Hoạt động khoa học, công nghệ luôn luôn được Bộ VHTTDL quan tâm, đẩy mạnh
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chúc mừng các thành công của Bộ KHCN đạt được trong năm qua, với nhiều dấu ấn trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ KHCN chủ trì.
Trong đó, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 2 bậc (lên 46/132 quốc gia); lần đầu tiên Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo của các địa phương được xây dựng và triển khai trên phạm vi toàn quốc; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được cụ thể hóa bằng 4 Chương trình khoa học cấp quốc gia trong giai đoạn 2025 – 2030. Bên cạnh đó là các nghiên cứu khoa học, công nghệ và nhiều thành tựu khoa học đã được ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống...
Đối với Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, là bộ quản lý đa ngành, trong thời gian qua, hoạt động khoa học, công nghệ luôn luôn được Bộ quan tâm, đẩy mạnh.
Theo Thứ trưởng, sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc quan tâm và phát triển văn hóa được nâng lên ở vị trí quan trọng hơn. Tháng 12/2023 vừa qua, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì hội nghị liên quan đến phát triển công nghiệp văn hoá.
Nhấn mạnh vai trò, sự cần thiết của khoa học, công nghệ đối với công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng các nghiên cứu khoa học sâu sẽ giúp chúng ta củng cố các luận điểm và sau đó triển khai thành các hoạt động cụ thể.
Đối với phát triển du lịch, trong các hội nghị về phát triển du lịch thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề chuyển đổi số và ứng dụng thông minh trong phát triển du lịch. Còn trong lĩnh vực thể thao, việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ là hết sức cần thiết, ở các nước phát triển đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.
Như vậy, có thể nói cả 3 lĩnh vực mà Bộ VHTTDL đang quản lý hiện nay, việc nghiên cứu khoa học công nghệ là hết sức cần thiết và đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, hoạt động khoa học, công nghệ của Bộ vẫn còn nhiều khó khăn, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương mong muốn cuộc làm việc, trao đổi giữa hai Bộ sẽ giúp Bộ VHTTDL tìm ra và tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy khoa học, công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Tại buổi làm việc, báo cáo tình hình hoạt động Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ VHTTDL (giai đoạn 2021 - 2024), Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ VHTTDL Nguyễn Thế Hùng cho biết, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã có 53 đơn vị tham gia hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Trong đó, có 12 cơ quan quản lý nhà nước; 4 Viện nghiên cứu là tổ chức khoa học công nghệ công lập; 13 trường Đại học, Học viện, 11 trường Cao đẳng, 2 trường Trung cấp; 11 đơn vị sự nghiệp. Đội ngũ cán bộ KHCN bao gồm gần 100 Giáo sư, Phó Giáo sư, hơn 300 Tiến sĩ, hơn 2.000 Thạc sĩ....
Bộ VHTTDL đã đầu tư một số dự án xây dựng mới trụ sở của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Dự án đầu tư trang thiết bị Nghiên cứu, Thí nghiệm TDTT của Viện Khoa học Thể dục thể thao; Dự án đầu tư xây dựng công trình: Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Thể thao Việt Nam...
Đánh giá chung về đóng góp của hoạt động khoa học và công nghệ, Vụ trưởng Nguyễn Thế Hùng cho rằng, thông qua các công trình nghiên cứu đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng, trình Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản quản lý nhà nước phát triển ngành, lĩnh vực, là tài liệu tham khảo có giá trị trong quá trình xây dựng Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng 02 Đề án trình Thủ tướng Chính phủ: “Xây dựng và hoàn thiện quy định về quản lý mô hình phát triển kinh tế chia sẻ trong du lịch" và “Xây dựng hoàn thiện quy định về quản lý lĩnh vực lưu trú du lịch theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam"...
Đồng thời, góp phần giải quyết những vấn đề nóng, phức tạp của xã hội, những thách thức của ngành gồm xây dựng đạo đức, lối sống xã hội; bảo tồn di sản văn hóa, các loại hình du lịch mới nhu condotel, tour du lịch giá rẻ, du lịch đêm, kinh tế chia sẻ trong du lịch; nâng cao chất lượng thành tích một số môn thể thao, kinh tế thể thao...
Giá trị của các kết quả nghiên cứu còn được thể hiện qua việc có nhiều Hội thảo khoa học có chất lượng, được đánh giá các, nhiều bài báo khoa học là sản phẩm chính của đề tài được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Hùng, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ VHTTDL vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, Thủ trưởng một số đơn vị được giao chủ trì đề tài chưa sát sao trong chỉ đạo đôn đốc các chủ nhiệm đề tài là cán bộ thuộc đơn vị hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Việc nghiệm thu ở cơ sở chưa thực sự được chú trọng, còn dễ dãi trong xem xét, đánh giá.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu ngày càng được chú trọng, tuy nhiên số lượng đề tài đưa vào ứng dụng chưa nhiều, hiệu quả ứng dụng chưa cao; Chưa tạo nên được các yếu tố hình thành thị trường KHCN, các nghiên cứu chưa tạo ra các sản phẩm, hàng hóa có khả năng thương mại hóa...
Về những nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới, Vụ trưởng Vũ Thế Hùng cho biết, phấn đấu giai đoạn từ 2023 đến năm 2030, Bộ VHTTDL sẽ đề xuất đưa vào thực hiện mỗi năm từ 2 đến 3 đề tài, dự án cấp quốc gia, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ; số đề tài độc lập cấp Bộ tăng 10% - 25%/năm so với năm 2022. Hình thành sản phẩm chủ lực, dịch vụ về văn hóa, thể thao, du lịch trên nền tảng công nghệ, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển ngành và hoạt động kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm 2025 có 3 sản phẩm, dịch vụ, đến năm 2030 có 10 sản phẩm, dịch vụ”.
Trong năm 2024, Bộ VHTTDL đề xuất 2 Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia gồm: "Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nền thể dục thể thao hiện đại" và "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045".
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã lần lượt báo cáo tình hình hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực của mình, đồng thời nêu ra các thuận lợi, khó khăn và đề xuất kiến nghị đối với lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng như Bộ KHCN. Đại diện các đơn vị thuộc Bộ KHCN cũng giải đáp, làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để triển khai chương trình nghiên cứu KHCN cấp quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Hồng Thái nhấn mạnh, qua trao đổi của các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL cũng như phản hồi của các đơn vị thuộc Bộ KHCN có thể thấy, Bộ VHTTDL đã rất quan tâm đến phát triển khoa học và công nghệ.
Bộ VHTTDL phụ trách 3 lĩnh vực rất quan trọng và đều cần vai trò của khoa học, công nghệ, do vậy cần tăng cường nguồn lực, tăng cường sự quan tâm hơn nữa cho hoạt động khoa học, công nghệ để đạt được nhiều thành tựu hơn.
Nêu ý kiến về các vấn đề liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ và các đề xuất, kiến nghị trong hoạt động khoa học, công nghệ của Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để triển khai.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái giao các đơn vị của Bộ KHCN phối hợp cùng các đơn vị của Bộ VHTTDL sớm thành lập Ban Chủ nhiệm, lên khung chương trình và triển khai nhiệm vụ cụ thể.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cũng trao đổi thêm về cách triển khai các nhiệm vụ lớn và cách tham gia một số đề tài khác.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, buổi làm việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, đặc biệt là của Thứ trưởng Trần Hồng Thái đã gợi ra nhiều hướng thuận lợi để phát huy lợi ích của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị ngay sau buổi làm việc này, Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường - Bộ VHTTDL sẽ tổ chức buổi làm việc chuyên đề với các đơn vị và các cơ sở nghiên cứu của Bộ để cụ thể hóa kết quả của cuộc làm việc này. Trong đó, rà soát cụ thể 3 vấn đề nổi bật là các chương trình quốc gia, tăng cường các nhiệm vụ cấp Bộ và các nhiệm vụ hoạt động thường xuyên.