Làm sâu sắc hơn quan hệ song phương Việt Nam – Pháp, đẩy mạnh hợp tác đa phương trong khuôn khổ UNESCO
- Thưa bà, trong ba ngày, từ 16-19/11, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp với lịch trình hoạt động dày đặc. Xin bà cho biết một số điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm và làm việc này?
Có thể nói chuyến công tác tại Cộng hòa Pháp từ ngày 16 đến 19/11 vừa qua của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tuy diễn ra rất ngắn nhưng đã đạt được hiệu quả lớn "5 trong 1". Chuyến công tác của Bộ trưởng vừa làm sâu sắc hơn quan hệ song phương Việt Nam và Pháp trên các lĩnh vực do Bộ phụ trách đồng thời mở rộng và đẩy mạnh hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ UNESCO. Bộ trưởng cũng đồng thời thực hiện công tác đối ngoại của Đảng, tăng cường tình hữu nghị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, trao đổi, thúc đẩy đối ngoại Nghị viện, quan tâm chăm sóc đến đời sống tinh thần của kiều bào ta tại Pháp.
Với nội dung làm sâu sắc hơn quan hệ song phương giữa Pháp và Việt Nam, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Văn hóa Pháp bà Rima Abdul Malak, hai Bộ trưởng đã thảo luận, đánh giá về hoạt động hợp tác hết sức tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp trên các lĩnh vực văn hóa. Từ những kết quả của hợp tác chung về bảo tồn di sản văn hóa cho đến hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như thư viện, thiết kế sáng tạo... Hai Bộ trưởng cũng quan tâm thảo luận hợp tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó điện ảnh là một trong các ưu tiên được cả hai Bộ trưởng bày tỏ sự hài lòng. Bộ trưởng Văn hóa Pháp hết sức tự hào về những tác phẩm điện ảnh đậm dấu ấn hợp tác giữa hai nước như tác phẩm "The Taste of Things" của Đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng là tác phẩm chính thức của Pháp tham gia hạng mục tranh giải phim nước ngoài tại Oscar, hay bộ phim "Tro tàn rực rỡ" đại diện cho Việt Nam tham gia tranh giải phim nước ngoài tại Oscar cũng là bộ phim nhận được sự tài trợ rất lớn của Bộ Văn hóa và các quỹ Điện ảnh của Pháp.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất sáng kiến chung giữa hai Bộ trưởng, sớm xây dựng một kế hoạch hợp tác giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Pháp để đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa đi vào hiệu quả thực chất với các dự án cụ thể, lộ trình cụ thể và nỗ lực đàm phán, ký kết được kế hoạch hợp tác này trong chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao của Pháp tới Việt Nam vào năm 2024.
Có thể nói, đỉnh cao của Năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp cũng như 10 năm đối tác chiến lược Việt – Pháp đã được khép lại bằng Đêm Văn hóa Việt Nam tại Nhà hát Trianon (Paris) với hơn 500 khán giả là đại diện Chính quyền Pháp, công chúng Pháp và cộng đồng người Việt tại Pháp. Sự kiện vinh dự có sự hiện diện của Phó Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thông tin Thượng viện Pháp, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp Jérémy Bacchi. Trong phát biểu của mình, Thượng nghị sỹ Bacchi đã đánh giá cao và thể hiện niềm tự hào vì tình hữu nghị, tình cảm giữa 2 Đảng, hai nước trong đó bày tỏ sự xúc động về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động tại Pháp trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước, giành lại độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam và là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Ông cũng hết sức tự hào về thành tựu kinh tế, xã hội của Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển thần kỳ về kinh tế nhưng không hy sinh các vấn đề về xã hội, môi trường, đặc biệt là đặt con người làm trung tâm của sự phát triển, tôn trọng sự phát triển đa dạng.
Trong chuyến làm việc lần này, thông qua các buổi gặp gỡ, tiếp xúc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vừa làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương giữa Pháp và Việt Nam, đồng thời thực hiện công tác đối ngoại của Đảng, khẳng định tình cảm hữu nghị, đồng chí giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp. Đồng thời là Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cũng đã có những trao đổi với Ủy ban Văn hóa của Thượng viện Pháp, gợi mở một số nội dung hợp tác giữa hai bên.
Sự kiện Đêm Văn hóa Việt Nam tại Pháp không chỉ hướng đến giới chức Pháp, mà còn thể hiện sự quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Điều ấy thể hiện ở ngay phần tham gia trình diễn mở màn của các nghệ sĩ Việt kiều trên sân khấu, trong đó có phần biểu diễn rất đáng nhớ của bé Xuân An, em bé được sinh ra tại Pháp đã cất tiếng hát trong trẻo "Bonjour Việt Nam" như một lời mời chào đón bạn bè quốc tế, bạn bè Pháp tới quê hương Việt Nam của mình.
Đêm diễn không chỉ giới thiệu các nét văn hóa tinh hoa, di sản văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế đồng thời gợi lên niềm tự hào trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Không chỉ giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam mà còn pha trộn âm nhạc dân gian đương đại, chúng tôi rất tự hào khi các bạn nhân viên kỹ thuật âm thanh, ánh sáng của Pháp vừa chỉnh vừa nhún nhảy vỗ tay theo điệu múa, âm nhạc của Việt Nam. Điều đó chứng tỏ sự thu hút, hấp dẫn của nghệ thuật Việt với bạn bè quốc tế.
Nói về đẩy mạnh đối ngoại đa phương, chuyến công tác của Bộ trưởng diễn ra vào đúng thời điểm UNESCO tổ chức Đại hội đồng lần thứ 42 với sự tham gia của đông đảo các quốc gia thành viên, hơn 60 Bộ trưởng Văn hóa, giáo dục các nước tham dự. Trong lịch trình dày đặc như vậy, bà Tổng giám đốc UNESCO vẫn cố gắng thu xếp bằng được cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam với sự đón tiếp vừa thân tình, vừa trọng thị.
Đây là cuộc gặp quan trọng, ngoài việc nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, khẳng định cam kết của Việt Nam như là một thành viên hết sức tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong mái nhà chung UNESCO, Bộ trưởng đồng thời đề xuất UNESCO tiếp tục tham gia, hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản, mời UNESCO hỗ trợ tư vấn chuyên gia trong quá trình chúng ta sửa đổi, bổ sung dự án Luật Di sản văn hóa hay có các hỗ trợ tích cực, quan tâm dành cho chuyên gia, nhân sự Việt Nam ứng cử vào vị trí quan trọng hơn, đồng thời phát huy hơn nữa đóng góp của Việt Nam trong các cơ quan chuyên môn, ủy ban của UNESCO.
Đặc biệt, Bộ trưởng đã chủ trì Đêm di sản Việt Nam có sự tham dự của hơn 200 đại sứ, trưởng phái đoàn đại diện của các nước thành viên UNESCO. Sự kiện được tổ chức ngay tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Tại sự kiện, bên cạnh thưởng thức ẩm thực Việt Nam thì các đại biểu quốc tế được hòa mình vào một đêm nghệ thuật đậm chất văn hóa Việt, thể hiện nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, bảo tồn, trân quý các giá trị di sản dân gian truyền thống. Thông qua đó, Việt Nam đã thể hiện là một thành viên rất tích cực trong Ủy ban Liên chính phủ về Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 mà Việt Nam đang là thành viên.
Tại đây, Bộ trưởng gửi đến một thông điệp các nước cùng chung tay với Việt Nam trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và ủng hộ Việt Nam ứng cử là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới. Và thật tuyệt vời, ngay tối ngày 22/11 vừa qua, chúng ta nhận được tin vui Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu cao nhất trong nhóm IV - khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Đó chính là kết quả hết sức cụ thể từ hoạt động do Bộ trưởng chủ trì, cùng với sự nỗ lực tuyệt vời, không mệt mỏi của Đại sứ, Trưởng phái đoàn của Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, cũng như Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao và của đội ngũ chuyên gia, các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ VHTTDL. Kết quả này thể hiện uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và tại tổ chức danh tiếng về văn hóa UNESCO.
- Hai quốc gia Việt – Pháp đã có những hợp tác truyền thống và sâu sắc trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Pháp thì công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Việt Nam các bước tiếp theo sẽ có những điểm nhấn gì, thưa bà?
Ngay sau chuyến công tác của Bộ trưởng tại Pháp, các cơ quan chuyên môn, cụ thể ở đây là Cục Hợp tác quốc tế sẽ là đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo kế hoạch hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa giữa Việt Nam và Pháp, trong đó đặt trọng tâm vào việc phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa, Công nghiệp điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, kể cả giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài bằng tiếng Pháp, phát huy hơn nữa kênh hợp tác với Pháp và qua Pháp kết nối với cộng đồng Pháp ngữ. Chúng tôi trông đợi vào kế hoạch cụ thể này, nó là công cụ hữu hiệu để đem lại hiệu quả hợp tác thực chất giữa Việt Nam và Pháp với các dự án hết sức cụ thể.
Chưa bao giờ Việt Nam đảm nhiệm tất cả vị trí ở các công ước quan trọng của UNESCO như thời điểm hiện tại
- Xin bà chia sẻ thêm về kết quả trúng cử của Việt Nam khi là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới?
Có thể nói chúng ta ra ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới là quyết định dựa trên đánh giá về thế và lực và đây là lần thứ 2 Việt Nam ứng cử vào vị trí quan trọng này.
Lần đầu tiên chúng ta ứng cử Công ước này cách đây 10 năm. Công ước 1972 về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là công ước quan trọng hàng đầu trong hệ thống các Công ước của UNESCO. Năm 2022, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới tổ chức lễ kỉ niệm 50 năm Công ước này và đã mời bà Tổng giám đốc UNESCO sang Việt Nam dự, chứng kiến tận mắt những thành tựu bảo tồn văn hóa, di sản của Việt Nam và sau khi các di sản được ghi danh, không chỉ giúp cho cộng đồng, người chủ sở hữu di sản nhận diện được giá trị của mình mà còn đem lại sinh kế, tạo tăng trưởng kinh tế cho địa phương trong mối quan hệ hết sức hài hòa giữa bảo vệ di sản, môi trường. Nhiều quan chức UNESCO đều đánh giá Việt Nam như là một hình mẫu để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, mong muốn Việt Nam chia sẻ bài học kinh nghiệm này với thế giới.
Đây chính là động lực khiến Việt Nam tự tin hơn khi kể câu chuyện thành công của mình và chia sẻ nó với bạn bè quốc tế và chúng ta quyết định ứng cử Ủy ban Di sản thế giới cho nhiệm kỳ 2023-2027. Thành công này có nỗ lực không mệt mỏi của Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại UNESCO và đứng sau là Ủy ban Quốc gia UNESCO – Bộ Ngoại giao cùng sự chủ động của Bộ VHTTDL trong việc cung cấp lý lịch các chuyên gia, xây dựng chương trình hành động của Việt Nam và đích thân Bộ trưởng Bộ VHTTDL tham gia công tác vận động.
Với việc Việt Nam vừa trúng cử vào Ủy ban Di sản thế giới thì đây có lẽ là lần đầu tiên, nước ta đang đảm nhận vị trí là thành viên tại cả 3 Công ước quan trọng của UNESCO về văn hóa: Ủy ban Di sản thế giới, Công ước 1972, Ủy ban Liên Chính phủ công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Phó chủ tịch Công ước 2005 về bảo vệ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa 2005, đồng thời chúng ta là thành viên của Hội đồng chấp hành của UNESCO, Phó Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 42. Có thể nói chưa bao giờ Việt Nam đảm nhiệm tất cả vị trí quan trọng tại UNESCO như thời điểm hiện tại, nó thể hiện thế và lực của chúng ta trong đối ngoại đa phương, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam ở tổ chức này.
- Việc Việt Nam là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, theo bà, vai trò của Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản thế giới sẽ được thể hiện như thế nào trong các chương trình sắp tới?
Khi Việt Nam là thành viên của các Ủy ban, Công ước quốc tế, khi đó Việt Nam không chỉ chú trọng tới việc bảo tồn các giá trị di sản của chính mình mà chúng ta còn thể hiện vai trò tích cực với cộng đồng quốc tế, đóng góp chung cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đại diện cho tiếng nói các nước trong khu vực, các nước đang phát triển để đóng góp vào các chính sách, hành động chung của UNESCO trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong sự phát triển bền vững. Lúc đó đòi hỏi đội ngũ chuyên gia tăng cường hơn nữa về công tác chuyên môn, thể hiện được sự chủ động và tích cực, đóng góp với thế giới các ý kiến của mình, vừa chia sẻ bài học kinh nghiệm của Việt Nam vừa đóng góp vào xây dựng các chính sách chung của thế giới.
Việt Nam có uy tín lớn tại UNESCO, ở Công ước 2005 vừa rồi chúng ta có liên tiếp 02 thành phố Đà Lạt và Hội An tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Hay ở Công ước 2003, chúng ta cũng được các nước hết sức tín nhiệm, không chỉ ở các hồ sơ của Việt Nam luôn được coi là chuẩn mực, mà Việt Nam là nước tiên phong kích hoạt điều khoản của Công ước này: chuyển di sản phi vật thể trong danh sách bảo vệ khẩn cấp đó là Hát Xoan sang Danh sách di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Chúng ta đã bảo tồn rất tốt, làm sống lại trong cộng đồng một di sản nguy cơ mai một. Đóng góp một thực tiễn tốt cho thế giới trong việc bảo tồn giá trị di sản. Vì vậy, tới đây, tại Ủy ban Di sản Thế giới, Việt Nam được mong đợi sẽ có những đóng góp thiết thực, trên cơ sở chương trình hành động đã đưa ra.
- Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!