Sáng ngày 11/01/2024, tại Hà Nội, Vụ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Ứng dụng, nghiên cứu khoa học công nghệ để giải các bài toán của ngành, của đất nước"
Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Phan Tâm và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức Vụ KH&CN.
Khắc phục những thiếu hụt về nhân sự, hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao
Báo cáo Bộ trưởng về những nhiệm vụ đã thực hiện trong năm 2023, ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ KH&CN cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn của Vụ KH&CN, đặc biệt về nhân sự, số cán bộ giảm 28,6% từ 14 cán bộ xuống còn 10, nhưng nhiệm vụ hoàn thành lại tăng 44,74% (từ 38 nhiệm vụ lên 55 nhiệm vụ). Trong năm 2023, Vụ KH&CN đã hoàn thành và vượt tiến độ 100% nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao. Ngoài các nhiệm vụ được Bộ trưởng giao theo Kế hoạch từ đầu năm, còn có các nhiệm vụ được Bộ trưởng giao bổ sung nhưng đều được hoàn thành tốt, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.
Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Vụ đã tham mưu và trình Bộ trưởng ban hành 07 Thông tư liên quan đến việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; quy định về danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, điểm đột phá trong năm 2023 chính là Vụ đã thực hiện được vai trò định hướng công nghệ với việc xây dựng, công bố phiên bản 1.0 tám bản đồ công nghệ trong lĩnh vực TT&TT, gồm có lĩnh vực viễn thông (35 công nghệ), bưu chính (21 công nghệ), báo chí (12 công nghệ), xuất bản (19 công nghệ), an toàn thông tin (159 công nghệ), công nghiệp ICT (25 công nghệ), chính phủ số (32 công nghệ), đại học số (18 công nghệ). Với 8 bản đồ công nghệ này, lãnh đạo Bộ TT&TT, các cơ quan, các nhà quản lý trong mỗi lĩnh vực sẽ thấy được bức tranh nhiều chiều về hiện trạng, lộ trình các công nghệ đang phát triển trong lĩnh vực của mình hiện tại và trong tương lai, từ đó giúp định hướng, hoạch định chính sách, chiến lược cần thiết để triển khai công nghệ mới, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đó.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm chụp ảnh lưu niệm với toàn thể cán bộ, công chức Vụ Khoa học công nghệ
Về công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong năm 2023 Vụ đã trình Bộ trưởng ban hành 05 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 05 Tiêu chuẩn quốc gia về Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI).
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, năm 2023, Vụ KHCN đã cơ bản vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh có nhiều thay đổi về nhân sự. Vụ đã tích cực, chủ động áp dụng cái mới, quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ; tích cực lắng nghe, chia sẻ với các đối tượng quản lý, hoạt động tham mưu cho lãnh đạo Bộ đã bám sát thực tiễn hơn.
Cũng tại Hội nghị, một số đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan đã đưa ra những đóng góp, gợi mở định hướng hoặc các đề nghị hợp tác triển khai các nhiệm vụ, đề án trong năm 2024.
Toàn cảnh Hội nghị
Ứng dụng, nghiên cứu khoa học công nghệ để giải các bài toán của ngành, của đất nước
Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức, không chỉ đối với Vụ KHCN mà đối với tất cả các đơn vị thuộc Bộ.
Theo Bộ trưởng, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giống như đôi cánh, một cánh là công nghệ và một cánh là truyền thông. Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị hiểu kỹ phần chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để triển khai nhiệm vụ rải đều trên các lĩnh vực quản lý, không bỏ trống mảng nào, có thể không rải đều trong 1 năm nhưng trong 3 năm, 5 năm thì phải làm được.
Bộ trưởng chỉ rõ, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ chính là tìm ra lời giải cho các bài toán của ngành, của đất nước. Do vậy, hãy chọn những đề tài nghiên cứu khoa học giúp giải quyết vấn đề nóng của Bộ, giúp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các đề tài khoa học công nghệ về khoa học quản lý, về đổi mới sáng tạo vì thay đổi cách tổ chức, vận hành trong nhiều trường hợp mang lại giá trị nhiều hơn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thế giới đang trải qua cách mạng về công nghệ, với sự xuất hiện của nhiều công nghệ mang tính phá hủy, áp dụng phương pháp tư duy “làm ngược lại”, “làm khác đi” sẽ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, biến việc khó thành việc dễ, việc bất khả thi thành việc khả thi.
Bộ trưởng chỉ rõ, thay vì ban hành ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn là xong việc thì phải đo được mới là xong việc. Vì tiêu chuẩn được ban hành ra, mà không ứng dụng được trong thực tế, không đo được thì làm chậm lại sự phát triển của ngành, của đất nước.
Thay vì ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với ngôn ngữ của các nhà chuyên môn thì hãy chuyển thể thành ngôn ngữ mà người dân có thể hiểu được. Như vậy chúng ta có thể huy động sức mạnh của xã hội, của người dân cùng giám sát xem tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó có được thực hiện hay không. Vậy là huy động được cả xã hội vào nghề của mình.
Thay vì chỉ giao việc cho cấp dưới hay các đơn vị bên dưới, phải coi giao việc kèm với hướng dẫn cách làm là điều kiện đầu tiên, điều kiện cần. Chưa có bước này thì không có các bước tiếp sau.
Thay vì tuyển người có kinh nghiệm thì ưu tiên tuyển người trẻ, vì trong thời đại cách mạng công nghệ, các công việc đều là mới, người có kinh nghiệm và chưa có kinh nghiệm là như nhau. Người trẻ thì vừa có nhiều năng lượng vừa không có gánh nặng của cái cũ, của tri thức cũ, cách làm cũ.
Thay vì kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp làm nghiên cứu khoa học, hãy công bố kết quả các nghiên cứu khoa học của họ, giá trị mà nó tạo ra. Thống kê, xếp hạng, đánh giá, công bố là công cụ rất mạnh của quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển ngành, đất nước.
Thay vì đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hãy nghĩ ra việc khó, việc mới giao cho cán bộ, trải nghiệm để giỏi lên, không phải đào tạo để giỏi lên.
Về vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước nói chung và của Vụ Khoa học và Công nghệ nói riêng, Bộ trưởng nhấn mạnh: Nguồn lực làm nghiên cứu khoa học công nghệ ngành TT&TT là rất lớn nhưng đang thiếu người dẫn dắt. Vụ Khoa học và Công nghệ phải thể hiện được vai trò dẫn dắt thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học công nghệ của các đơn vị trong nước, dữ liệu cho nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp … Hãy dùng sức mạnh của thông tin và tri thức áp dụng cho cho công tác quản lý nhà nước nhiều hơn vì đây cũng là một loại sức mạnh.
Đối với lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng chỉ đạo Vụ KHCN sử dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để yêu cầu các nhà mạng đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ. Theo Bộ trưởng, ngành CNTT là một ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, do đó việc ban hành các tiêu chuẩn về phát triển xanh cũng là một yêu cầu bắt buộc.
Cuối cùng, Bộ trưởng kỳ vọng trong năm 2024 Vụ KHCN bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, tập trung nghiên cứu xây dựng chiến lược về KHCN của Bộ, của ngành, coi đó như ngôi sao dẫn đường, định hướng cho sự phát triển về KHCN của ngành TT&TT trong những năm tới; chú trọng nhiều hơn đến việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế vì lĩnh vực TT&TT là một lĩnh vực có tính quốc tế rất cao.