cộng 39.388 đơn vị sử dụng ngân sách đã uỷ quyền để KBNN thực hiện thanh toán số tiền hơn 1.459 tỷ đồng cho dịch vụ điện, nước và 176 tỷ đồng cho dịch vụ viễn thông trên toàn quốc. Các hoá đơn của đơn vị sử dụng ngân sách sẽ được KBNN tự động thanh toán ngay sau khi nhận được thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ. Do ngày thanh toán được ấn định trước, việc triển khai chương trình góp phần tăng hiệu quả cho công tác dự báo ngân quỹ.

Toàn cảnh

Về công tác hiện đại hóa, KBNN đã nỗ lực triển khai các dự án CNTT theo lộ trình triển khai Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Việc đẩy mạnh hiện đại hóa CNTT nhằm mục tiêu giảm thời gian đi lại, giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị, công khai minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ, chứng từ chi NSNN, góp phần cải cách hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử của KBNN.

Trong thời gian tới, KBNN sẽ đẩy mạnh hoạt động giám sát từ xa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đột xuất dựa trên đánh giá rủi ro thông qua nguồn dữ liệu giám sát từ xa tại KBNN và coi đây là công cụ hữu hiệu để nhìn nhận, đánh giá chính xác, thực chất, toàn diện các mặt hoạt động nghiệp vụ và quản lý, quản trị nội bộ hệ thống KBNN.

Chia sẻ về kế hoạch năm 2024, Phó Tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ cho biết, toàn hệ thống KBNN tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, đề án, chính sách theo đúng lộ trình, tiến độ đã đề ra tại Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Đặc biệt, toàn hệ thống sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, nhất là công tác KSC và điều hành NQNN để ngày càng thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng giao dịch./.

Kim Chung

Tag:

File đính kèm