Sign In

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

16:20 04/12/2023

Ngày 4/12/2023, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối với các điểm cầu Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến cơ sở.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính - Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Ảnh: Baochinhphu.vn)

Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Tham dự Hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cùng các cán bộ chủ chốt các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội trong toàn hệ thống chính trị và đông đảo cán bộ, đảng viên.

Hội nghị được kết nối tới 16.242 điểm cầu các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị ở Trung ương và các địa phương trên toàn quốc, thu hút 1.441.200 cán bộ, đảng viên tham dự nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Cơ quan Bộ Xây dựng

Dự Hội nghị tại điểm cầu Cơ quan Bộ Xây dựng có 185 đại biểu và hơn 1.000 đại biểu tại các điểm cầu kết nối (với điểm cầu Cơ quan Bộ Xây dựng), gồm các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Xây dựng; lãnh đạo cấp ủy các cấp và tập thể đảng viên các chi bộ, đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Bộ Xây dựng.

Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày; trong đó, 1 ngày nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết; 0,5 ngày dành cho các tỉnh, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Trung ương triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng truyền đạt chuyên đề về Nghị quyết 43-NQ/TW của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 với nội dung tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ các lý do để Trung ương ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW, chỉ ra 4 quan điểm trong Nghị quyết, khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng, nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong chuyên đề về Nghị quyết số 42-NQ/TW “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, cốt lõi: các yếu tố nền tảng của chính sách xã hội; đánh giá khái quát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012; sự cần thiết ban hành Nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; những nội dung chính của Nghị quyết số 42-NQ/TW; những điểm mới nổi bật của Nghị quyết số 42-NQ/TW.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, Việt Nam đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Cụ thể: chính sách ưu đãi, tôn vinh người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt; việc bảo đảm an sinh xã hội chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân, số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hằng năm và đạt 3,3 triệu người năm 2022; công tác giảm nghèo đạt kết quả nổi bật đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022; diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng; người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ một số điểm mới nổi bật trong Nghị quyết số 42-NQ/TW như: tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập (bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực), bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường). Về xây dựng nhà ở xã hội, Nghị quyết nhấn mạnh Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xoá bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đang triển khai thí điểm việc này tại Hà Giang, Cao Bằng và phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát. Cùng với đó, xây dựng Khung quốc gia về thích ứng già hoá dân số và điều chỉnh tỉ suất sinh thay thế; phấn đấu để Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng đến chuyển đổi công bằng theo sáng kiến của Liên Hợp quốc và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Theo chương trình Hội nghị, trong buổi chiều cùng ngày, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng truyền đạt chuyên đề “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Nội dung các chuyên đề này tập trung vào những vấn đề cốt lõi, những điểm mới của các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII.

Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các Ban, Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ở địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Trần Đình Hà

Tag:

File đính kèm