Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương còn nhiều khó khăn, việc làm người lao động cũng giảm. UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung chủ động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, bên cạnh đó hoãn thanh tra, kiểm tra.
Sản xuất của doanh nghiệp vẫn chưa khởi sắc
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Dương đầu năm gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,58 tỉ USD (giảm 23,1%). Xuất khẩu gỗ giảm 41,5%, dệt may giảm 17,4%, da giày giảm 12,5%.
Khó khăn lớn nhất doanh nghiệp đang gặp phải là tìm kiếm đơn hàng, thị trường. Hiện đơn hàng của các doanh nghiệp đang có chiều hướng sụt giảm. Nguồn vốn khó tiếp cận, lãi suất cao khiến doanh nghiệp không có dòng tiền tái cơ cấu sản xuất.
Ngoài ra, các quy định mới về pháp luật môi trường, phòng cháy, chữa cháy trong lúc này cũng gây nhiều khó khăn tốn kém cho doanh nghiệp khi thực hiện. Hiện nhiều doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, giảm lao động.
Theo báo cáo tình hình lao động việc làm của Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 173 doanh nghiệp giảm vốn hoặc giải thể khiến nhiều người lao động mất việc, giảm giờ làm, nghỉ không lương. Số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong những tháng đầu năm 2023 là khoảng 40.000 lao động.
Các vấn đề về vốn vay, lãi suất cũng khiến doanh nghiệp bị áp lực, có doanh nghiệp không đủ vốn duy trì sản xuất, có doanh nghiệp phải đóng cửa. Ví dụ, ngày 20.6 tới đây, Công ty TNHH S.F VN (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An) sẽ phải dừng hoạt động toàn bộ nhà máy với 190 lao động.
Hỗ trợ công nhân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, đơn vị vừa thực hiện tháng cao điểm chăm lo cho công nhân khó khăn. Đơn vị cũng đã giải ngân 34,5 tỉ đồng hỗ trợ công nhân giảm việc làm. Hiện công đoàn các cấp vẫn đang rà soát các trường hợp khó khăn để tiếp tục hỗ trợ. Ngày 8.6, LĐLĐ tỉnh cùng HĐND tỉnh trao hỗ trợ 34 công nhân khó khăn mỗi trường hợp 5 triệu đồng và hỗ trợ 3 lao động đặc biệt khó khăn mỗi trường hợp 10 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương - cho biết thêm, Sở đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp để kết nối việc làm cho người lao động; Giải quyết các chế độ cho người lao động sau khi kết thúc hợp đồng lao động; Tăng cường theo dõi tình hình quan hệ lao động ở doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Về phía tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo cập nhật, cung cấp thông tin về những vướng mắc, bất cập của quy định pháp lí và thực thi ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chú trọng nêu bật những bất cập, rào cản về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính liên quan...
Hoãn thanh tra, kiểm tra
Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong cuộc họp gần đây, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh - đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động giải quyết công việc, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Hoãn tiến độ thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến phòng cháy, chữa cháy..
https://laodong.vn/cong-doan/hoan-thanh-tra-kiem-tra-chu-dong-ho-tro-doanh-nghiep-san-xuat-1203527.ldo
ĐÌNH TRỌNG (Báo lao động)