Sign In

Liên Bộ phối hợp hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người

16:18 10/12/2024

Sáng ngày 10/12/2024 tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài Nguyên và Môi trường (ba Bộ) đã phối hợp tổ chức diễn đàn cấp cao thường niên về một sức khỏe phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và bà Aler Grubs, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chủ trì diễn đàn. Tham dự trực tiếp tại diễn đàn có khoảng 150 đại biểu từ 90 cơ quan trong nước và quốc tế, trong đó có sự tham gia của đầy đủ 32 đối tác ký kết bao gồm ba Bộ; 29 Đối tác phát triển quốc tế và trong nước, hơn 20 tỉnh thành trong cả nước và hàng trăm đầu cầu tham dự trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận phát biểu.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết: kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 mà thế giới phải đối mặt, các giải pháp trong phối hợp liên ngành, theo cách tiếp cận một sức khỏe, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh là rất quan trọng. Việt Nam đã áp dụng thành công phương pháp tiếp cận một sức khỏe để kiểm soát dịch cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1), SARS, đại dịch cúm H1N1 trong những năm đầu thế kỷ 21. 

Ngày 23/03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đối tác một sức khỏe giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật và môi trường sang người và kháng kháng sinh thông qua tăng cường phối hợp đa ngành.

Căn cứ vào mục tiêu và các lĩnh vực trọng tâm của khung đối tác một sức khỏe giai đoạn 2021-2025 và kế thừa thành tựu của các giai đoạn trước đó, ba Bộ đồng chủ trì đã phối hợp với các Bộ, ngành và đối tác liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể một sức khỏe quốc gia giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành vào ngày 21/3/2022. Dựa trên kế hoạch này, Bộ Y tế đã xác định các lĩnh vực trọng tâm, các hoạt động ưu tiên cũng như huy động các nguồn lực hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu của khung đối tác một sức khỏe.

Đoàn chủ tọa diễn đàn.

Sau gần ba năm thực hiện kế hoạch, một số hoạt động đã được triển khai và đạt những thành quả bước đầu, như nhóm công tác kỹ thuật về động vật hoang dã và phòng, chống đại dịch, nhóm công tác kỹ thuật về an toàn thực phẩm đã được thành lập để hỗ trợ và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác xây dựng chiến lược quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2022-2030; chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 và hàng loạt các hoạt động phối hợp liên ngành thuộc các lĩnh vực trọng tâm đã và đang được triển khai đạt hiệu quả như các mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận nhấn mạnh: Công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm trong suốt hai thập kỷ vừa qua đã cho chúng ta thấy rằng một mình ngành Y tế không thể đơn phương kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh có yếu tố liên ngành như bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề như kháng kháng sinh, an toàn thực phẩm, vấn đề sức khỏe do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu…

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận khẳng định, Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực, thúc đẩy và triển khai một cách hiệu quả hơn nữa các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề sức khỏe khác; đồng thời mong muốn cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ, sát cánh cùng Việt Nam thông qua đối tác một sức khỏe nói riêng và những nỗ lực một sức khỏe quốc gia nói chung.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu.

Tại diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Trong bối cảnh tình hình kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp và gây ra hậu quả nghiêm trọng, ngành Nông nghiệp, Y tế và Môi trường trong năm 2024 đều tích cực, chủ động lồng ghép các chương trình và hoạt động một sức khỏe vào chiến lược và hành động của ngành để triển khai các công tác phòng, chống dịch bệnh đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người, vật nuôi và môi trường. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau thiên tai cũng là một nhiệm vụ cấp thiết, nhằm ổn định đời sống người dân. Thành công này không chỉ thể hiện sự kiên cường và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, mà còn là minh chứng cho sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quyết liệt của các Bộ ban ngành, và nỗ lực vượt bậc của các địa phương, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cả nước…

Bà Aler Grubbs, Giám đốc quốc gia USAID cho biết: USAID hỗ trợ các nỗ lực một sức khỏe của Việt Nam từ năm 2005. Tổng cộng, USAID đã đóng góp hơn 155 triệu USD trong 20 năm qua cho các nỗ lực này. Một sức khỏe là một phần cốt lõi trong chương trình của chúng tôi nhằm ngăn chặn đại dịch và các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm mới nổi, bao gồm kháng kháng sinh. Hoa Kỳ và Việt Nam là những đối tác cam kết trong việc đối phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm, phù hợp với các ưu tiên chung của hai nước trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tôi tin rằng mối quan hệ đối tác này sẽ ngày càng bền chặt hơn khi Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới.

 

Toàn cảnh diễn đàn.

Cũng tại diễn đàn, ba Bộ đã nêu bật kết quả và thành tựu triển khai nhiệm vụ và mục tiêu khung đối tác một sức khỏe năm 2024, sự phối chặt chẽ giữa ba cơ quan đồng chủ trì trong các lĩnh vực trọng tâm.

Diễn đàn ghi nhận năm 2024 là năm đánh dấu sự nỗ lực của ngành Môi trường nhằm lồng ghép, triển khai các nhiệm vụ quản lý các tác nhân môi trường trong khuôn khổ khung đối tác một sức khỏe thông qua việc tích cực tham gia và đề xuất hoạt động môi trường trong các cơ chế thường niên, thường quy trong nước và quốc tế của một sức khỏe trong các nhóm công tác kháng kháng sinh (KKS); phòng, chống đại dịch và xây dựng kế hoạch hành động KKS, tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác quốc tế như Fleming Fund trong mạng lưới một sức khỏe để triển khai các hoạt động về kiểm soát KKS trong môi trường trong năm 2024, đặc biệt là đề án kháng thuốc trong lĩnh vực môi trường.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại diễn đàn.

Diễn đàn cũng tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người và kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới việc chuẩn bị, triển khai các hoạt động, chương trình một sức khỏe nhằm thực hiện tốt chức năng, mục tiêu của khung đối tác một cách hiệu quả./.

Tag:

File đính kèm