Sign In

Bộ Tài chính đối thoại với DN Hàn Quốc về chính sách, thủ tục thuế, hải quan

16:00 29/02/2024

Chiều 29/2, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023-2024 theo hình thức trực tiếp. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì và điều hành Hội nghị.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu khai mạc

Tham dự Hội nghị về phía Hàn Quốc có ông Choi YoungSam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Kim Hyong Mo, Trưởng đại diện Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Lee Hee Sang, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương; ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc và gần 250 đại biểu đại diện các DN Hàn Quốc tại Việt Nam.

Về phía Việt Nam có ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hội Tư vấn Thuế và đại diện một số Cục Thuế các tỉnh, TP.

Nhiều giải pháp hỗ trợ với giá trị lớn và chưa có tiền lệ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá cao mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong hơn 30 năm qua và khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khó lường và phức tạp, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vẫn được duy trì bền vững và ngày càng được tăng cường, thúc đẩy cả về số lượng và chất lượng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam.

Các đại biểu bàn chủ tọa, điều hành Hội nghị

Trong 5 năm qua, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những bất lợi của nền kinh tế thế giới nhưng đóng góp vào số thu NSNN của cả nước từ các DN Hàn Quốc luôn tăng qua các năm và tổng thu nội địa từ các DN Hàn Quốc chiếm 11% tổng thu ngân sách của các DN FDI; chiếm 3% tổng thu ngân sách của cả nước. Nhờ sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của các DN trong đó có các DN Hàn Quốc, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế duy trì xu hướng phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát theo đúng mục tiêu….

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ, với tinh thần, nỗ lực luôn đồng hành, hỗ trợ DN và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trong và ngoài nước gặp nhiều biến động, hàng năm, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản liên quan đến các vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Hàn Quốc đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam gửi đến. Nhiều vấn đề đã được Bộ Tài chính phối hợp trao đổi, tham vấn ý kiến và nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách để hỗ trợ tối đa cho DN FDI trong đó có DN Hàn Quốc gồm: hoàn thuế giá trị gia tăng, thủ tục hóa đơn chứng từ về thuế tại khu chế xuất, ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp,....

Kể từ Hội nghị đối thoại với DN Hàn Quốc năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tổng hợp 22 nội dung vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và đã có giải đáp cụ thể cho các DN. Đối với các nội dung vướng mắc tại Hội nghị mà chưa rõ, Bộ Tài chính đã đề nghị DN Hàn Quốc có vướng mắc gửi bổ sung tài liệu gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tổng hợp và xử lý cụ thể.

Định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại với cộng đồng DN hiện đang có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có số lượng không nhỏ các DN Hàn Quốc tham gia. Qua đó, cũng đã kịp thời nắm bắt, hỗ trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của các DN; lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của DN nhằm đảm bảo quyền lợi cho DN, tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN hoàn thành thủ tục về thuế và hải quan đơn giản, nhanh gọn, tiết kiệm.

Ông Choi YoungSam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Cũng trong thời gian qua, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và tác động tiêu cực của của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, DN nói chung và các DN Hàn Quốc nói riêng với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ. Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các giải pháp về gia hạn thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế BVMT, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Việc thực hiện các giải pháp trên đã được cộng đồng DN và người dân đánh giá cao và đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

“Những kết quả tích cực đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN Hàn Quốc đã nỗ lực cùng quyết tâm cao trong việc hưởng ứng, thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Bộ Tài chính Việt Nam trân trọng cảm ơn những đóng góp, nỗ lực của cộng đồng DN Hàn Quốc về những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua.”- Thứ trưởng Cao Anh Tuấn bày tỏ.

Ưu tiên cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho DN

Thứ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các DN trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả các DN Hàn Quốc), tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với NSNN. Bộ Tài chính Việt Nam đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Trước mắt trong năm 2024 dự kiến trình Quốc hội 03 dự án Luật quan trọng gồm Luật thuế GTGT (sửa đổi), Luật thuế TTĐB (sửa đổi), và Luật thuế TNDN (sửa đổi). Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng chịu thuế/không chịu thuế, quy định về giá tính thuế, thuế suất,... theo hướng theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, điều tiết thu nhập hợp lý, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, hạn chế gian lận, trốn thuế; đồng thời điều tiết tiêu dùng phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường theo đúng chủ trương, đường lối và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Nhằm tạo thuận lợi thương mại trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, hướng tới mục tiêu củng cố cơ sở pháp lý về thông tin hải quan, trị giá hải quan, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan; tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình hải quan thông minh, hải quan số; đơn giản hoá thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Để công tác xây dựng, sửa đổi các chính sách thuế cũng như việc thực thi các chính sách thuế, hải quan thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, Bộ Tài chính Việt Nam hy vọng tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN Hàn Quốc, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Thứ trưởng cũng mong muốn cùng với các giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, DN Hàn Quốc chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đồng thời tuân thủ đúng, đủ các quy định về pháp luật thuế, hải quan tại Việt Nam, tiếp tục góp phần vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Choi YoungSam - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam đã luôn tạo quan tâm, tạo điều kiện cho các DN Hàn Quốc hoạt động và phát triển thời gian qua cũng như dành thời gian tổ chức Hội nghị đối thoại này. Đại sứ cho rằng, đối thoại chính sách thuế, hải quan của Bộ Tài chính với các DN Hàn Quốc là một trong những hoạt động hữu ích, được tổ chức trong nhiều năm qua. Đây là cơ hội quý báu để để hai bên chia sẻ các chính sách tài chính, tập trung vào lĩnh vực thuế, hải quan. Đồng thời thảo luận, tìm các phương án nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình hoạt động của DN. Đại sứ đề nghị DN Hàn Quốc tham dự Hội nghị tích cực, thẳng thắn đặt câu hỏi tới Bộ Tài chính, cơ quan thuế và cơ quan hải quan để được giải đáp cụ thể.

Cũng theo Đại sứ, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong đó có cơ quan thuế và hải quan, các DN Hàn Quốc đã tạo dựng được nền tảng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực tại các địa phương song các DN Hàn Quốc vẫn rất cần sự hỗ trợ tích cực này trong thời gian tới để thúc đẩy hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Ngay sau phần khai mạc, Hội nghị cũng dành phần lớn thời gian để đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng trực tiếp giải đáp cụ thể, thấu đáo các câu hỏi của DN Hàn Quốc liên quan đến chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan, qua đó, góp phần nâng cao tính tuân thủ quy định pháp luật về thuế, hải quan của DN Hàn Quốc tại Việt Nam.

(Cổng TTĐT Bộ Tài chính tiếp tục cập nhật nội dung đối thoại trong các tin tức tiếp theo)

 

HP

 

Tag:

File đính kèm