Phát huy tối đa vai trò của cơ quan báo chí trong tuyên truyền, truyền thông hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Lê Thu Anh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, ngay sau khi Kế hoạch số 156-KH/BTGTW được ban hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch trên, trong đó cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra theo Kế hoạch, tạo cơ sở để Bộ Tư pháp tăng cường công tác quản lý đối với cơ quan báo chí, tạp chí chuyên ngành, Cổng Thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, mạng xã hội và trang thông tin vận hành trên nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, để các nội dung theo Chương trình hành động được thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể giữa các cơ quan đơn vị, ngày 20/9/2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức Toạ đàm triển khai Chương trình hành động của Bộ gắn với việc tổ chức Lễ ký kết giao ước hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí thuộc Bộ”.
Đồng chí Lê Thu Anh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp báo cáo sơ kết Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc Bộ, các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp phụ trách, quản lý vận hành Cổng Thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, trang thông tin vận hành trên nền tảng mạng xã hội tăng cường công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị thông qua sinh hoạt Chi bộ hoặc giao ban công tác; rà soát các nhiệm vụ được giao tại Chương trình để đưa vào chương trình, kế hoạch công tác năm của đơn vị. Việc quán triệt thường xuyên, nghiêm túc các nội dung tại Chương trình hành động đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ về vị tri, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự cần thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Trong công tác quản lý hoạt động báo chí, truyền thông, hằng năm Bộ Tư pháp đều ban hành Kế hoạch truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; từ đó tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, tạo được hiệu ứng truyền thông, được dư luận đánh giá cao. Định kỳ hằng tháng, Văn phòng Bộ ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện các nhiệm vụ truyền thông trọng tâm trong tháng, tạo cơ sở để các cơ quan báo chí thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành.
Ngoài ra, công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo cho đội ngũ quản lý và những người làm báo tại cơ quan báo chí; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo đều được quan tâm, chú trọng.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe đồng chí Lê Thu Anh tóm tắt một số nội dung trọng tâm của Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2024 như: Kết quả, tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới gắn với việc triển khai Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Quyết định số 764/QĐ-BTP ngày 22/5/2023 ban hành Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; triển khai nội dung mới, quan trọng của Luật Đất đai 2024 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp; nội dung các chính sách, quy định mới, quan trọng của các dự án do Bộ Tư pháp chủ trì hoặc dự thảo đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định theo thẩm quyền;…
Chủ động, tích cực truyền thông những chính sách nhận được sự quan tâm của xã hội
Trao đổi, thảo luận các kết quả trong hoạt động báo chí, truyền thông, đồng chí Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích trong mọi hoạt động của Báo; chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan có thẩm quyền; đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, thành tựu phát triển đất nước; đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, tiêu cực;…. Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, phục vụ mọi đối tượng độc giả, đồng chí hy vọng Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan báo chí.
Đồng chí Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.
Đồng chí Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, các đơn vị đã chủ động, tích cực cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, chính sách, pháp luật, các lĩnh vực quản lý nhà nước, kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp trên Cổng Thông tin điện tử Bộ và các Trang thông tin điện tử thành phần, Trang thông tin vận hành trên nền tảng mạng xã hội; từ đó tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành và góp phần lan toả sâu rộng những kết quả này tới đời sống xã hội. Trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội có sự kết nối, chia sẻ mạnh mẽ, đồng chí đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn, đưa ra các mô hình truyền thông mới để vừa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành, vừa đảm bảo an toàn thông tin.
Đồng chí Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin
Đồng chí Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
Đồng chí Trần Hoàng Hưng, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Gia Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh sự quan trọng, cần thiết của Kế hoạch số 156-KH/BTGTW trong chấn chỉnh hoạt động hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; đồng thời đề xuất một số biện pháp để thu hút người đọc, kịp thời định hướng, nắm bắt và phản hồi đối với những vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, đồng chí cũng hy vọng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tiếp tục có những ấn phẩm chuyên sâu, chất lượng, phản ánh được các hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành và các sự kiện chính trị - pháp lý của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Gia Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí với nội dung Báo cáo sơ kết và các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu; đồng thời đánh giá cao các kết quả của cơ quan báo chí, truyền thông; các đơn vị quản lý, vận hành Cổng Thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Trang thông tin vận hành trên nền tảng mạng xã hội của Bộ đã đạt được trong 01 năm thực hiện Chương trình hành động.
Thứ trưởng nhấn mạnh hoạt động báo chí, truyền thông, thông tin trên mạng xã hội là hoạt động đặc thù, nhạy cảm, có tác động lớn đến xã hội. Vì vậy, để tăng cường phát huy được vai trò của báo chí, truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thông tin kịp thời, đầy đủ về hoạt động của Bộ, ngành, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục tham mưu cho Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ thực hiện tốt trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, Cổng Thông tin điện tử; quan tâm, tạo nguồn lực thực hiện nghiêm Kế hoạch số 156-KH/BTGTW và Chương trình hành động của Bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận Hội nghị
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, các đơn vị tham gia công tác truyền thông cần phát huy trách nhiệm của mình; tuân thủ, thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời nâng cao và phát huy tính tự giác, gương mẫu, thực hiện tốt quy định về công tác báo chí, quy chế mạng xã hội. Thứ trưởng cũng lưu ý, các cơ quan báo chí cần tích cực, chủ động trong việc đưa tin bài, đặc biệt là Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, 2 Tạp chí chuyên ngành thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp phải là “chỗ dựa” chuyên môn của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương khi thông tin về hoạt động tư pháp và pháp luật; tổ chức diễn đàn, toạ đàm làm sâu sắc với các vấn đề được dư luận quan tâm như thi hành án, cải cách hành chính, hộ tịch, chuyển đổi số,...
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị chủ trì dự án, dự thảo phải chủ động trong công tác truyền thông những chính sách nhận được sự quan tâm, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; chủ động xây dựng nội dung truyền thông, cung cấp kịp thời cho cơ quan báo chí. Đối với Văn phòng Bộ, Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc triển khai thực hiện Kế hoạch và Chương trình hành động, kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ có giải pháp khắc phục khi có vướng mắc, khó khăn.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin